Lam Hà - Người kể chuyện làng

SONG ANH 26/07/2015 09:34

Có một góc riêng tây cũ kỹ, cách không xa những ồn ào của cộ xe, dòng người. Ông ngồi trong gian nhà cổ, cổ từ vuông sân đến mái ngói, vì kèo, trính, cột, đọc những bi thiết của nông thôn thời cũ, những giản dị gần như đang trôi về phía vô vọng của làng quê ngày nay.

Ông nhà văn xưa cũ, chuyên kể chuyện làng bằng văn phong của một nghệ sĩ mơ mộng. Cho phép tôi được nghĩ về ông như vậy, thưa ông Xuân Tùng của “tiếng phèng la” và người dắt chuyện Lam Hà của nông thôn xứ Quảng!

1.Lâu rồi ông không viết. Độ chừng đầu năm này, ông nghỉ hẳn chuyện viết lách, vì tuổi tác, vì những khó nhọc khi chưa tiếp cận được công nghệ. Nhưng tôi nghĩ, còn một niềm rất riêng, ấy là câu chuyện nông thôn bây giờ, không thể bằng những câu chữ nhẹ như thinh không mà diễn được. Nỗi buồn ấy, như thể các cụ ông ở làng vẫn thường nói, ăn ngủ ở nông thôn nhưng làng quê chỉ còn lại trong ký ức. Có người nhìn vào sự phát triển chóng vánh này, hồ hởi vì quê đã thoát nghèo. Nhưng sống trong những ngôi làng hiện đại, nửa quê nửa phố từ lề thói sinh hoạt, nếp ăn nếp ở, khiến lòng người như thấy cực nhọc hơn. Nhất là với những người đau đáu chuyện làng… như lão nhà văn Lam Hà. Cái thời của áo nâu guốc mộc, làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau vẫn còn lèn chặt trong ký ức người già. Đôi khi, những “ôn cố tri tân” với ký ức ố bụi thời gian cứ phơi ra, lúc suy tàn, lúc lại ngút ngàn rộn rã khiến nỗi thâm trầm càng lặng lẽ dày lên. Người sống ở quê, mà vẫn nhớ quê, lạ kỳ! Tôi mang thứ cảm xúc chả biết gọi tên này đi nói với ông, để những suy tư lan man của mình biết đâu lại gặp “đồng âm”. Và hình như, tôi làm ông buồn. Cái buồn của người ở cuối nẻo đời, đã làm chuyện gieo hạt trên cánh đồng chữ, để một ngày bùi ngùi nhận ra, những cánh đồng ngày một khô rốc. Chuyện tử tế, tốt đẹp ở làng vơi đi. “Mương rộng hào sâu” bị cắt xén vì lòng người ở quê ngày càng chật. Chuyện lễ nghĩa chỉ bày trò khơi khơi. Càng nghĩ, càng trằn trọc, càng thấy mình nhì nhằng thêm vài nếp nhăn…

Xuyên thấu bức chân dung của làng quê thời đại này, để chỉ có thể bằng hoài niệm mới đủ sức nghe ngóng “mùi” quê hương trên những đồi hoa râm. Người đàn ông luôn khép mình trong những “bản ký âm cổ điển” đặc dày phong vị truyền thống, trong hương xưa ngan ngát tình quê, ung dung đi qua những đổi dời thế sự. Cái thư thái trong chữ nghĩa, đôi phần toát lên từ sự nho nhã, lịch thiệp của vóc dáng. Nhìn ông đã thấy hiền. Nhìn ông, đã nghĩ ngay, con người này, chắc chẳng bao giờ nghĩ điều không tốt, cả khi cuộc đời buồn tênh lay ông và con cái bao đận. Ông tuần tự bày ra trước cuộc đời bao nhiêu vướng víu về những cái duyên thẹn thùa kín đáo của người sống ở làng quê từ nhiều thập kỷ trước. Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, sinh thời, cho rằng Xuân Tùng là người đầu tiên “vẽ ra sinh hoạt một xóm Việt Nam từ 1954 – 1960”. Đây là thời kỳ được coi là sôi động nhất của lịch sử nông thôn Việt Nam. Sự trung thực của những ngòi bút như Xuân Tùng, đã “vẽ phác ra những nét khái quát sinh hoạt một xóm tương đối trầm lặng trong thời thanh bình”. Năm 1971, “Tiếng phèng la”, tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Xuân Tùng ra mắt văn giới miền Nam. Lúc ấy, quả như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nói, lần đầu tiên giới tri thức, “có chữ” ở miền Nam biết đến chân  dung người nông dân miền Trung Việt Nam, với lối sống, nếp nghĩ, phong tục đôi phần khác biệt với người Tây, Nam Bộ. “Từng truyện một, Xuân Tùng không làm ta ngạc nhiên, cũng như từng người dân Việt Nam không hề làm ai ngạc nhiên. Nhưng đọc xong cả tập truyện, lướt qua các dáng vóc khác nhau, hoạt động của cá nhân hay đoàn thể khác nhau, từ đêm hát cổ tới cái đầu “phi dê” mới toang của con “Thúi”, từ người đàn ông đánh “tiếng phèng la” giữ nước đến người đàn bà khóc lóc xin chồng thả mình theo “tiếng gọi bầy” với tinh thần công cộng cố hữu (…), ta gặp những con người bằng xương bằng thịt, có bề ngoài đơn giản, tầm thường nhưng cánh tay vẫn chắc nịch để cày mảnh đất quê hương, phát triển xã hội nông thôn. Chính họ, chứ không phải số người ít oi của đô thị, mới là chủ nhân đích thực của mọi biến chuyển lịch sử Việt Nam” - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã có những ưu ái khi cảm nhận về tập “Tiếng phèng la” như vậy.

Nếp quê cũ kỹ. Ảnh: Quang Trần
Nếp quê cũ kỹ. Ảnh: Quang Trần

2. Nói chuyện về nông thôn, như khơi đúng mạch nguồn của ông lão đã rót hết những tiếng thở vắn dài, neo cặm cuộc đời vào những ao làng, giếng nước, cổng xưa. Nghĩ mà thương, khi cả đời viết lách của ông lão chừng như cô quạnh. Những tiếng gõ mong manh trên cái máy chữ với tuổi đời đã gần như bằng cuộc hành trình của ông, càng ngày càng chậm rãi. Căn nhà với những hào hoa ố vàng xộc xệch, tưởng như đã bị lãng quên... Để ngăn một vết buồn, tôi kéo sang chuyện văn chương của thời này. Lam Hà nói ông đọc nhiều sách của nhà văn “trẻ”, thập niên 90. “Càng ngày viết lách càng khó. Viết để thỏa ý mình thì khó in lắm” - ông nói. Nên hàng chục bản thảo của ông giờ vẫn giữ ở nhạc sĩ Xuân Bá - con trai ông. Mà hình như, bây giờ, người ta ưa đọc những điều riêng tư, liên quan đến cô này ông nọ, hơn là đọc những câu chuyện văn hóa thâm trầm, ý nhị. Nên riêng ông một cõi, từ thuở xưa đến giờ. Tập hợp lại tất cả những bài viết đăng trên các báo, tạp chí từ sau ngày giải phóng đến nay, chắc ông được vài đầu sách. Nặng cả về chất chứ không riêng gì số lượng. Nhưng văn nghiệp của ông, phần đông trong trí nhớ của những người trọng tuổi. Như con người ông vậy, thích những điều lặng lẽ, thích an trú trong cõi ta bà. Cả đời văn ông có chưa đầy 3 cuốn riêng, trong đó, “Tiếng phèng la” do Nhà xuất bản Lá Bối nghe danh ông mà tìm đến tập hợp, hai cuốn tản văn còn lại cũng do bạn bè, người thân, vì yêu quý tài hoa mà tìm cách in ấn.

Mỗi người muốn tìm thấy một miền ẩn dật cho riêng mình đều phải bỏ lại rất nhiều thứ nơi dọc đường thiên lý, để đủ nhẹ mà ngược chiều gió tìm thấy bằng an. Lão nhà văn Lam Hà, ngay khi chọn một cái tên mới cho đời văn của mình, đã không ngại ngần xưng bằng tên của quê hương. Tôi nghĩ ông đã vất nhiều thứ, nhẽ ra phải dành cho mình, để thư thái cô đơn, để trọng vọng với những phong lưu hoài cổ. Ở cái đồng vắng những tị hiềm sân si, cả cái cười già nua cũng trở nên rất thật, tôi hình dung ông dựng một cái chòi trên đồng chang chang nắng ấy, chiều buông chén rượu nhưng lòng lại tạ tội với ban sơ. Những câu chữ, có thể sẽ bỏ đi xa. Những câu văn, bây giờ cũng trốn bặt. Nhưng còn nguyên ở đó, là lòng Chân của con người. Ông nói giản dị lắm, thôi buồn vậy đủ rồi, viết vậy đủ rồi… Mà cuộc đời, dễ gì ai biết đủ.

Bây giờ, mỗi sáng sáng, ở xóm Liễu Trì của thị trấn Hà Lam, những cụ ông tóc đã bạc phơ, về ngồi cùng nhau trong vuông sân nhà cụ Xuân Tùng, nghe giọt café rơi, và nói chuyện chữ nghĩa. Cảnh này, trong veo như sương…

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lam Hà - Người kể chuyện làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO