Chạm vào giấc mơ "quốc bảo"

MỸ DUYÊN - TRẦN HỮU 18/06/2022 06:43

Để hiện thực giấc mơ phát triển sâm Ngọc Linh thành “quốc bảo”, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và cộng đồng địa phương bảo tồn, phát triển, xây dựng thương hiệu sâm quốc gia. Nhưng để gìn giữ, phát triển “báu vật” này lâu bền, cần sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, môi trường rừng…

Trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: T.N
Trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: T.N

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Rừng tự nhiên trên đỉnh Ngọc Linh còn thì cây sâm Ngọc Linh mới có “đất sống”, nên ngành chức năng đã triển khai giám sát chặt chẽ môi trường rừng đã cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuê.

Đề xuất điều chỉnh cơ chế hỗ trợ

Tính đến tháng 5.2022, UBND tỉnh cho phép 17 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuê MTR để trồng sâm Ngọc Linh, với diện tích là 307ha; cho 476 nhóm hộ thuê gần 460ha. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền đang lập hồ sơ cho 4 tổ chức, doanh nghiệp thuê MTR 297ha; nhóm hộ đại diện cho 798 hộ thuê với diện tích 565,4ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết: “Hầu hết tổ chức, cá nhân thuê MTR để trồng sâm đều đảm bảo năng lực tài chính, khoa học kỹ thuật. Cùng với các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trồng sâm, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào thuê MTR, nên các nhà đầu tư khá hài lòng”.

Ông Hồ Văn Dương (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) đại diện cho nhóm 10 hộ dân thuê 26ha rừng phòng hộ Nam Trà My để trồng sâm. Ông cho biết, đồng bào Xê Đăng sinh sống, trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh bao đời nay.

“Ở đâu giữa rừng sâu này thấy thuận lợi thì người làng trồng cây thuốc quý. Các khoảnh rừng của dân làng lại nằm rải rác, không liền nhau. Nhà nước không thu tiền của nhóm hộ dân khi thuê môi trường rừng (MTR) trồng sâm Ngọc Linh, nhưng để lấy đồng tiền hỗ trợ khuyến khích của Nhà nước theo cơ chế không dễ dàng chi đâu” - ông Dương nói.

Theo quy định, Nhà nước chỉ hỗ trợ nhóm hộ, gia đình theo chu kỳ những năm đầu trồng sâm phải từ độ cao tối thiểu 1.800m so với mặt nước biển, sau khi phủ hết ở độ cao trên sẽ hạ dần xuống đai thấp hơn.

Tại xã Trà Linh có ít nhất 18 nhóm hộ đại diện cho 220 hộ thuê hơn 268ha MTR để trồng sâm Ngọc Linh. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của huyện Nam Trà My, địa phương có 476 hộ thuê gần 460ha MTR.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My, quy định tại Quyết định 395 ngày 27.1.2016 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn Nam Trà My giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 là ưu tiên phát triển sâm ở độ cao từ 1.800 - 2.000m trong những năm đầu của kỳ quy hoạch, sau khi trồng hết diện tích ở độ cao đó sẽ phát triển chuyển tiếp ở độ cao từ 1.500 - 1.800m và tiến hành di thực ở độ cao từ 1.200 - 1.500m vào những năm cuối của kỳ quy hoạch. Diện tích theo mức độ ưu tiên. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ này gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, thực tế tại vùng cao, phần lớn nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân đã trồng sâm Ngọc Linh lâu năm dưới tán rừng nhưng ít tập trung tại hầu hết đai cao, không theo quy hoạch phát triển.

“Do đó để tạo điều kiện cho người dân sớm được thuê và sử dụng hiệu quả MTR phát triển cây sâm Ngọc Linh, đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu tỉnh cho phép được lập thủ tục thuê MTR đối với các nhóm hộ, gia đình trong vùng quy hoạch, không theo mức độ ưu tiên quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh ở từng đai cao” - ông Hiền đề xuất.

Kiểm soát chặt môi trường rừng

Theo quy định, doanh nghiệp được thuê MTR không quá 10ha, mỗi hộ được thuê không quá 3ha. Doanh nghiệp chi trả dịch vụ MTR mỗi năm là 400 nghìn đồng/ha; còn đối với hộ, nhóm hộ gia đình thì được miễn hoàn toàn.

Đầu tháng 3.2022, Nam Trà My lên kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sử dụng MTR để trồng sâm nhằm để các ngành chức năng địa phương nắm bắt tiến độ, hiệu quả đầu tư, nguồn cung ứng giống sâm Ngọc Linh khi thực hiện phương án thuê MTR của các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ gia đình.

Cây sâm chưa được khai thác hết giá trị trên thị trường vì thời gian qua phần lớn bán thô sản phẩm.
Cây sâm chưa được khai thác hết giá trị trên thị trường vì thời gian qua phần lớn bán thô sản phẩm.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho rằng, kế hoạch kiểm tra, giám sát trong phạm vi MTR cho thuê còn để đánh giá khả năng thích ứng, sinh trưởng, phát triển cây sâm Ngọc Linh ở đai cao 1.000 - 1.200m so với mặt nước biển (ngoài đai cao trong quy hoạch) nhằm mở rộng vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh.

Đồng thời giúp địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời những trường hợp tự ý vào rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Theo ông Nguyễn Vĩnh Hiền, từ kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên mà đơn vị đã phát hiện một số nhóm hộ, doanh nghiệp “phá rào” trong diện tích MTR được thuê.

Theo đó, chủ rừng vừa chấn chỉnh 4 nhóm hộ và Công ty TNHH KTC tại xã Trà Linh sử dụng MTR không đúng quy định, như tác động đến tầng đất mặt, đào, phá cây tái sinh. “Đoàn công tác đã lập biên bản, chấn chỉnh và đình chỉ các hoạt động có hại đến tài nguyên rừng; đồng thời yêu cầu một doanh nghiệp và các nhóm hộ trồng lại cây sao đen, giổi trên toàn bộ diện tích đã tác động” - ông Hiền cho biết.

MỞ ĐƯỜNG CHẾ BIẾN SÂM

Sâm Ngọc Linh sẽ thua ngay trên sân nhà nếu tiếp tục bán thô, sản phẩm đơn điệu, và doanh nghiệp vẫn không thể đầu tư nhà máy chế biến sâu do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Nhà máy chế biến sâm của Công ty TNHH Sâm Sâm tại Khu công nghiệp Tam Thăng.
Nhà máy chế biến sâm của Công ty TNHH Sâm Sâm tại Khu công nghiệp Tam Thăng.

“Đứt gãy” vùng nguyên liệu

Định hướng của Quảng Nam là từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh vươn xa trên thị trường quốc tế với nhiều loại sản phẩm chế biến sâu. Nhưng không dễ hiện thực hóa mục tiêu trên.

Tại nhiều phiên chợ sâm do huyện Nam Trà My tổ chức, mặt hàng được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh hỏi mua nhiều nhất là nông sản bản địa, các loại dược liệu khác ngoài sâm Ngọc Linh.

Đối tượng khách hàng mua sâm Ngọc Linh phần lớn là giới doanh nhân, người có thu nhập cao và họ chủ yếu mua nguyên củ, thân cây còn tươi để chắc chắn là sâm thật. Mỗi phiên chợ sâm có thể đem về cho người dân, doanh nghiệp của địa phương từ 3 – 5 tỷ đồng.

Thế nhưng, tại các quầy trưng bày sản phẩm, nhìn tới nhìn lui chỉ thấy bày bán củ, thân lá sâm; củ, lá ngâm rượu, hoặc ngâm với mật ong và một ít chai rượu chế biến từ sâm Ngọc Linh. Tại phiên chợ này, hầu như không thấy sản phẩm chế biến công nghiệp dược liệu, dược phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Báo cáo của Sở NN&PTNT cũng như UBND huyện Nam Trà My thể hiện: trong số 17 doanh nghiệp, tổ chức thuê MTR trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh, thời điểm này có 13 doanh nghiệp chưa xây dựng phương án sử dụng nguồn nguyên liệu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Và chỉ có 2 công ty đầu tư nhà máy chế biến sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác gồm Công ty TNHH MTV Sâm Sâm (có trụ sở tại xã Trà Linh) và Công ty CP Thương mại – dược – sâm Ngọc Linh tại phường An Xuân (Tam Kỳ).

Hiện nay, Quảng Nam xây dựng Trung tâm sản xuất giống sâm Ngọc Linh, đang tiến hành nghiên cứu toàn diện về cây sâm từ quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, chế biến đến xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Đồng thời các trung tâm nghiên cứu đang tạo lập bản đồ di truyền giống sâm, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, tiến tới thương mại hóa sản phẩm này…

Hiện các dòng sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh còn quá ít ỏi, chưa tương xứng với giá trị đặc hữu của thương hiệu quốc gia. Sản phẩm mà Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh tạo ra trên thị trường hàng chục năm nay quanh đi quẩn lại không ngoài rượu sâm, trà túi lọc sâm Ngọc Linh, nước uống tăng lực sâm Ngọc Linh, rượu sâm ngâm mật ong… Cuối năm 2021, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã mua lại tài sản, thương hiệu của Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Đình Triệu - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, công ty không có kế hoạch sản xuất, chỉ đầu tư thuê MTR để trồng sâm.

Hầu như nhà máy không sản xuất thêm dòng sản phẩm nào mới từ sâm, sản xuất 2 năm qua cầm chừng. “Công ty không mở rộng quy mô sản xuất, cũng như chế biến thêm bất cứ dòng sản phẩm nào hơn 2 năm nay đơn giản vì không đủ nguyên liệu đầu vào” – ông Triệu nói.

Liên kết “4 nhà”

Trong đề án phát triển sâm Ngọc Linh trình Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam nêu sứ mệnh “nâng tầm vị thế của sâm Ngọc Linh trên thị trường Việt Nam cũng như quốc tế”, nhưng theo một lãnh đạo phòng chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhiều diện tích cây sâm Ngọc Linh nằm trong rừng đặc dụng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Sản phẩm thương mại từ rừng muốn xuất khẩu Việt Nam phải đạt được các thỏa thuận hiệp ước quốc tế và đối tác, nên thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cũng cần tính toán điều chỉnh cho phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu dự phiên chợ sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My dịp đầu xuân 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu dự phiên chợ sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My dịp đầu xuân 2022.

Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận rào cản trong mở rộng diện tích trồng sâm nằm ở khâu giống, còn với chế biến thì thiếu nguyên liệu đầu vào. Các chính sách ban hành vừa qua chủ yếu là kính thích doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển, tạo thương hiệu sâm quốc gia.

Để sâm Ngoc Linh phát triển xứng đáng với đẳng cấp thương hiệu quốc gia, không thể chỉ dừng lại ở thị trường bán thô mà bắt buộc phải tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, để lấp đầy hơn 15.000ha rừng trồng sâm đã được quy hoạch qua từng giai đoạn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trong khi đó nhà máy chế biến còn hạn chế, thiếu nhà đầu tư và quảng bá, giới thiệu sâm Ngọc Linh trong nước và thế giới. Cho nên, cần phải liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp).

“Để tạo chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh đạt kết quả như mong muốn, trước hết cần phát triển trồng trọt chuẩn, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, bảo đảm nguồn gen. Và phải có sự hợp tác giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân dưới sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước”- ông Mẫn khẳng định.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: Định hướng phát triển vùng nguyên liệu gắn với thị trường

“Hiện nay, việc phát triển sâm Ngọc Linh đang được thực hiện theo phương châm liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển sản phẩm này.

Thời gian tới cần đa dạng hơn về hình thức, chủng loại để hướng đến xuất khẩu. Ảnh: D.L
Thời gian tới cần đa dạng hơn về hình thức, chủng loại để hướng đến xuất khẩu. Ảnh: D.L

Trong đó, Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ về nguồn lực; nhà khoa học nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành; doanh nghiệp tạo điều kiện về tiêu thụ, chế biến, mở rộng thị trường, liên kết sản xuất; nhà nông trực tiếp sản xuất bằng tư liệu lao động của mình, góp phần ứng dụng các tiến bộ khoa học, bố trí sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.

Huyện Nam Trà My khuyến khích các tổ chức kinh tế trong nước tham gia chế biến dược liệu có chất lượng cao. Các đơn vị, cá nhân, tổ chức nên kết hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh làm kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm các loại dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh để tạo sự tin tưởng, an tâm về chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, huyện sẽ thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý; lập hồ sơ đăng ký thương hiệu, bảo hộ độc quyền trong và ngoài nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực bảo tồn và phát triển cây dược liệu; xây dựng ý thức bảo vệ, phát triển các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với ý thức bảo vệ rừng tự nhiên.

Để sâm Ngọc Linh vươn tầm quốc tế, cần thực hiện các giải pháp hình thành chuỗi thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng trong cả nước, nếu có thể vươn ra thị trường quốc tế thông qua các kênh du lịch. Địa phương khuyến khích doanh nghiệp du nhập các loại máy móc phân loại, sấy, đóng gói, hút chân không, bao bì, nhãn mác để tạo cho sản phẩm đa dạng về hình thức, chủng loại”. NHẬT LINH (ghi)

Ông Phùng Văn Tuấn - Giám đốc Công ty CP Nông sản, dược liệu Trà My: Đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường quốc tế

“Chúng tôi đang đầu tư nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn huyện Nam Trà My tại Cụm công nghiệp Trà Mai - Trà Don. Nhà máy có diện tích hơn 17.000m2, vốn đăng ký 98,5 tỷ đồng.

Sâm Ngọc Linh hiện nay được bán sâm nguyên củ, sâm ngâm mật, ngâm rượu. Ảnh: D.L
Sâm Ngọc Linh hiện nay được bán sâm nguyên củ, sâm ngâm mật, ngâm rượu. Ảnh: D.L

Đầu tư công nghiệp gắn với vùng dược liệu thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Sâm Ngọc Linh là dược liệu có giá trị kinh tế cao, nên chúng tôi đầu tư xây dựng nhà máy tại Nam Trà My, liên kết với hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh để thu mua, chế biến sâm thành sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ có nhiều sản phẩm để quảng bá giá trị của sâm Ngọc Linh trên thị trường quốc tế.

Các hộ kinh doanh thô như hiện nay chưa thể phát huy hết giá trị của sâm Ngọc Linh, nên việc đầu tư vào công nghệ, khoa học, chỉ có doanh nghiệp mới thực hiện được. Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho chúng tôi để nhà máy được xây dựng, góp phần vào việc nâng cao giá trị của cây sâm Ngọc Linh cũng như đóng góp cho sự phát triển của địa phương”. NHẬT LINH (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chạm vào giấc mơ "quốc bảo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO