Cấp thiết bảo tồn cây sâm bảy lá một hoa

HOÀNG LIÊN 02/08/2022 06:43

Cây sâm bảy lá một hoa mọc tự nhiên dưới tán rừng của huyện vùng cao Phước Sơn, Tây Giang, Nam Trà My. Thời gian qua, việc khai thác không gắn với bảo tồn khiến loài dược liệu này đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Cây sâm bảy lá một hoa dưới tán rừng xứ Quảng. Ảnh: H.LIÊN
Cây sâm bảy lá một hoa dưới tán rừng xứ Quảng. Ảnh: H.LIÊN

Cây dược liệu quý

Tại Tây Giang, theo già làng Bríu Pố (xã Lăng), trước kia, cây sâm bảy lá một hoa mọc nhiều nơi râm mát dưới những cánh rừng, trong đó có xã Lăng. Với công dụng tốt cho sức khỏe, sâm bảy lá một hoa được nhiều người săn tìm, giá cũng khá cao (khoảng 3 - 4 triệu đồng/kg).

Hiện nay, nhiều hộ di thực cây sâm từ rừng về trồng dưới vườn rừng để sử dụng trong gia đình như một “cây thuốc giấu” nhưng tỷ lệ cây sống rất thấp.

“Ban đầu, tôi nhổ sâm về trồng thử nhưng cây này chết nhiều. Nhiều người đã gầy dựng được vài chục gốc tới cả trăm gốc nhưng bị nhổ trộm nên bà con rất ngại nói, sợ bị trộm. Sâm này không dễ trồng, mỗi năm chỉ cho 7 - 8 hạt, ươm từ hạt rất lâu nên khâu nhân giống, bảo tồn cũng gặp khó” - già Bríu Pố nói.

Về hình thái bên ngoài, củ sâm bảy lá một hoa có cấu trúc to và dài qua nhiều năm, mỗi năm củ phát triển thêm một đốt tương tự như củ sâm Ngọc Linh. Cây sâm chỉ mọc đúng 7 lá nên mới có tên là thất diệp nhất chi hoa (bảy lá một hoa), cây chỉ đơm bông lần duy nhất với tầm 7 - 10 hạt sâm. Từ tháng 2, sâm bắt đầu mọc, đến tháng 11 lá sâm rụng, cho củ.

Theo một số tài liệu về cây thuốc nam, sâm bảy lá một hoa có công dụng tăng cường sinh lực, chữa bệnh huyết áp, hữu hiệu với những người mắc bệnh nan y, không để lại tác dụng phụ, có tác dụng giảm đau, kháng viêm…

Cây sâm bảy lá một hoa là loài thuốc quý cần được bảo tồn, nhân giống. Ảnh: H.LIÊN
Cây sâm bảy lá một hoa là loài thuốc quý cần được bảo tồn, nhân giống. Ảnh: H.LIÊN

PGS-TS.Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng khoa Nông học (Trường Đại học Nông lâm Huế) chia sẻ, cây sâm bảy lá một hoa được xem là loài thuốc quý đặc biệt, được ghi nhận có công dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Các hoạt chất trong sâm là saponin và 1 glucozit được gọi là paristaphin.

Trường Đại học Nông lâm Huế có 2 công trình nghiên cứu về cây sâm bảy lá một hoa nhưng việc nhân giống chưa thành công mà bước đầu nghiên cứu thành công nuôi cấy tế bào huyền phù thu dược chất và đang có những nghiên cứu tiếp theo về cây dược liệu này.

Hướng bảo tồn, nhân giống

Theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, theo Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu của huyện Tây Giang giai đoạn 2021 - 2025, cây sâm bảy lá một hoa được ưu tiên phát triển ở 4 xã vùng cao của huyện và thuộc nhóm cây dược liệu hỗ trợ.

Trong thực tế, cây sâm này như một “cây thuốc giấu”, gần đây có tình trạng mất cắp sâm giống khiến người dân e ngại, không công bố nơi trồng. Ngành nông nghiệp huyện từng bố trí một điểm bảo tồn cây sâm bảy lá một hoa ở xã Tr’Hy nhưng điểm này không duy trì được do tình trạng mất trộm và một phần do ảnh hưởng thiên tai.

“Chủ trương của huyện là bảo tồn, nhân giống sâm là chính, nhưng khâu bảo tồn lẫn nhân giống còn gặp khó, gieo ươm từ hạt rất lâu. Huyện đã đăng ký dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh từ năm 2022, hướng tới nhân giống sâm bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, xây dựng phòng kỹ thuật nuôi cấy mô cấp huyện để bảo tồn, nhân giống cây sâm bảy lá một hoa và một số cây dược liệu quý khác, song do ảnh hưởng dịch Covid-19, tiến độ triển khai còn chậm.

Huyện đã lấy mẫu, định danh, đã xác định được đây là cây sâm bảy lá một hoa. Thời gian tới, sẽ xúc tiến liên kết với một số trường đại học để triển khai công nghệ nuôi cấy mô; đồng thời kiến nghị Chi cục Bảo vệ thực vật để đăng ký cây đầu dòng, bảo tồn nguồn gen” - ông Ta nói.

Tại Nam Trà My, cây sâm bảy lá một hoa cũng được gây trồng dưới tán rừng nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, khâu nhân giống đối với cây sâm chưa được chú trọng. Gần đây, HTX Nông nghiệp Đông Trà đóng trên địa bàn Nam Trà My đã chủ động ươm giống từ kỹ thuật gieo hạt, trồng thí điểm 1ha dưới tán rừng

Ông Phan Thanh Tín - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Trà cho biết, HTX đang nỗ lực bảo vệ thuyết minh dự án về bảo tồn, phát triển cây sâm bảy lá một hoa và đang nỗ lực xin nguồn hỗ trợ từ Chương trình phát triển nông thôn miền núi.

Mục tiêu của HTX là phát triển khoảng 3ha cây sâm này dưới tán rừng và đầu tư 1 vườn nhân giống trên địa bàn, đồng thời xúc tiến ký kết hợp đồng về đầu ra với 1 doanh nghiệp, không chỉ liên kết phát triển cây sâm bảy lá một hoa mà còn có một số cây dược liệu khác như sâm nam, lan kim tuyến, sâm bố chính.

“Quan trọng là phải tìm được đầu ra sau khi nhân giống và phát triển vùng trồng, còn hiện tại, sâm bảy lá một hoa có đầu ra rất tốt, không có gì trở ngại, nhưng sản phẩm còn nhỏ giọt. Cây này chủ yếu được người dân gây trồng nhỏ lẻ, rải rác dưới tán rừng, xen canh với cây sâm Ngọc Linh. Nếu có đầu ra thuận lợi, cây sâm bảy lá một hoa sẽ tạo động lực giúp bà con tăng thu nhập” - ông Tín chia sẻ.

Cũng theo ông Tín, không chỉ xã Trà Nam, Trà Linh có cây sâm bảy lá một hoa mà thôn 5, xã Trà Dơn cũng phát triển cây này nhiều, tầm 2 - 3ha dưới tán rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp thiết bảo tồn cây sâm bảy lá một hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO