Việc Ban quản lý Quỹ khám chữa bệnh người nghèo tỉnh đòi hỏi những giấy tờ không có trong quy định, không những gây khó khăn trong việc thanh toán tiền hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo mà làm phiền hà cho gia đình bệnh nhân.
Cha của anh T. ở xã X. huyện miền núi Tiên Phước, bị ung thư cần phải chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật và điều trị. Biết UBND tỉnh có văn bản hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho những trường hợp như cha anh, anh rất mừng. Tìm hiểu kỹ quy định, anh T. làm hồ sơ, thủ tục theo đúng yêu cầu đem nộp cho Ban quản lý Quỹ khám chữa bệnh người nghèo (Sở Y tế Quảng Nam), nhưng lần thứ nhất bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ từ chối vì thiếu giấy chuyển tuyến. Lần thứ hai, cũng bị từ chối vì thiếu giấy ủy quyền. Trong khi đó hai loại giấy tờ này hoàn toàn không có trong quy định của UBND tỉnh. Chưa hết, đến lần thứ ba, hồ sơ của cha anh T. được tiếp nhận nhưng 20 ngày sau vẫn chưa được giải quyết. Anh T. hỏi, cán bộ ở đây trả lời: “Sếp bận không ký duyệt được”. Anh T. than thở: “Hơn một tháng với 4 lần từ Tiên Phước xuống Tam Kỳ nhưng tôi vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ chỉ hơn 1,5 triệu đồng. May mà tôi còn có xe máy để đi lại chứ nếu gặp những trường hợp già cả, neo đơn chắc số tiền thanh toán chỉ đủ cho việc đi lại làm hồ sơ, thủ tục”.
Ngày 9.7.2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2151/QĐ-UBND quy định chế độ hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1.3.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Quyết định quy định cụ thể đối tượng được hưởng các chế độ và mức hỗ trợ, hồ sơ thủ tục và cả thời hạn giải quyết hồ sơ. |
Còn chị K. ở xã Y. huyện Tiên Phước lại cho hay: “Chồng tôi bị tim bẩm sinh phải mổ ở Huế. Khi đến nộp hồ sơ tại Ban quản lý Quỹ khám chữa bệnh người nghèo (Sở Y tế Quảng Nam), mới biết là phải có giấy chuyển tuyến mới thanh toán được, tôi đành phải lặn lội ra Bệnh viện Trung ương Huế để năn nỉ xin lại bản sao giấy chuyển tuyến nhưng cũng không có ngay mà phải chờ thêm một thời gian nữa mới có. May mà chồng tôi mổ ở Huế chứ ở TP.Hồ Chí Minh thì chắc đành phải bỏ”.
Theo chúng tôi được biết, thông thường, trên biên lai thanh toán ra viện, các bệnh viện đã ghi rõ tỷ lệ thanh toán của bệnh nhân hoặc chí ít cũng thể hiện thông qua tổng chi phí điều trị và số tiền thực thanh toán của bệnh nhân. Nếu chịu khó một tí, cán bộ làm công tác thanh toán dễ dàng biết được bệnh nhân đi đúng tuyến hay trái tuyến, vì sự chệnh lệch giữa hai hình thức thanh toán này là khá lớn. Trong khi đó, người bệnh hoặc gia đình người bệnh phải đi xin lại giấy chuyển tuyến là điều khó khăn, tốn kém. Hơn nữa bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, không thể tự mình đi nhận tiền hỗ trợ được. Thân nhân của họ đi nhận thay đã có đầy đủ tên tuổi trong sổ hộ khẩu được phô tô kèm theo trong hồ sơ thanh toán thì có nhất thiết phải làm giấy ủy quyền nữa hay không?
Bệnh nhân nghèo, bệnh nhân mắc bệnh nan y và thân nhân của họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả trăm bề. Vì thế, đơn vị làm nhiệm vụ hết sức nhân đạo như Ban quản lý Quỹ khám chữa bệnh người nghèo tỉnh cần có sự cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện thuận tiện nhất để họ được tiếp cận với nguồn hỗ trợ mang tính nhân văn này hơn là làm khó cho họ.
HOÀNG PHONG TIÊN