Làm "giấy khai sinh" cho thôn

HÀN GIANG 20/12/2018 02:05

Nghị quyết về thành lập, đổi tên thôn/khối phố (gọi chung là thôn) trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh ban hành tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua - hình dung như là thực hiện thủ tục làm “giấy khai sinh” cho việc thành lập thôn mới.

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành mỗi huyện, thị xã, thành phố một nghị quyết về thành lập, đổi tên thôn. Ảnh: N.Đ
Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành mỗi huyện, thị xã, thành phố một nghị quyết về thành lập, đổi tên thôn. Ảnh: N.Đ

Đồng thuận cao

Để thuận lợi trong công tác quản lý, rà soát hệ thống thôn sau khi sắp xếp tại các địa phương, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành mỗi huyện, thị xã, thành phố một nghị quyết về thành lập, đổi tên thôn như đề nghị của UBND tỉnh. Tại các cuộc thảo luận trước đó, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đồng thuận cao với chủ trương tổ chức, sắp xếp lại các thôn để tinh gọn tổ chức, giảm số người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Các đại biểu nhìn nhận, về cơ bản công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các thôn được địa phương chỉ đạo chặt chẽ, quy trình thủ tục đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên do áp lực về thời gian, số thôn tổ chức, sắp xếp lại trên địa bàn các huyện khá nhiều nên còn có ý kiến khác nhau về việc đặt tên thôn. Do vậy, cần có thời gian hợp lý để các địa phương đặt tên lại thôn mới cho phù hợp với bản sắc văn hóa, truyền thống, tránh việc dùng chữ số, nên duy trì các tên có truyền thống lâu đời, gắn với quá trình hình thành cộng đồng làng.

Bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án tổ chức sắp xếp lại thôn. Qua tổng hợp, thẩm định có 1.003 thôn được tổ chức sắp xếp lại, thành lập mới 515 thôn; đổi tên 62 thôn, toàn tỉnh giảm được 479 thôn, còn 1.240 thôn. Quy mô các thôn sau sắp xếp cơ bản đảm bảo theo quy định tại Thông tư 09 của Bộ Nội vụ. Qua thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận thấy quy trình, thủ tục thành lập, đổi tên thôn thực hiện đảm bảo theo quy định hiện hành, nhận được sự đồng thuận cao của người dân và các cấp, các ngành. Để các thôn hoạt động hiệu quả, phát huy tính tự quản, bà Nguyệt cho rằng: “Sau khi sắp xếp, quy mô diện tích, dân số của các thôn sẽ tăng lên, cùng với đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách cũng thay đổi. Do vậy, UBND tỉnh cần kịp thời chỉ đạo kiện toàn tổ chức ở thôn, đảm bảo hoạt động được ổn định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát, thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính, tư pháp có liên quan...”.

Đối với phương án tổ chức sắp xếp lại, thành lập thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, lần này HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về thành lập, đổi tên thôn trên địa bàn tỉnh được xem như làm thủ tục “giấy khai sinh” cho việc thành lập thôn mới. Đây mới là kết quả bước đầu, còn trong quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp có thể tiếp tục xem xét điều chỉnh phù hợp, trong đó có việc đặt tên cho thôn mới.

Ba người đảm nhiệm 5 chức danh

Đi cùng với việc ban hành nghị quyết về thành lập, đổi tên thôn, tại Kỳ họp lần thứ 9 vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã xem xét, thống nhất thông qua các nghị quyết về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách và quy định mức hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách thôi không đảm nhận nhiệm vụ sau khi sắp xếp, tổ chức lại thôn trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, số lượng, chức danh, mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn phải thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Theo đó, số người hoạt động không chuyên trách ở thôn được bố trí là 3, để có thể đảm nhiệm 5 chức danh (bí thư chi bộ, trưởng thôn, thôn đội trưởng, trưởng ban công tác mặt trận thôn, công an viên). Còn việc tổ chức thực hiện kiêm nhiệm chức danh như thế nào thì mỗi địa phương tự xây dựng phương án để triển khai, chứ không cứng nhắc. Vì hiệu quả công việc mà bố trí người kiêm nhiệm chức danh; trước mắt sẽ tính hỗ trợ 50% mức phụ cấp đối với chức danh kiêm nhiệm. “Lần này HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết có tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm của một số cán bộ, nhân dân, người được thụ hưởng chính sách liên quan. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích đầy đủ về chủ trương chung của tỉnh, sự tác động cụ thể của các chính sách nhằm triển khai hiệu quả” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.

Có thể thấy, sau khi sắp xếp giảm 479 thôn và cơ cấu lại số lượng người hoạt động không chuyên trách thôn, trên toàn tỉnh sẽ có số lượng khá lớn người hoạt động không chuyên trách thôn thôi đảm nhận nhiệm vụ. Do vậy, việc hỗ trợ cho đội ngũ này là cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, động viên đối với những người đã có quá trình cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh đã thống nhất hỗ trợ một lần cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn thôi không đảm nhận nhiệm vụ sau khi sắp xếp, tổ chức lại thôn trên địa bàn tỉnh với mức 5 triệu đồng/người. Đồng thời bổ sung quy định hỗ trợ một lần cho 5 chức danh (phó bí thư chi bộ và các chi hội ở thôn) với mức 1 triệu đồng/người cho 1.719 thôn. UBND tỉnh cũng sẽ bố trí thêm kinh phí hoạt động các đoàn thể, tổ chức chính trị ở xã, thôn nhằm đảm bảo hoạt động.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm "giấy khai sinh" cho thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO