Chương trình “Ngày thơ Việt Nam” vào dịp Nguyên tiêu đang dần được đổi mới để thu hút công chúng. Ở Quảng Nam, chương trình thơ Nguyên tiêu lần này được thiết kế, dàn dựng theo hướng tăng tính trình diễn, tính sân khấu.
Cho chữ - một trong những hoạt động thú vị được lồng ghép vào chương trình thơ Nguyên tiêu những năm gần đây.Ảnh: P.C.A |
Trừ lần đầu tiên diễn ra vào dịp Nguyên tiêu 2003 được tổ chức theo đúng ba-rem của Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương, hội thơ Nguyên tiêu trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam những năm sau đó đã có một số thay đổi. Hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn giữ nguyên khung chương trình gồm 2 phần lễ và hội, song cách thức thể hiện, chủ đề, liều lượng chương trình thì mỗi năm, mỗi nơi một khác, tùy tình hình thực tế của từng địa phương. Ví như ở Phú Yên, ngoài việc trưng bày những câu thơ hay, ngâm vịnh thơ, trong chương trình thơ Nguyên tiêu còn có phần thi... người đẹp. Ngoài ra, mỗi 2 năm một lần, Phú Yên lại tổ chức hội thơ Nguyên tiêu “mở rộng” với sự tham dự của các tác giả thơ nổi tiếng trong cả nước. Tại một số tỉnh Tây Nam bộ như Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long... chương trình thơ Nguyên tiêu còn được lồng ghép với trình diễn ca cổ, đờn ca tài tử. Còn tại một số tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương... ngày hội thơ Nguyên tiêu những năm gần đây ngoài việc giới thiệu các thi phẩm đương đại còn có thêm phần xướng họa thơ Đường. Sân thơ cấp quốc gia do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cũng có nhiều hình thức khác nhau, như đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ, trình diễn thơ, thả thơ...; có lúc lại lập ra sân thơ riêng cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Chương trình thơ Nguyên tiêu Đinh Dậu - 2017 do Hội VHNT tỉnh tổ chức diễn ra tại Tam Kỳ vào tối 13 tháng Giêng (9.2.2017) với chủ đề “Quảng Nam - những mùa xuân thơ”. Chương trình gồm có 15 tiết mục thơ - nhạc được chia làm 3 chương: Quê hương, Những câu thơ đồng hành và Trên đường phát triển, tập trung ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, ngợi ca những thành tựu nổi bật của Quảng Nam sau 20 năm tái lập tỉnh. |
Tại Quảng Nam, trải qua 14 lần tổ chức, chương trình thơ Nguyên tiêu cũng đã có một số thay đổi. Ngoài một số năm giữ đúng chủ đề do Hội Nhà văn Việt Nam gợi ý, đề nghị, rất nhiều lần Quảng Nam đã chọn chủ đề riêng, bám theo các sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa quan trọng của tỉnh. Thay vì chỉ tổ chức cố định một nơi, chương trình thơ Nguyên tiêu ở Quảng Nam còn được luân phiên tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, nhằm đưa thơ đến gần công chúng hơn, vừa góp phần kích hoạt phong trào sáng tác thơ ở cơ sở. Ngoài chương trình thơ do Hội VHNT tỉnh tổ chức, vào dịp rằm Nguyên tiêu hằng năm, một số địa phương trong tỉnh như Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Đại Lộc và nhiều câu lạc bộ thơ ở cơ sở cũng tổ chức chương trình thơ riêng, góp phần làm tăng thêm sắc màu và không khí cho ngày hội thơ ca... Một điểm đáng lưu ý nữa trong việc tổ chức chương trình thơ Nguyên tiêu ở Quảng Nam là, hình thức tổ chức, nội dung chương trình cũng có một số thay đổi. Đó là: lồng ghép vào chương trình thơ Nguyên tiêu các hoạt động trưng bày, triển lãm, tọa đàm, giao lưu giữa các nhóm thơ; trình diễn thư pháp, cho chữ; thi sáng tác thơ nhanh; từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động diễn ngâm; tạo cơ hội tham gia sân chơi cho các tác giả thơ chưa phải là hội viên Hội VHNT tỉnh; khuyến khích các tiết mục có khả năng tương tác... Chẳng hạn như trong chương trình thơ Nguyên tiêu lần thứ 15 diễn ra vào tối 13 tháng Giêng năm Đinh Dậu này, chương trình được thiết kế, dàn dựng theo hướng tăng tính trình diễn, tính sân khấu.
Trước những thay đổi - nhất là về mặt hình thức, của chương trình thơ Nguyên tiêu trong thời gian gần đây, hầu hết những người trong cuộc đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Nói về những cải biến như đã kể, có lần nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng, đó là một tất yếu. Ông nói, đại ý, thơ luôn luôn chứa đựng năng lực vận động tự thân và cần được vận động trong những “sinh quyển” của riêng nó. Do vậy, sự “phá vỡ” khuôn mẫu của ngày hội thơ Nguyên tiêu cũng là điều đương nhiên. Còn theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học trực thuộc Hội VHNT tỉnh - thì, trong bối cảnh các phương tiện, hình thức giải trí ngày càng phong phú, đa dạng và hấp dẫn như hiện nay, nếu hoạt động trình diễn thơ ca không vận động, đổi mới thì rất dễ bị công chúng quay lưng. “Thơ vốn đã kén công chúng, nếu chúng ta không tự đổi mới, không nỗ lực làm cho hình thức trình diễn thơ trở nên hấp dẫn hơn thì rất có thể đến một lúc nào đó, hoạt động này chỉ còn sự tham dự của những người làm thơ với nhau mà thôi. Tất nhiên, phải lưu ý rằng thơ là một “cõi riêng”, thay đổi mà làm mất đi cái riêng ấy thì đừng nên làm mới làm gì” - nhà văn Lê Trâm nói.
PHAN CHÍ ANH