Làm nghề mong gặp... quỷ

LÊ VĂN CHƯƠNG 05/02/2019 05:17

Ngư dân làm nghề lặn đêm ở quần đảo Hoàng Sa hiện làm một nghề không giống ai, đó là lặn xuống rạn san hô sát các đảo để mò bắt loại cá rất giống tảng đá san hô bán với giá 500 nghìn đồng/kg (tại nhà hàng giá tới vài triệu đồng). Đó là cá mặt quỷ. Đêm nào cũng vậy, trước khi vào phiên lặn, ngư dân lại chúc nhau “đêm nay gặp quỷ nghen!”.

Cá mặt quỷ vào đất liền cân bán cho thương lái.Ảnh: L.V.C
Cá mặt quỷ vào đất liền cân bán cho thương lái.Ảnh: L.V.C

Trên vùng biển Hoàng Sa vào lúc sập tối, những đám mây trắng trở thành màu hồng rồi chuyển sang sắc đen trước khi bóng đêm bao trùm khắp mặt biển. Con tàu Quảng Ngãi do ngư dân Nguyễn Hữu nằm giữa biển khơi bắt đầu nổ máy hướng về phía bóng đảo đang soi hắt xuống mặt biển. Cả đoàn tàu neo cách các đảo ở Hoàng Sa khoảng 7 – 8 hải lý bắt đầu như những quân cờ chuyển động và đi về phía đảo.

Đi tìm... mặt quỷ

Trời càng tối, tàu càng vào gần và tiếng xì hơi càng rõ. Âm thanh xì hơi kéo dài trên tàu giống như tiếng kẻng để 15 ngư dân khoác đồ nhái, đeo chân vịt, choàng thắt lưng chì và lấy pin lặn. Các thợ lặn đều bảo hộ bằng găng tay dày để chống lại đòn hiểm từ đuôi cá mặt quỷ, từ cú táp đứt lìa ngón tay của cá chình có răng sắc như dao.

Dưới đáy biển, cá chình giống như báo đốm trên đất liền, miệng cá mở ra, phập phồng trông rất dễ sợ. Còn cá mặt quỷ giống như thiên lôi của thủy tề, nó quất đuôi vào tay là thợ lặn sẽ bị tê bại và liệt người vì nọc độc. Ngư dân lặn sâu dưới nước nếu bị cá mặt quỷ tấn công mà không ngoi lên kịp thì có thể bỏ mạng. Nguy hiểm vậy, nhưng các ngư dân vẫn săn cá mặt quỷ với vẻ hứng thú.

Ngư dân lặn đêm vài phiên mới kiếm được một con cá mặt quỷ. Ảnh: L.V.C
Ngư dân lặn đêm vài phiên mới kiếm được một con cá mặt quỷ. Ảnh: L.V.C

Anh Thiện, 39 tuổi, là thợ lặn từ năm 17 tuổi nên có khá nhiều câu chuyện ly kỳ về cuộc sống dưới đáy đại dương. Nhiều năm lặn bắt hải sâm nên ngư dân này có thể lặn đến độ sâu 75m. Anh cho biết: “Dưới thủy cung cũng như trên đất liền. Mới hôm rồi đi lặn với thằng bạn, xuống bắt được con cá mặt quỷ nhưng nó không bảo hộ găng tay nên bị đuôi chích độc, ngoi lên mặt nước là nằm xỉu đơ. Nó nặng 60 - 70kg nhưng mình phải cõng nó chạy về tới nhà để đưa đi cấp cứu ở trạm xá”.

Ngư dân Lại Minh Điểm thì kể về cách để tìm được cá mặt quỷ. Đó là khi lặn xuống rạn san hô, nơi nào nước trong, các loại cá ít dám bén mảng tới thì  nơi đó có “ông mặt quỷ” đang phủ phục rình đớp mồi với cái miệng rất rộng. Có lúc 1 ngư dân kéo theo 2 ngư dân khác bơi đến để đánh đố có nhìn thấy con cá mặt quỷ đang nằm trước mặt hay không. Vì cá mặt quỷ rất giống tảng đá san hô và ngụy trang rất khéo léo, nó thường nằm trên chóp và tự biến mình thành một vạt nhọn của cục san hô, hoặc một nhánh chìa ra của tảng đá, vì vậy các ngư dân bị đánh đố nhìn mãi vẫn không thấy gì.

Ở một số nước có loài cá mặt quỷ rất to và nặng vài chục ký nên thợ lặn không dễ gì bắt được. Các thợ lặn phải nắm được cú ra đòn hiểm của cá để lúc thò tay chộp cá thì nắm vi cánh 2 bên.

Nghề cực nhọc

Cá mặt quỷ giống như thiên lôi của thủy tề, nó quất đuôi vào tay là thợ lặn sẽ bị tê bại và liệt người vì nọc độc. Ngư dân lặn sâu dưới nước nếu bị cá mặt quỷ tấn công mà không ngoi lên kịp thì có thể bỏ mạng. Nguy hiểm vậy, nhưng các ngư dân vẫn săn cá mặt quỷ với vẻ hứng thú.

Trong khi ngư dân ngoài boong râm ran kể về chuyện cá mặt quỷ thì thuyền trưởng ngồi trong ca bin điện đàm sang các tàu với lời chúc “đêm nay cố gắng kiếm vài con mặt quỷ nghe, nhưng mà phải vô sát chân rạn thì mới nhiều đó”.

Nghe đơn giản vậy, nhưng đồng hành với ngư dân mới hiểu được sự cực nhọc của họ. Khi trời sập tối cả đoàn tàu lại áp sát các đảo Hoàng Sa, mặc kệ đèn pha từ đảo soi ra lấp lóa như những mũi dao rọc trên mặt biển để soi mói, tìm bóng những con tàu của ngư dân Việt Nam. Nhưng bao đêm trôi qua, các ngư dân vẫn cần mẫn vào sát đảo, sát đến mức có thể nhìn thấy xe chạy trên đất liền ở đảo Phú Lâm - nơi ngư dân thường ví như hang quỷ, vì thỉnh thoảng tàu tuần tra lại lao ra đâm húc.

Tàu Quảng Ngãi ở vòng 1 - tức vào sát đảo, tàu Quảng Nam và Bình Định ở vòng 2 - tức ở tọa độ xa hơn để đánh lưới rút và câu cá ngừ đại dương. Để bắt được loài cá mặt quỷ, thợ lặn phải cầm đèn pin lặn dưới đáy biển và thò tay vào từng hang hốc dưới rạn san hô. Kim đồng hồ áp suất nằm cạnh van xả hơi an toàn trong ca bin hiển thị bình dưỡng khí đặt dưới hầm tàu đã đầy căng hơi, máy dò đáy biển hiển thị độ sâu 20m, thuyền trưởng ngồi trong ca bin hô to, “anh em nhảy nước”. Sáu ngư dân ngồi trên boong tàu cầm cây nhọn, xách giỏ đựng cá và phóng người xuống lặn đợt 1. Sau khoảng 50 phút thì tốp ngư dân sau sẽ thay thế cho tốp thợ đầu lên nghỉ.

Trong thời gian các ngư dân lặn dưới nước, đội bạn ngồi trên tàu quan sát ánh đèn pin lóa lên từ dưới đáy biển để điều khiển dây hơi, tiếp dưỡng khí cho thợ lặn. Để săn các loại cá dưới đáy biển và bắt cá mặt quỷ, ngư dân lặn liên tục bơi và đi bộ dưới độ sâu 20m nước. Mỗi đêm lặn, các ngư dân đi bộ và bơi khoảng 5km dưới đáy biển tìm cá. Khi thuyền trưởng phát lệnh “kéo anh em lên”, ngư dân ngồi trên boong kéo giật mạnh dây hơi, nhấp nháy đèn tín hiệu. Tiếng nước biển sôi sùng sục khi các ngư dân lặn ngoi lên mặt nước, buông dây thở ra khỏi miệng và nói vọng lên “chưa có con mặt quỷ nào”.

Càng khuya, không khí lao động trên tàu càng nhiệt hơn. Họ thay phiên nhau đổi ca. Đêm khuya là lúc tiếng nói của các ngư dân trên máy Icom càng rõ giọng. Hàng loạt tàu cá của ngư dân Quảng Nam than vãn chuyện về phía đảo Bom Bay mà tự dưng dạo này vẫn bị “làm khó”, tàu cá của ngư dân Bình Định thì nói chuyện tàu Trung Quốc đèn sáng quá đã hút hết luồng cá.

Mãi đến phiên lặn thứ 4 vào lúc 23 giờ đêm, ngư dân mới ra hiệu “ba con mặt quỷ”. Thợ lặn trèo lên tàu lập tức đốt thuốc lá hối hả và nói “kiếm được mặt quỷ rồi, thổi lửa cho ấm phổi”. Còn ông thuyền trưởng lập tức cho tàu rú ga lao đến một khu vực khác được lưu sẵn trong máy định vị để thả thợ lặn. Nếu nghe thợ lặn báo cáo “có vài con mặt quỷ”, ông thuyền trưởng càng hứng  khởi và cho tàu lao đi thật nhanh, mũi tàu xé toang nước biển đêm ở Hoàng Sa.

Cá mặt quỷ ẩn mình nhiều nhất ở một nơi mà đối với ngư dân bám đảo là một sự khắc nghiệt, đó là rạn san hô ven đảo Phú Lâm, nơi mà Trung Quốc đã quân sự hóa, trang bị tận răng và kéo tên lửa tầm xa HQ - 9 và máy bay át chủ bài J - 11 BH ra để phòng thủ. Vậy nhưng đêm đêm, những ngư dân cùng bao con tàu nhỏ bé vẫn không ngại, đi về phía hang quỷ và từng người, từng người nhảy xuống biển, cầm pin tiến vào sát đảo. Lúc 4 giờ sáng, đoàn tàu lại quay ngược trở ra, trên ca bin mỗi con tàu lại nhộn nhạo âm thanh và tiếng cười: “tối nay gặp quỷ, được vài chục con thả nuôi dưới hầm”.

LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm nghề mong gặp... quỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO