Củng cố nguồn lực giữ rừng

THÀNH CÔNG 18/11/2022 08:19

Vừa triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh vừa huy động được được các nguồn lực lớn về tài chính để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, giảm áp lực ngân sách.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ quản lý bảo vệ rừng tại Tây Giang. Ảnh: T.C
Chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ quản lý bảo vệ rừng tại Tây Giang. Ảnh: T.C

Nhiều chuyển biến

Là địa phương có diện tích chiếm 1/5 tổng diện tích toàn tỉnh, Nam Giang sở hữu diện tích đất rừng lên đến hơn 132.000ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 125.000ha.

Từ năm 2013, Nam Giang triển khai thí điểm mô hình giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại 2 xã Tà Pơơ và Chà Vàl với tổng diện tích hơn 13.000ha thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ tại 10 thôn.

Đến năm 2014, mô hình được mở rộng phạm vi triển khai giao khoán ra toàn bộ diện tích Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang quản lý gồm 11/12 xã, thị trấn (trừ xã Cà Dy).

Từ năm 2018, có gần 40.000ha được giao khoán bảo vệ rừng cho 121 nhóm hộ. Tuy nhiên, công tác giao khoán cho cộng động bộc lộ nhiều hạn chế như việc tuần tra, bảo vệ rừng không đảm bảo số lượng thành viên, người dân chia nhau đi giúp, đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự việc vi phạm, khó xử lý trách nhiệm.

Đáng chú ý, số vụ vi phạm lớn, phức tạp về Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến mức phải khởi tố hình sự không giảm. Đứng trước thực trạng đó, Nam Giang được giao thí điểm đề án tổ chức lại công tác bảo vệ rừng, phân cấp quản lý trực tiếp diện tích rừng, đất rừng về cấp huyện, tăng kinh phí hỗ trợ công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt, mô hình bảo vệ rừng được chuyển đổi từ giao khoán cho cộng đồng sang chủ rừng tự tổ chức quản lý bằng lực lượng bảo vệ chuyên trách.

“Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang đã hợp đồng 184 lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, là lực lượng nòng cốt của các thôn, có trình độ, sức khỏe tốt, tâm huyết, thông thạo địa hình tuần tra. Các tổ này đã xây dựng kế hoạch, triển khai lập chốt dã chiến bảo vệ rừng tại các điểm nóng, không để các đối tượng xấu có cơ hội khai thác trái phép.

Từ khi thay đổi mô hình quản lý bảo vệ rừng, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ tài nguyên lâm khoáng sản trên địa bàn huyện cũng được nâng cao, không xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng, gây bất an dư luận như trước.

Công nghệ, phần mềm tuần tra bảo vệ được sử dụng hiệu quả với các bộ công cụ quản lý bảo vệ rừng, các phầm mềm chuyên ngành, kịp thời cập nhật biến động rừng. Chuyển biến này có điểm tựa lớn là từ nguồn lực chi trả DVMTR” - ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ.

Nam Giang là địa phương thí điểm mô hình chuyển đổi, tạo tiền đề để nhân rộng trên toàn tỉnh. Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, sự tài trợ về tài chính và kỹ thuật của Tổ chức quốc tế Win Roock và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã triển khai được các dự án thí điểm về chi trả tiền DVMTR tại 2 huyện Đông Giang và Nam Giang. Thành công của dự án thí điểm là cơ sở triển khai việc chi trả DVMTR trong các địa phương còn lại của tỉnh, đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra.

Phát huy hiệu quả nguồn lực

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, từ năm 2013 đến năm 2020, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã phối hợp lập 15 đề án chi trả DVMTR và đã được UBND tỉnh phê duyệt, với hơn 311.000 ha rừng cung ứng DVMTR thuộc địa bàn 80 xã của 13 huyện, trong đó rừng tự nhiên chiếm 99,8%.

Ngoài ra, có 48 công trình, dự án được UBND tỉnh giao thu tiền trồng rừng thay thế với hơn 174 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch thu. Nguồn thu từ DVMTR trên địa bàn tỉnh hàng năm được đánh giá đạt cao theo từng năm, góp phần đầu tư quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nhấn mạnh, qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân liên quan triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR.

“Chính sách này giúp huy động được các nguồn lực lớn về tài chính để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, giảm áp lực ngân sách. Cùng với đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp từ rừng hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến rừng. Năng lực quản lý của chủ rừng được tăng cường, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp lâu dài, bền vững của tỉnh” - ông Đức nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, những dấu ấn qua nhiều năm hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã khẳng định lợi thế, vai trò của rừng, đặt ra nhiều vấn đề cần phát huy đối với tiềm năng DVMTR trên địa bàn tỉnh.

“Bên cạnh những thành quả, cần chú trọng chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu, giúp tiết kiệm lao động, nhân lực trong quản lý bảo vệ rừng, phục vụ cho nhiều mục tiêu khác.

Ngoài ra, sinh kế của người dân liên quan đến chính sách này cũng là điều cần tính toán để phát huy. Người dân có sinh kế ổn định, hiệu quả từ rừng, sẽ phát huy tốt nhất khả năng bảo vệ, giữ rừng. Không ai giữ rừng tốt bằng dân tự giữ rừng.

Quảng Nam đã kiến nghị Trung ương về các chính sách đặc thù giúp người dân phát triển sinh kế bền vững dưới tán rừng, xây dựng thí điểm bán tín chỉ các bon rừng. Đây sẽ là tiền đề để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn lực từ rừng” - ông Hồ Quang Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Củng cố nguồn lực giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO