Cải thiện đời sống người dân trồng cao su

MAI NHI - TÂM ĐAN 31/03/2023 08:48

Cùng với các giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng khai thác, doanh nghiệp và người dân trồng cao su ở Hiệp Đức đang thực hiện nhiều phương án nhằm chuyển đổi diện tích bị gãy đổ, hư hỏng sang các hình thức khác phù hợp hơn.

Công nhân lao động thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Naam khai thác mủ cao su tại Hiệp Đức. Ảnh: N.Đ
Công nhân lao động thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Naam khai thác mủ cao su tại Hiệp Đức. Ảnh: N.Đ

Nỗ lực nâng cao thu nhập

Gần 15 năm gắn bó với cây cao su kể từ ngày quyết định rời thành phố về quê, anh Đỗ Đình Nga (trú khối phố Bình An, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức) đã chứng kiến và nếm trải nhiều buồn vui, thăng trầm với cao su.

Anh Nga đang nhận khoán khai thác mủ 1.200 cây cao su với 3 phiên cạo, bình quân thu nhập đạt hơn 4 triệu đồng/tháng. Có thời điểm (vào những năm 2018, 2019), thu nhập mỗi tháng của anh đạt 9 - 10 triệu đồng, chưa kể các khoản thu nhập thêm.

Xin chuyển đổi trồng cây gỗ lớn và đầu tư cụm công nghiệp

Ông Thái Bảo Tri - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện đề án tái cơ cấu toàn bộ công ty, trong đó có tái cơ cấu đất đai. Thực hiện quy hoạch những diện tích cao su kém hiệu quả, bị gãy đổ do mưa bão sang trồng cây gỗ lớn theo chủ trương của tỉnh.

Tại huyện Hiệp Đức, công ty đang xin chủ trương của tập đoàn và làm việc với ngành chức năng để chuyển hơn 250ha cao su bị gãy đổ phải thanh lý sang đầu tư cụm công nghiệp, xây dựng chuồng trại liên kết chăn nuôi. Những diện tích không phù hợp sẽ trả về địa phương để xử lý.

Năm 2022, anh Nga là công nhân đầu tiên của Quảng Nam đoạt giải “Bàn tay vàng” thu hoạch cạo mủ cấp tập đoàn.

Anh chia sẻ: “Giá cả, mưa bão, dịch bệnh… thường xuyên tác động đến cao su làm ảnh hưởng doanh thu của công ty và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, thật lòng mà nói, cũng nhờ cao su nên người dân mới có việc làm, thu nhập để chăm lo gia đình.

Tôi mong muốn công ty sẽ có nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động trong thời gian đến”.

Huyện Hiệp Đức hiện có khoảng 3.000ha cao su đại điền do Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam quản lý, với các nông trường Trà Nô, Hiệp Đức và một phần nông trường Phước Sơn. Nông trường cao su Hiệp Đức quản lý diện tích lớn nhất với 1.400ha, trong đó diện tích khai thác 1.048ha.

Ông Nguyễn Văn Hoài - Giám đốc Nông trường cao su Hiệp Đức cho biết, nông trường có 346 cán bộ, công nhân viên - lao động. Thời gian qua, giá mủ cao su tăng cùng những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất của công ty đã phần nào cải thiện thu nhập cho người lao động. Năm 2022, bình quân thu nhập người lao động tại nông trường đạt 3 - 4 triệu đồng/tháng, tiêu biểu có trường hợp đạt 9 triệu đồng/tháng, như chị Hồ Thị Dương, người dân tộc Ca Dong ở xã Phước Gia.

Ông Thái Bảo Tri - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, công ty thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, năm 2022, tiền lương bình quân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh thực hiện tiết giảm chi phí, bố trí, sắp xếp vườn cây, tinh giảm lao động…, công ty đã tập trung chỉ đạo nâng cao kỹ thuật vườn cây, nâng cao tay nghề người lao động nhằm nâng sản lượng khai thác.

Vấn đề quan trọng là năng suất và sản lượng. Sản lượng đạt thì thu nhập người lao động mới đảm bảo. Do đó, công ty đang chuyển sang hình thức giao khoán toàn bộ cho người lao động, tối thiểu mỗi lao động phải nhận được 3 phần cạo để ngày nào họ cũng ra vườn.

Ngoài ra, công ty thực hiện tái cơ cấu bộ máy; xây dựng định biên lao động, định biên đội ngũ gián tiếp tại các nông trường; quan tâm quản lý chất lượng, đầu tư máy móc thiết bị nhà máy chế biến mủ...

Tích cực chuyển đổi

Cùng với cao su đại điền, người dân trồng cao su tiểu điền (thuộc quản lý hộ gia đình) tại Hiệp Đức cũng đang có những giải pháp thực hiện chuyển đổi, tái cơ cấu sau những sự cố về thiên tai, giá cả thất thường.

Ông Lương Phước Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hiệp Hòa cho hay, tính đến tháng 9/2020, ngoài 900ha cao su đại điền của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam thì trên địa bàn xã có 165ha cao su tiểu điền của 145 hộ dân.

Tuy nhiên, cuối tháng 10/2020, cơn bão số 9 càn quét khiến hàng loạt diện tích cao su bị ngã đổ, hư hại nghiêm trọng. Trong tổng số 165ha cao su tiểu điền của người dân Hiệp Hòa, cơn bão số 9 năm 2020 đã “xóa sổ” 78ha, hiện nay toàn xã chỉ còn 87ha.

Đối với 78ha cao su tiểu điền bị thiệt hại nặng nề do bão số 9, thời gian qua các hộ dân đã chặt phá và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chủ yếu là trồng keo nguyên liệu để cung ứng cho những nhà máy chế biến dăm gỗ.

Ông Lương Phước Nghĩa cho biết thêm, hiện nay, trong 87ha cao su tiểu điền của 76 hộ dân thì có 85ha đang trong thời kỳ khai thác mủ và 2ha ở giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Thời điểm từ giữa năm 2020 đến đầu năm 2021, do thị trường biến động mạnh, giá mủ cao su giảm sâu, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân địa phương. Sau cơn khủng hoảng, từ đầu năm 2021 đến nay, giá mủ cao su trên thị trường dần nhích lên và thu nhập của người dân Hiệp Hòa từng bước cải thiện.

“Qua khảo sát cho thấy, hiện nay bình quân hằng tháng các hộ dân của xã thu về khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha, quy ra một năm đạt 56 - 64 triệu đồng/ha” - ông Nghĩa nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, trước lúc cơn bão số 9 năm 2020 xuất hiện, toàn huyện có tổng cộng 1.771ha cao su tiểu điền của khoảng 700 - 800 hộ dân.

Trong đó, Hiệp Hòa và Sông Trà là 2 xã có diện tích nhiều nhất. Sau khi cơn bão số 9 và những đợt mưa bão những năm qua, trên địa bàn huyện Hiệp Đức chỉ còn 821ha cao su tiểu điền của khoảng 300 - 400 hộ dân. Số diện tích cao su tiểu điền bị gió bão làm ngã đổ, hư hại nghiêm trọng, phần lớn người dân đã phá bỏ và tiến hành trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả các loại...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện đời sống người dân trồng cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO