Ở cái tuổi 55, khi mà nhà nông còn quần quật với ruộng đồng khoai lúa thì ông Khải đã rảnh rang vui thú điền viên. Cái an nhàn của ông bây giờ cũng là nhờ cái duyên với con chim trĩ.
Trại chim trĩ của ông Ngô Khải ở thôn 5 (xã Quế Thuận, Quế Sơn) được nhiều tay chơi chim kiểng ghé thăm thường xuyên. Đây cũng là nơi đầu tiên và duy nhất ở Quảng Nam hiện nay nuôi trĩ với quy mô thương phẩm. Trang trại có gần 100 con chim trĩ giống thuộc hai họ là trĩ đỏ và trĩ xanh. Mỗi tháng ông bán ra gần 10 đôi chim trĩ, chủ yếu cho người mua nuôi. Ngoài ra trang trại của ông còn kết hợp chăn nuôi nhím, bồ câu, gà đông tảo, gà quý phi… mỗi tháng thu nhập từ chăn nuôi không dưới chục triệu đồng.
Ông Ngô Khải với con chim trĩ đỏ 8 tháng tuổi. |
Kể về duyên nợ với con chim trĩ, ông Khải cho đó là một hành trình gian nan. Năm 2004, ông khởi đầu từ chăn nuôi heo và mở nhà máy xay xát lúa gạo. Một thời gian sau chuyển sang chăn nuôi vịt lấy trứng. Lúc này phong trào nuôi nhím rộ lên tại Quế Sơn, ông bán đàn vịt 400 con, gom góp được 9 triệu đồng mua một đôi nhím giống. Thời gian đầu việc chăn nuôi nhím khá hiệu quả, một con nhím trưởng thành nặng từ 8 - 14kg có thể bán được 25 triệu đồng. Cứ ngỡ rằng sẽ ăn nên làm ra từ con nhím nên ông dành hết tâm lực đầu tư. Tuy nhiên sau một thời gian, nhím trở thành vật nuôi phổ biến. Tại Quế Thuận người nuôi nhím ngày một nhiều khiến giá trị con nhím tụt giảm nhanh chóng, có thời điểm giá nhím thịt chỉ còn 200 nghìn đồng/kg. Nhận thấy mô hình nhím đang đi vào bế tắc, ông Khải bán đi phần lớn đàn nhím, bắt xe ra Hà Nội lặn lội tìm hỏi con chim trĩ. Sau khi ưng ý, ông dồn hết vốn liếng mua 300 trứng trĩ và một máy ấp trứng hết gần 40 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ với nhà nông thời điểm đó.
Lứa đầu tiên ông cho ấp nở 200 chim con từ 300 trứng. Đặc trưng chim trĩ là giống không ấp trứng, trong tự nhiên nó là loài đẻ nhờ tổ chim khác nên việc ấp nở là rất khó khăn. Nếu nuôi ít thì cho gà ấp hộ, còn nuôi nhiều thì cần dùng đến lò ấp. Đến nay, sau nhiều năm chăn nuôi, trại của ông đã có thể ấp nở với tỷ suất hơn 80%. Trĩ là là loài chim quyến rũ, với bộ lông sặc sỡ nên thuyết phục được nhiều người chơi chim kiểng. Thịt chim trĩ cũng là loại thịt quý, bổ dưỡng, được cho là rất tốt cho sức khỏe các quý ông. Ông Khải cho hay đây là loài chim dễ nuôi, ít dịch bệnh lại có giá trị kinh tế cao, đầu ra cũng rất ổn định nên rất được ưa chuộng. Điểm đặc biệt ở loài này là ăn rất ít, có khả năng ăn tạp, các thức ăn chủ yếu là cám gia cầm, rau, cỏ…
Kỹ thuật nuôi chim trĩ cũng không quá phức tạp, chỉ cần xây dựng chuồng trại khô ráo, bọc lưới bảo vệ và thỉnh thoảng vệ sinh, sát trùng là có thể thả nuôi. Điều duy nhất người nuôi cần chú tâm là kỹ thuật ấp trứng. Điểm thú vị là chim trĩ đẻ rất nhiều, thời điểm sinh sản bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch, trong giai đoạn này mỗi chim mẹ có thể đẻ đến 80 quả trứng. Sau khi gom trứng đến một số lượng vừa phải, từ 150 - 200 trứng thì cho vào máy ấp trong vòng 22 ngày là trứng nở. Đầu ra chim trĩ cũng rất rộng mở, hiện trang trại của ông Khải không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Khách đến mua chủ yếu với mục đích chơi kiểng. Một đôi chim trĩ đỏ 8 tháng tuổi được bán với giá 2 triệu đồng, trĩ xanh là 3 triệu đồng/đôi. Còn số trĩ già, trĩ xấu được ông bán thịt cho các nhà hàng với giá 250 - 300 nghìn đồng/kg, theo ông nhu cầu người mua chim trĩ thịt thì “có bao nhiêu lấy bấy nhiêu”. Ông Khải dự tính đến 2015 sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng gấp đôi tổng đàn hiện nay, tạo nguồn cung chim trĩ giống cho các hộ nuôi xung quanh và các tỉnh lân cận.
T.LỰC - V.NHÂN