Làm kinh tế báo chí, khó trăm bề

ĐINH VĂN DŨNG 20/06/2017 10:37

Thực ra, hoạt động kinh tế trong báo chí là vấn đề không mới, thậm chí từ lâu, đây được xem là điều kiện tiên quyết của nhiều cơ quan báo chí, giúp cho quá trình tồn tại và phát triển mạnh hay yếu, sức hút, uy tín của một tờ báo, một đài phát thanh, truyền hình.

Phóng viên tác nghiệp tại lễ hội ẩm thực ở Hội An.Ảnh: MINH HẢI
Phóng viên tác nghiệp tại lễ hội ẩm thực ở Hội An.Ảnh: MINH HẢI

Ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí ngày càng lớn mạnh, phát triển, một phần quan trọng cũng nhờ làm tốt mảng kinh tế báo chí. Nhiều tờ báo in, báo hình, báo điện tử, trang tin điện tử,… không những đã “nuôi” sống được một đội quân hùng hậu cán bộ, phóng viên, nhân viên, cộng tác viên; mở mang, phát triển tờ báo, mà còn đóng góp một phần kinh phí vào ngân sách nhà nước, của địa phương, của ngành, nhờ một phần lớn là làm tốt mảng kinh tế báo chí.

Trong hoạt động kinh tế báo chí hiện nay, thực tế chỉ tập trung ở một số công việc chủ yếu, đó là: đăng, phát quảng cáo và làm dịch vụ báo chí. Ở hoạt động thứ hai này, có sự đóng góp to lớn của các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông; các công ty, các tập đoàn kỹ thuật; các đơn vị sản xuất chương trình là “vệ tinh” quan trọng của cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, còn có các hợp đồng tuyên truyền chuyên trang, chuyên mục, đặt banner, logo thương hiệu, sản phẩm… được ký kết giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cần phân định giữa nội dung và kinh tế báo chí

Trong lịch sử hình thành và phát triển của báo chí ở Việt Nam, ngay từ khi  những tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời, người ta đã tổ chức mỗi tòa soạn báo có 2 bộ phận chức năng: Phần hành chính quản trị (còn gọi là trị sự) và phần nội dung. Bộ phận quản trị do một ông chủ báo đứng đầu, chăm lo việc cơm, áo, gạo, tiền, in ấn, phát hành, lỗ, lãi... Về phần nội dung tờ báo được giao cho một ông chủ bút (tổng biên tập). Công việc này rất chuyên biệt trong tòa soạn báo. Báo hay, báo dở, nhiều hay ít độc giả, đều do ông chủ bút một tay chèo lái, lo liệu. Nhọc nhằn, lao tâm, khổ tứ và trách nhiệm trên đầu của ông chủ bút, đó là làm sao cho tờ báo đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích của giấy phép đã xin cho cơ quan báo mình.

Trước hết, phải khẳng định rằng, bên cạnh việc xuất bản, sản xuất nội dung của một tờ báo, hay một đài phát thanh, truyền hình, làm kinh tế trong báo chí mang tính hợp pháp, là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác mà cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.

Chúng ta đều biết, Luật Báo chí 1999 và nay là Luật Báo chí 2016 đều cho phép làm kinh tế báo chí. Thậm chí, Điều 21 - Luật Báo chí năm 2016 còn “mở hơn” về hoạt động kinh tế trong báo chí, đó là: “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Thu từ cơ quan chủ quản cấp, thu từ bán báo, bán các bản quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua các bản quyền nội dung; thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí và các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí; nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài...”.

Như vậy, các quy định của pháp luật đã tạo hành lang cho hoạt động kinh tế của báo chí phát triển. Vấn đề cần quan tâm ở đây là thực hiện sao cho đúng ở cả khía cạnh pháp luật và đạo đức của người làm báo. Trong đó,  khía cạnh đạo đức của phóng viên, nhà báo đang được đặt ra bức bách và đòi hỏi báo chí phải thực hiện một cách nghiêm túc. Trong đó, tình trạng nhũng nhiễu cơ sở để trục lợi có thể nói là đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, đã làm giảm niềm tin của xã hội vào các cơ quan báo chí, vào nhà báo. Vì vậy, giải pháp tốt nhất và dễ thực hiện là từng cơ quan báo chí rà soát lại phương pháp công tác, nên tách bạch giữa công tác nội dung của tờ báo và làm kinh tế báo chí. Có thể hình thành bộ phận, phòng hoặc trung tâm quảng cáo, dịch vụ truyền thông, công ty,… để làm kinh tế báo chí.

Hiện nay, ở Việt Nam, một số tờ báo có “tên tuổi”, thương hiệu lớn của một số địa phương, ngành (chủ yếu là ở 2 đầu đất nước), đã tổ chức các mô hình như tập đoàn truyền thông, các công ty quảng cáo, tổ chức sự kiện,… hoạt động chung quanh cơ quan báo ấy. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những tín hiệu bắt đầu manh nha hình thành một nền báo chí truyền thông mang yếu tố thị trường và tập trung ở những cơ quan báo chí hạch toán độc lập, tự thu tự chi, không có nguồn kinh phí nhà nước cấp. Tất nhiên, để làm được việc này, cũng không hề đơn giản, mà đòi hỏi phải có nhiều điều kiện và yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan của mỗi cơ quan báo chí; trong đó, khó nhất vẫn là các cơ quan báo chí ở địa phương. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải có những biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng vị thế và vị trí cơ quan báo chí để hạ bệ uy tín của ngành này, ngành kia vì mục đích trục lợi. Trong xử lý thông tin cũng cần phải điềm tĩnh, cẩn thận, phản ánh một cách chân thật, đúng mức, công bằng và cân bằng vụ việc, không vì “đồng tiền, bát gạo”, không vì một mục đích vụ lợi cá nhân, mà sa ngã vào hành vi phi đạo đức, vô cảm, dẫn đến sai phạm, làm hoen ố hình ảnh, tư cách, đạo đức người làm báo.

Kinh tế ở báo Đảng địa phương - bài toán nan giải

Nếu làm phép tính so sánh trong hệ thống báo chí Việt Nam hiện nay, quả thật, đối với báo Đảng địa phương, vấn đề làm kinh tế trong các cơ quan báo chí này, không dễ dàng chút nào. Có thể nói ngay rằng, ở hầu hết cơ quan báo Đảng địa phương, ngoài một số tờ báo ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai… còn lại phần lớn vẫn phải “sống nhờ” vào nguồn ngân sách của địa phương sở tại là chủ yếu. Vấn đề làm kinh tế ở khu vực báo chí này, chủ yếu cũng gọi là  “phụ thêm” vào nguồn kinh phí ngân sách cấp hằng năm cho bổn báo, thực sự hiệu quả mang lại chưa cao lắm, thậm chí là còn khá thấp.

Bởi một lẽ khá dễ hiểu, ở nhiều địa phương, nền kinh tế còn nghèo, hoặc số lượng doanh nghiệp còn ít, doanh nghiệp lại đang trong thời buổi làm ăn khó khăn, bởi cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển; doanh nghiệp có chút “máu mặt” sẵn sàng chi những khoản kinh phí lớn dành cho quảng cáo, truyền thông cũng không phải là nhiều, không nói là “đếm trên đầu ngón tay”. Các hình thức quảng cáo, tuyên truyền trên báo Đảng địa phương cũng chỉ là làm nhiệm vụ chính trị, vì quy định, hoặc trong kế hoạch hằng năm là phải có (hoặc có)  dành một số kinh phí nhất định để tuyên truyền ngành mình, đơn vị mình, doanh nghiệp mình trên báo Đảng địa phương, mà hình thức phổ biến hiện nay là “hữu hảo” xuân thu nhị kỳ lễ tết mà thôi. Doanh thu bình quân ở những tờ báo Đảng địa phương khoảng vài tỷ đồng/năm. Đó là đối với những tờ báo nhờ vào tài lèo lái của các tổng biên tập giỏi, có quan hệ rộng; bộ phận trị sự, quảng cáo, rồi đội ngũ phóng viên bổn báo năng động, chịu khó quan hệ nhẹ nhàng, khéo léo, tốt đẹp với doanh nghiệp; còn không thì doanh thu sẽ thấp hơn rất nhiều.

Phát hành báo Đảng địa phương (báo giấy) vẫn tiếp tục gặp khó; số lượng phát hành ngày càng giảm, mặc dù chính quyền sở tại đã bao cấp kinh phí in ấn, phát hành, và các cơ quan báo Đảng địa phương cũng đã cố gắng mở rộng diện, kênh phát hành để tăng số lượng báo, nhưng chưa có chuyển biến thực sự tích cực và hiệu quả; bởi lẽ, bên cạnh mặt tích cực của thời đại công nghệ thông tin, báo điện tử, mạng xã hội đang bùng nổ dữ dội như hiện nay, hệ lụy của nó đã phần nào lấn đường báo giấy phát triển. Điều đó đã quá rõ, không cần bàn cãi. Trong khi đó, chúng ta đều biết, phát hành và làm kinh tế báo chí có quan hệ với nhau. Đồng nghĩa là, làm kinh tế ở báo Đảng địa phương lại càng không đơn giản chút nào. Đó là những vấn đề có phần nan giải đang đặt ra đối với báo Đảng địa phương, mà mỗi bổn báo cũng nên nghiên cứu để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, khả thi để giải quyết tốt nhất vấn đề làm kinh tế báo chí trong hoàn cảnh hiện nay.

ĐINH VĂN DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm kinh tế báo chí, khó trăm bề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO