Xứ vàng miền tây đất Quảng xưa nay được dệt nên bởi những câu chuyện buồn, dù còn đó những đại gia ngồi trên đống vàng hưởng thụ. Vàng lấy đi máu, sinh mạng nhiều người, đẩy không ít phận đời xuống hố sâu, nhưng có những người sớm nhận ra ảo mộng, dừng bước giang hồ làm lại cuộc đời.Đời phu vàng là trò đời “cười ra nước mắt”. Sáng – tối của phận số đeo đẵng họ triền miên. Có người trượt dài trong giấc mộng đổi đời, để rồi trả giá phải vùi thân vĩnh viễn giữa núi rừng hoang lạnh. Trong vòng xoáy của vàng, có những người bản lĩnh chọn đường hoàn lương, làm ăn chân chính, dù ở “thiên đường” này cạm bẫy giăng kín. Trở lại đất vàng Phước Hiệp (Phước Sơn) lần này, tôi đã thấy ánh mặt trời rọi xuống thung lũng giữa rừng sâu.Xuống hầm lò cai nghiệnHơn 10 năm nay, dân làm vàng trên địa bàn huyện Phước Sơn không xa lạ với Lê Văn Tâm (SN 1976, quê xã Bình Trị, Thăng Bình), biệt danh “Bi nghiện”. Tâm quá nổi tiếng bởi những trò giang hồ vặt và là đối tượng nghiện ma túy nặng. Mới mười tám đôi mươi mà cơ thể xương xẩu, xanh xao như tàu lá chuối. Từ hút rồi qua tiêm chích, Tâm dạt khắp nơi, rồi sống lay lắt tại các bãi vàng Phước Thành, Phước Kim, Phước Chánh. Nhiều lần “quá liều” tưởng đâu “Bi nghiện” không giữ nổi mạng sống. Ở miền sơn cước buồn bã, bị bạn bè rủ rê “Bi nghiện” đã làm nô lệ của “nàng tiên nâu” hơn 5 năm trời. Bỗng một ngày đông giá lạnh năm 2003, Tâm thẳng thừng tuyên bố với mọi người rằng, từ nay sẽ tự cai nghiện. Nghe Tâm thề thốt, mọi người cũng chỉ tặc lưỡi cười nhạo. “Có biết bao đứa nói như vậy mà có bỏ được đâu. Tụi nó mười thằng như một chết hết rồi. Mi nghiện nặng mà cai được tao bái làm cụ” - Tâm nhớ lại lời các chủ bãi vàng nói với mình. Điều gì khiến anh đoạn tuyệt với ma túy? “Sợ chết lắm” – Tâm nói mà không chút do dự. Anh nói tiếp: “Tại lúc đó thấy nhóm bạn nghiện nó chết nhiều quá nên đâm ra sợ mà bỏ thôi. Nghiện ngập, dùng kim chung, mắc bệnh “ết” là con đường dẫn đến cái chết nhanh nhất”. Hơn 10 năm trước, xã Bình Trị mệnh danh là “làng ma túy” bởi cả trăm trường hợp chết trẻ. Thời điểm này, nhiều ngôi làng ở Bình Trị gần như vắng bóng thanh niên do rủ nhau đi khai thác vàng trên vùng cao huyện Phước Sơn.Những ngôi nhà lập trên thung lũng vàng thôn 8 xã Phước Hiệp. Ảnh: HỮU PHÚCVào các trung tâm cai nghiện ma túy của Nhà nước thì việc cai đã khó thành công huống chi ở cái xứ đầy cạm bẫy, “hàng trắng” lúc nào trao đổi dễ dàng như mắm, muối. Nhiều đêm mất ngủ, trong đầu Tâm thoáng nghĩ tự nguyện xuống Trung tâm cai nghiện 05 đóng tại huyện Hiệp Đức chữa trị một thời gian rồi về hòa nhập cộng đồng. Nhưng, chứng kiến cảnh bạn bè trốn trại, tái nghiện rồi bị bắt vào lại trung tâm đã khiến anh nhanh chóng thay đổi quyết định, chọn cách lao mình xuống hầm lò để cai nghiện, tự “hành xác” bản thân. Đều đặn mỗi ngày, đến bữa ăn, các phu vàng dùng dây thừng đưa cơm, nước xuống cho Tâm. Vì ở trong đường hầm tăm tối không có đường lên nên mỗi lúc lên cơn thèm, “Bi nghiện” chỉ biết quằn quại, đau đớn một mình dưới đáy hầm. Bằng phương pháp dùng tinh thần để chiến thắng bản thân, sau 3 tháng ròng sinh hoạt dưới hầm sâu, cuối cùng anh đã cai nghiện thành công mà không tốn bất cứ một viên thuốc nào. Tâm bộc bạch: “Lúc còn nghiện, tôi thân tàn ma dại, cõng chuyến thuê cả ngày lẫn đêm cho các chủ bãi để có đủ 500 nghìn đồng mua hàng mỗi ngày. Trời thương mình cho cái mạng sống đến hôm nay chứ nhóm bạn nghiện hàng chục đứa đều chết cả. Bây giờ nghe đến từ ma túy mình đã ớn đến tận xương tủy”. Cai nghiện thành công, Tâm trở thành tấm gương về ý chí phục thiện để nhiều đối tượng lầm đường lạc lối noi theo. Anh được nhiều doanh nghiệp khai khoáng biết đến và mời về làm việc tại các hầm lò. Hiện Tâm đang làm quản lý cho Công ty TNHH Nam Mai đóng tại địa bàn xã Phước Hiệp (Phước Sơn). Anh Chương – Giám đốc Công ty TNHH Nam Mai chia sẻ, Lê Văn Tâm giờ là người quản lý quan trọng của công ty, tự cai nghiện thành công và điển hình về ý chí phục thiện. Qua những năm làm lại cuộc đời, nhờ biết trân quý những gì đã đánh mất, anh đã xây dựng được hạnh phúc gia đình.Anh Lê Văn Tâm, biệt hiệu “Bi nghiện” với cuộc sống bình dị hàng ngày.Phục thiệnCon đường vào thôn 8 (xã Phước Hiệp) gập ghềnh, quanh co như chính số phận phu vàng với nhiều hoàn cảnh không ai giống ai. Có người vì miếng cơm manh áo đã trôi dạt về đây, nhưng cũng có trường hợp vào để “trốn chạy”, giã biệt một quá khứ bất hảo, bước vào cuộc đời mới. Nơi này, tôi đã gặp những phụ nữ mà cuộc đời của họ chìm nổi, rẽ ngang như một khúc cua con đường. Quán nước chúng tôi dừng chân do 2 phụ nữ tên Lược và Lưu tuổi đã ngũ tuần làm chủ. Bà Lược, dân gốc Nam Định, vào đất Phước Hiệp mở quán buôn bán từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, bà kiếm sống tại các bãi vàng Phước Thành, Phước Lộc với nghề khai thác vàng tọ mọ. Hoàn cảnh xô đẩy bà di chuyển xuống vùng này. Quanh căn nhà ẩm thấp vừa là chỗ bán nước còn ngổn ngang dụng cụ, máy móc khai thác vàng. Sau khi ra tù về tội mua bán trái phép chất cấm, bà Lược tiếp tục “tuyển quân” vào đây làm việc cho các doanh nghiệp. Biết nhà báo vào, bà đối đãi tử tế. “Ở tuổi này, trải qua nhiều sóng gió, từng vào tù nên quãng đời còn lại tôi thiết tha cuộc sống này lắm. Mỗi ngày kiếm vài chục đồng từ buôn bán nước giải khát, đồng tiền làm ra từ lao động chân chính mình thấy quý giá lắm” – bà Lược tâm sự. Cũng cắm rễ nơi miền sơn cước này, nhưng người phụ nữ có tên Lưu gốc gác ở Hội An cũng có hoàn cảnh riêng. Thời con gái, bà Lưu kết duyên với một người đàn ông quê ở Nam Định rồi dắt díu nhau lên xứ này lập nghiệp. “Nói đến Sáu Lưu thì đất Phước Sơn này ai không biết. Tôi từng có trong tay hàng chục quân đi làm vàng khắp nơi. Những năm 1990, tài sản gia đình đã có tiền tỷ. Thế nhưng, tôi như tuộc dốc không phanh sau lần quân của mình bị chết do sập hầm. Vào rồi ra tù, phải làm lại từ hai bàn tay trắng. Tiếp tục tọ mọ vàng nhưng nghèo lại hoàn nghèo. Không còn đủ khả năng dẫn quân làm vàng, bà Lưu về mở quán buôn bán nhỏ ven đường và nấu rượu, nuôi heo. Đứa con gái 20 tuổi cũng theo mẹ vào đây. Hàng quán buôn bán sát bãi vàng tạm bợ như lán trại của phu vàng. Và chính những cơ sở buôn bán nhỏ của bà Lược, bà Lưu đã làm cho đất vàng bớt phần quạnh quẽ. Sống riết rồi quen nên họ quyết bám trụ, an cư lập nghiệp nơi đây.Giấc mơ đổi đời từ vàng đã đẩy họ vào con đường phạm pháp, nhưng cũng chính nơi này mà những người như bà Lược, Lưu hay “Bi nghiện” đã quay đầu làm lại cuộc đời.Phóng sự của HỮU PHÚC