(QNO) - Những năm gần đây, vùng đông huyện Thăng Bình xuất hiện nhiều mô hình nuôi chim yến trong nhà. Trong đó, anh Trần Hữu Long (thôn Trà Đóa, xã Bình Đào) là một trong số người đang thành công với hướng đi này.
“Lửa thử vàng...”
Không phải là người tiên phong nuôi chim yến trong nhà, tuy nhiên anh Trần Hữu Long là người có mô hình nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn. Cơ duyên với nghề nuôi yến của anh đến khá bất ngờ, trong vài lần chăm sóc vườn cây, anh nhận thấy rất nhiều chim yến trong vùng. Qua tìm hiểu anh biết đây là chim đảo hay đi ăn. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2012 anh cùng 3 người bạn thân trong thôn quyết định xây dựng nhà nuôi yến với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng.
Anh Long thu hoạch tổ yến. Ảnh: VĂN VIỆT |
Anh Long nói: “Tổ yến có chất dinh dưỡng cao, được coi như một thực phẩm chức năng quý. Nhận thấy có thể làm giàu bằng việc thu hút yến về làm tổ, tôi đã bỏ công sức và thời gian vào các vùng như Khánh Hòa, Phú Yên hay ra Cù Lao Chàm để học hỏi kinh nghiệm và công nghệ nuôi yến trong nhà”.
Là người có tính cầu tiến, anh Long thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu công nghệ nuôi yến tốt nhất, phục vụ việc nuôi yến trong nhà của mình. Tuy nhiên lúc mới bắt đầu nuôi, anh gặp nhiều khó khăn. Gần 1 năm nhưng thu hoạch chưa được 1kg tổ yến. Với giá thành lúc đó khoảng 65 triệu đồng/kg thì số tiền này chỉ đủ trang trải chi phí kỹ thuật và tiền nhân công.
Không nản chí, anh Long tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về quy trình nuôi yến, nhờ thế số lượng chim yến tăng lên theo cấp số nhân. Đến nay nhà yến của anh đã có 750 tổ với hơn 1.000 cặp chim yến. “Mỗi năm có 3 vụ thu hoạch tổ yến là tháng 3, tháng 8 và tháng 12, trong đó vụ tháng 12 có số lượng cũng như chất lượng tốt nhất. Trung bình mỗi năm nhà yến của tôi thu về 18 - 20kg tổ yến, trừ các chi phí, ước tính thu nhập gần 300 triệu đồng/năm” - anh Long nói thêm.
Thành công với nhà nuôi yến đầu tiên, anh tiếp tục đầu tư mở thêm nhà yến số 2. Chỉ gần 1 năm nhưng nhà yến số 2 thu hút rất nhiều chim, đến nay có hơn 150 tổ với hơn 300 cặp chim yến.
Khẳng định thương hiệu
Năm 2015, nhận thấy sản lượng yến thu hoạch khá tốt, anh Long thành lập Công ty Yến sào đất Quảng, chuyên cung cấp các loại tổ yến và sản phẩm sơ chế từ yến. Đến nay sản phẩm yến sào của công ty đã phổ biến rộng rãi và có chỗ đứng trên thị trường. “Tương lai tôi muốn mở rộng công ty và đầu tư thêm công nghệ chế tạo sản phẩm yến từ sơ chế đến tinh chế. Đến nay sản phẩm dù đã có chỗ đứng trên thị trường, song vẫn lo ngại với vấn nạn hàng giả. Kiến nghị các ngành và cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn để sản phẩm yến của công ty được phổ biến rộng rãi hơn nữa” - anh Long chia sẻ.
Công đoạn sơ chế sản phẩm tổ yến. Ảnh: VĂN VIỆT |
Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh yến sào, anh Long còn đảm nhiệm vai trò khảo sát, tư vấn thiết kế chuyển giao công nghệ nuôi yến. Đến nay anh đã tư vấn chuyển giao công nghệ cho hơn 10 người trong và ngoài tỉnh có sở thích nuôi yến như anh, nhiều người tìm đến mô hình của anh tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Chia sẻ cách để xây dựng một nhà nuôi yến đúng chuẩn, anh Long nói: “Nhà yến phải được xây dựng giữa miền quê trong lành, với hệ thống âm thanh tốt mới dẫn dụ chim yến từ Cù Lao Chàm về làm tổ trong nhà. Bên cạnh đó, trong nhà phải thiết kế bằng đá tự nhiên để sản phẩm không bị rêu mốc”.
Sản phẩm của Công ty Yến sào đất Quảng. Ảnh: VĂN VIỆT |
Ông Nguyễn Tấn Thu - Chủ tịch UBND xã Bình Đào nhận xét: “Mô hình nuôi yến trong nhà của anh Long mang lại thu nhập khá cao, cần được nhân rộng trên địa bàn. Sắp đến, địa phương cũng sẽ mở các lớp tập huấn cũng như các buổi nói chuyện, để người dân hiểu thêm về mô hình còn mới mẻ và hiệu quả cao như thế này”.
VĂN VIỆT