Làm khó doanh nghiệp

VĨNH LỘC 24/05/2015 07:24

Đã có nhiều ý kiến phàn nàn của các khách sạn tại Hội An về việc đăng ký danh sách khách lưu trú khi phải thực hiện nhiều công đoạn báo cáo nhưng đến nay mọi việc dường như vẫn chưa có sự thay đổi.

Lượng khách đến Hội An tăng hàng năm, nên việc tinh giản thủ tục cho doanh nghiệp là rất cần thiết.  Ảnh: V.LỘC
Lượng khách đến Hội An tăng hàng năm, nên việc tinh giản thủ tục cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Ảnh: V.LỘC

Tốn thời gian

Cô lễ tân Nguyễn Thị Diệu Hiền (khách sạn Công đoàn Hội An) thoáng bối rối khi nhận được thông báo từ bộ phận kinh doanh cho biết, 9 giờ tối khách sạn sẽ đón đoàn khách 40 người đến từ Hà Nội. Điều này cũng đồng nghĩa ca trực hôm nay của cô sẽ phải kéo dài thêm hơn 2 tiếng đồng hồ.

Sau khi ổn định xong các thủ tục phòng ốc cho khách, Hiền vội vã đăng nhập danh sách khách lưu trú (họ, tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số CMND/hộ chiếu; địa chỉ cư trú; thời gian lưu trú tại khách sạn...) vào trang mạng quản lý của Công an tỉnh. Uống vội ngụm nước, cô lại tiếp tục nhập tên một lần nữa vào phần mềm quản lý lưu trú của Phòng Thương mại và du lịch Hội An. Nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ khuya nhưng công việc vẫn chưa kết thúc, cô phải làm thêm một công đoạn tiếp là chép tay (cùng nội dung trên) vào sổ quản lý lưu trú  và sổ sơ đồ  (tên khách, quốc tịch, tiền trọ, địa chỉ, dịch vụ…), xong xuôi các thủ tục kê khai nhìn đồng hồ cũng đã qua 11 giờ khuya. “Ngày thường còn đỡ chứ vào dịp lễ hoặc mùa cao điểm tụi tôi không có thời gian để thở luôn” - cô nói. Hiền chỉ là một trong số hàng trăm lễ tân của khoảng 265 khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn Hội An phải thực hiện những thủ tục đăng ký này.  

Theo tính toán của ông Trần Ngọc Trung - Giám đốc khách sạn Đông Dương, để đăng nhập và chép thông tin mỗi khách vào sổ lễ tân mất khoảng 5 phút, với tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn thành phố năm 2014 là 1.167.000 lượt, thời gian dành cho công việc này là 5.835.000 phút, tương ứng với khoảng 12.156 ngày công (8 giờ một ngày công). Nếu chỉ tính mức lương tối thiểu vùng là 2.568.000 đồng/tháng tương ứng với 98.769 đồng/công (đây chỉ là mức tối thiểu cho lao động phổ thông, lương của lễ tân cao hơn) thì các doanh nghiệp tại Hội An phải chi tổng cộng khoảng 1,2 tỷ đồng tiền công/năm cho việc thực hiện quy định này. “Tại sao ngành du lịch không làm việc với bên công an truy xuất dữ liệu để phục vụ cho mục đích quản lý khách lưu trú thay vì phải đăng nhập lại từ đầu và chép tay vào sổ? Tại sao không cho phép in từ phần mềm ra giấy sau đó lưu trữ, nếu các cơ quan chức năng kiểm tra thì trình bản in ra cũng được đâu nhất thiết phải ghi bằng tay vào sổ?...” - ông Trung đặt câu hỏi.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Tài - Giám đốc lưu trú khách sạn Đèn Lồng cho rằng, đây là những thủ tục không cần thiết, làm khó doanh nghiệp. Khách sạn Đèn Lồng hiện có 62 phòng nếu lấp đầy số khách lưu trú (120 - 150 khách) thì thời gian doanh nghiệp dành cho các thủ tục này rất tốn kém, ảnh hưởng đến việc phục vụ khách. “Cùng địa bàn thành phố nhưng lại có 2 mạng quản lý khách khác nhau thì quá rắc rối cho doanh nghiệp vì phải làm 2 động tác giống nhau. Cách đây 7 tháng, chúng tôi cũng đã phản ánh lên Phòng Thương mại và du lịch Hội An nhưng đến nay vẫn không có thay đổi nào” - ông Tài bức xúc.  

Tạm ngừng đăng nhập vào máy

Theo ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đây là vấn đề được nhiều doanh nghiệp lưu trú quan tâm, kiến nghị thời gian qua, kể cả được phản ánh trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp du lịch cuối năm 2014 với lãnh đạo tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía thành phố. “Hiệp hội đã làm văn bản gửi lên Sở VH-TT&DL kiến nghị sở làm việc với Hội An và bên công an nhằm thống nhất lại cách quản lý, giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa thấy hồi âm” - ông Vân nói. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Châu Trinh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở VH-TT&DL Quảng Nam), đây là chủ trương riêng của Hội An và sở không khuyến khích Hội An làm cách này. Hiện tại, sở đã gửi văn bản yêu cầu Hội An rà soát kiểm tra lại cũng như làm việc với bên công an xem xét phối hợp xử lý vấn đề trên. Ngoài ra, trong tháng 6 này sở sẽ tổ chức buổi làm việc với các đơn vị lưu trú và Phòng Thương mại du lịch Hội An để tìm hiểu và có những điều chỉnh phù hợp.

Bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An thừa nhận, dù thời gian qua cũng đã có vài ý kiến phản ánh về thủ tục đăng ký khách nhưng thực tế phòng vẫn chưa nhận được thông tin chính thống nào. Còn quy định vô sổ khách lưu trú là điều phải làm giống như một chứng từ bán hàng nhằm giúp phòng theo dõi kiểm tra khách để thực hiện các báo cáo thống kê. Riêng việc nhập dữ liệu thông tin khách vào phần mềm quản lý, phòng đã có chủ trương ngưng thực hiện từ cuối năm 2014, nhưng vì những lý do khách quan nên chưa thông báo rộng rãi đến doanh nghiệp. “Trước đây giữa Công an và Phòng Thương mại và du lịch Hội An cũng đã có phần mềm tương tác nhau trong việc kết nối chia sẻ thông tin khách, nhưng đến năm 2014 công an đã thay đổi phần mềm và phòng không thể kết nối được vì lý do an ninh” - bà Dung cho biết. Hiện nay, phòng đang nhờ đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm mới để doanh nghiệp có thể nhập một lần cho cả phòng và công an. Trường hợp không được, phòng có thể xin số liệu hàng tháng bên công an hoặc đề xuất doanh nghiệp báo cáo số liệu tổng hợp mỗi tháng để theo dõi. “Quan điểm của phòng là tinh giản thủ tục chứ không làm khó doanh nghiệp. Riêng việc đăng nhập vào phần mềm quản lý của phòng sẽ tạm thời đóng đến khi có phần mềm mới tương thích, sắp tới chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi cho doanh nghiệp biết điều này” - bà Dung khẳng định.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm khó doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO