Gỗ keo nguyên liệu tăng giá, nông dân huyện Hiệp Đức khấp khởi

NGUYỄN QUỲNH 08/08/2022 11:37

(QNO) - Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trồng rừng trên địa bàn huyện Hiệp Đức phấn khởi vì giá gỗ keo nguyên liệu tăng mạnh sau nhiều năm thị trường èo uột. 


Sau 5 năm trồng keo bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: N.Q
Sau 5 năm trồng keo bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: N.Q

Tín hiệu vui với kinh tế rừng

Những ngày này, người trồng rừng ở các xã Sông Trà, Bình Lâm và thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức) tất bật thu hoạch gỗ keo hoặc bán trực tiếp cho thương lái tự khai thác.

Ông Lương Văn Tình (khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình) cho biết, gia đình ông trồng hơn 10ha keo. Năm 2022, khai thác khoảng 7,5ha keo với trữ lượng 500 tấn gỗ nguyên liệu.

“Trong vòng 5 năm trồng, bình quân mỗi héc ta đem lại cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng/năm. Để có gỗ keo khai thác hàng năm, tôi trồng lại vụ mới sau mỗi đợt thu hoạch. Tại thời điểm này, so với nhiều cây trồng khác, cây keo dễ chăm sóc, đem lại thu nhập ổn định” – ông Tình nói.

Lao động nữ bóc vỏ keo tại cánh rừng xã Sông Trà. Ảnh: N.Q
Lao động nữ bóc vỏ keo tại cánh rừng xã Sông Trà. Ảnh: N.Q

Tương tự, ông Hồ Thanh Linh (42 tuổi, xã Sông Trà, Hiệp Đức) cho hay, gia đình ông vừa bán 4ha keo với giá 1,5 triệu đồng/tấn. Ông nhẫm tính 1ha keo đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng. Sau 5 năm trồng năng suất keo đạt 80 - 100 tấn gỗ, nếu chăm sóc tốt thì có thể đạt hơn 120 tấn/ha.

“Gần đây, thương lái đến tận rẫy người thu mua với giá khá cao và họ tự thu hoạch. Đợt này tôi thu hơn 100 triệu đồng từ tiền cây keo. Cũng nhờ rừng mà tôi có tiền lo cho con cái ăn học, trang trải cuộc sống gia đình" - ông Linh hồ hởi.

Vận chuyển keo về điểm tập kết để lọt vỏ. Ảnh: N.Q
Vận chuyển keo về điểm tập kết để lọt vỏ. Ảnh: N.Q

Theo nhiều nông dân trồng rừng huyện Hiệp Đức, cây keo trồng từ 4 năm tuổi trở lên, thương lái thu mua với giá dao động 70 - 80 triệu đồng/ha; 4,5 - 5 năm tuổi có giá khoảng 100 triệu đồng/ha. Cây keo càng trồng lâu năm, giá trị kinh tế càng cao do gỗ đạt chất lượng, thân cây có lõi, cân ký nặng hơn.

Mấy năm trước giá keo thấp dưới 1 triệu đồng/tấn, cây bị gió bão làm ngã đổ gây thiệt hại khá nhiều. Năm nay giá keo nguyên liệu tăng gần gấp đôi, nên nhiều người hối hả thu hoạch.

Giá keo nguyên liệu dao động hơn 1,5 triệu/tấn. Ảnh: N.Q
Giá keo nguyên liệu dao động hơn 1,5 triệu đồng/tấn. Ảnh: N.Q

Theo tìm hiểu, giá thu mua keo phục vụ ngành nguyên liệu giấy tại các nhà máy dăm gỗ trên địa bàn các huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh và tỉnh Quảng Ngãi liên tục tăng, thị trường tiêu thụ mạnh hơn so các năm gần đây.

Thêm nữa, giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh thời gian qua là do sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ ván ép công nghiệp rất lớn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ gỗ ván ép ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu bắt đầu sôi động, khiến nhu cầu nguồn gỗ keo nguyên liệu tăng mạnh.

Giảm chi phí trồng rừng

Cùng với việc khai thác gỗ keo, người dân trên địa bàn huyện Hiệp Đức hối hả trồng lại vụ mới trên các gò đồi, khu rừng đã khai thác. Khác với mọi năm, người dân trồng rừng không đặt mua keo giống ở các tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Nai... vừa tốn kém chi phí vận chuyển, thay vào đó, họ tự ươm cây giống hoặc mua tại các vườn ươm trên địa bàn huyện mang về trồng, giá thành rẻ, đạt chất lượng, linh hoạt trong mọi thời tiết.

Đào hố trồng keo giống. Ảnh: N.Q
 Người dân đào hố trồng keo trên các cánh rừng đã dọn đất. Ảnh: N.Q

Ông Tình cho biết: "Để chuẩn bị kịp trồng rừng ở diện tích đã khai thác, gia đình tôi đã tiến hành đốt thực bì. Đợt này tôi trồng 34 ngàn cây keo, cây giống mua ở cơ sở vườn ươm Đức Uyên. Tôi mua về trồng sớm để đợi mưa giống xuống cây nhanh bén rễ, phát triển tốt".

Người dân Hiệp Đức trồng keo theo hình thức quảng canh. Ảnh: N.Q
Người dân Hiệp Đức trồng keo theo hình thức quảng canh. Ảnh: N.Q

Ông Trần Anh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Đức Uyên cho biết, mỗi năm công ty của ông ươm và cung cấp ra thị trường từ 10 - 15 triệu cây keo giâm hom ươm trong khay xốp.

“Hiện nay, công ty bán ra thị trường mỗi cây keo con với giá dao động từ 600 – 1.000 đồng. Keo giâm hom ươm trong khay xốp nhanh ra rễ nhiều, khi trồng xuống đất cây phát triển mạnh, dễ vận chuyển... nên được thị trường ưa chuộng khá nhiều” – ông Đức thông tin.

Gỗ keo nguyên liệu được các nhà máy chế biến thành ván ép. Ảnh: N.Q
Gỗ keo nguyên liệu được các nhà máy chế biến thành ván ép. Ảnh: N.Q

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức nói, toàn huyện đã trồng hơn 19.000ha rừng keo nguyên liệu, tập trung nhiều ở các xã Sông Trà, Hiệp Hòa, Quế Thọ, Thăng Phước, Phước Trà. Mỗi năm, địa phương khai thác khoảng 2.500ha rừng keo lai với giá từ 60 - 80 triệu đồng/ha, tổng giá trị thu về đạt khoảng 175 - 200 tỷ đồng.

“Trồng rừng không chỉ phủ xanh đất trống đồi trọc, chống sạt lở đất, giữ nước mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm nay, người dân rất phấn khởi khi giá thu mua gỗ keo nguyên liệu đạt mức cao nhất trong 10 năm qua" - ông Nghiệp khẳng định.

     [VIDEO] - Nông dân huyện Hiệp Đức thu hoạch keo:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỗ keo nguyên liệu tăng giá, nông dân huyện Hiệp Đức khấp khởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO