Nạn sâm giả và biện pháp ngăn chặn? Vật liệu thân thiện với môi trường là gì và tìm ở đâu? Chiến lược phát triển ra sao khi trở thành cây trồng mang thương hiệu quốc gia? Bảo tồn nguồn gen thế nào?... Đây là những vấn đề rất lớn, phức tạp, một huyện, một ngành không thể đảm đương nổi khi đụng đến cây sâm Ngọc Linh. Lời giải cho câu chuyện này đã lộ ra, nhưng chưa thể tháo gỡ ngay được.
BÀI 1: KHÓ GỠ RỐI “HÀNG RÀO KỸ THUẬT”
Một “hàng rào kỹ thuật” về ươm trồng sâm Ngọc Linh đã được dựng lên thời gian qua, dù được cho là không bất nhất trong các quy định nhưng thực tế đã tạo ra những rào cản khó tháo gỡ.
Cho và cấm
Trong một văn bản mới đây, UBND huyện Nam Trà My cho rằng, theo Quyết định 1174 ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế kỹ thuật ươm, trồng, gieo sâm Ngọc Linh, có định mức lưới B40, trụ sắt V4 (mạ kẽm). Quyết định số 225 ngày 29/6/2020 của Sở NN&PTNT cho phép dùng ny lon, tôn để che chắn trong giải pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, tại Công văn số 219 ngày 28/1/2022 của Sở NN&PTNT lại yêu cầu không đưa vật liệu khó phân hủy, có nguy cơ ô nhiễm, không thân thiện với môi trường như tấm nhựa, thau nhựa, rổ nhựa, ny lon vào sử dụng trong vườn sâm.
Thực tế, các doanh nghiệp ở đây đã đầu tư khá lớn vật liệu không thân thiện để trồng và chăm sóc sâm. Những quy định trên đã khiến 6 tháng qua chỉ tiêu trồng sâm cả huyện chỉ đạt 32% (0,8/25ha).
Câu hỏi đặt ra: Cho rồi không, nếu buộc doanh nghiệp, người dân tháo gỡ, vậy thiệt hại ai chịu? Vì sao có sự bất nhất này? Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp và địa phương sử dụng vật liệu thân thiện, vậy vật liệu thân thiện là gì? Việc khuyến khích có đi kèm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật hay không? Sở NN&PTNT có vai trò gì trong chuyện này, hay là giao cho doanh nghiệp và người dân tự xử?
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đây là câu chuyện không đơn giản, bởi liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên, khi sâm Ngọc Linh chỉ phát triển tốt trong môi trường tốt, nhưng lại bị tác động của nhiều yếu tố. Việc đặt ra định mức kinh tế kỹ thuật là góp phần tạo cho cây giống 1 năm tuổi, khi đưa ra môi trường tự nhiên đủ điều kiện để phát triển.
“Thực ra là không bất nhất. Bối cảnh chung về sản xuất cây sâm giống từ hộ dân và cơ sở sản xuất trước đây gặp khó khăn là tỷ lệ cây con gieo trồng trực tiếp dưới tán rừng chết rất nhiều do bệnh từ nấm trong đất và nấm lá. Số lượng giống không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Chúng tôi đưa ra khuyến cáo chung, là muốn làm cây giống phải cải thiện môi trường sản xuất (trong vườn ươm), hạn chế bệnh tật thì phải có mái che.
Tại đây có hai trường hợp: cơ sở sản xuất của tỉnh và huyện có diện tích ngoài nương rẫy, ưu tiên cho phát triển cây giống, có mái che mưa nắng, điều tiết được thời tiết và quan trọng là diện tích không lớn, nên quản lý được.
Cây giống của dân địa phương, họ cải tạo vườn ươm, làm mái che, thì lại đẻ ra vấn đề là họ vận dụng vật liệu khó phân hủy như ny lon, rổ rá nhựa, la phông nhựa. Việc không quản lý được môi trường từ đây, sinh ra bệnh. Cho nên phải đặt ra vấn đề phải sử dụng vật liệt không gây ô nhiễm môi trường” - ông Út nói.
Lạm dụng vật liệu không thân thiện
Thực tế, câu chuyện sử dụng vật liệu trong việc ươm trồng sâm Ngọc Linh không hề đơn giản. Thân thiện hay không thân thiện, phải đặt trong không gian tự nhiên, tuân thủ mọi thứ theo tự nhiên, nhưng mặt khác, chính tự nhiên lại sinh ra nguồn bệnh, mà nếu không xử lý, can thiệp đúng thì sẽ thất bại trong việc tạo nguồn giống, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả cây sâm củ.
Vấn đề ở đây là việc lạm dụng quá đáng, vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, khi người trồng đưa ra lý do không có mái che, cây sẽ chết, nhất là giai đoạn từ tháng 3 - 5 hàng năm, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh.
Điều đáng nói thêm ở đây là cả doanh nghiệp bên ngoài lẫn dân địa phương đều lạm dụng vật liệu không thân thiện. Người dân, vốn trồng tự nhiên, có kinh nghiệm, giờ lấy thêm vật liệu để bảo quản, một số doanh nghiệp không hề liên quan gì tới sản xuất nông nghiệp, không tiếp cận được kỹ thuật sản xuất, cũng nhảy vào làm, bằng cách thuê người.
“Đúng, họ đem lớp mùn dày, rất dày về trải trên bạt nhựa, hiệu quả là cây phát triển nhanh, sinh khối lớn, nhưng lâu dài là không bền vững. Cây tăng trưởng nhanh nhưng không phải tự nhiên, khả năng chống chịu biến đổi môi trường, bệnh tật yếu, và lẽ tất yếu là chất lượng củ không bằng củ tự nhiên. Khi gặp bệnh, vì cây yếu, họ sẽ dùng thuốc hóa học.
Khi người ta đầu tư không nghiêm túc, thì phải chỉnh đốn. Họ không trồng phân tán tự nhiên, mà phát quá nhiều thực bì, gây suy thoái đất. Nguy cơ từ ny lon, rổ nhựa, rác thải sẽ làm cây mau chết, làm cho họ bị thiệt hại, môi trường bị ô nhiễm. Quan điểm của sở là đưa ra khỏi môi trường những thứ ô nhiễm” - ông Út nói.
Tuy nhiên, có doanh nghiệp nói rằng, chúng tôi đã đầu tư rất lớn, sâm 3 - 4 tuổi rồi, bất kỳ sự dịch chuyển nào cũng gây thiệt hại. Rồi nạn trộm sâm, làm đau đầu. Nếu không dựng hàng rào chắc chắn, thì thiệt hại sẽ lớn, khi giá trị cây sâm ngày càng cao. Theo ông Út, an ninh vùng sâm rất quan trọng. Ông nói: “Không thể không dùng lưới B40 để giữ. Nói cho cùng, hàng rào lưới đó thực ra không gây ô nhiễm môi trường, nếu có thì rất nhỏ”.
Trả lời cho câu hỏi “Vậy, đâu là vật liệu thân thiện? Vai trò của sở ở đây là gì?”, ông Út nói: “Thú thiệt, tìm ra đúng vật liệu theo như luật quy định là rất khó. Theo tôi, hãy dùng ngay các loại tranh, tre, nứa, keo tại địa phương, hay vải màn cho việc ươm, che cũng sẽ đảm bảo chất lượng cây giống. Sở đang hoàn thiện dự thảo hướng dẫn, sắp tới sẽ ban hành, cụ thể vật liệu gì thay thế, rồi hướng dẫn trồng cây, thay vì trước đây cây 1 năm tuổi đưa ra trồng, thì nay có thể lên 2 - 3 tuổi đảm bảo cho cây cứng cáp đủ sức chống chọi”.
Cũng phải nói chính Sở NN&PTNT đã không kịp thời truyền thông đầy đủ, khiến thời gian dài nhiều người trồng sâm hoang mang, nhất là việc đi từ cho đến cấm. Cho dù lãnh đạo sở khẳng định không bất nhất, nhưng hai văn bản đó nối nhau, cho thấy sự lúng túng trong đưa ra quyết sách. Cái cần bây giờ là dự thảo trên khi ban hành, làm sao vừa đảm bảo được môi trường, vừa bảo vệ được quyền lợi người dân, doanh nghiệp.
“Làm sao cho cây tốt, môi trường trong lành, chứ chúng tôi hoàn toàn không làm khó. Nếu quản lý không tốt, bùng phát bệnh tràn lan, là nguy cơ rủi ro rất lớn” - ông Út khẳng định.
----------------------
Bài 2: Bài toán kiểm định sâm