Gỡ vướng chuyển mục đích sử dụng đất rừng

TRẦN HỮU 15/12/2022 08:45

Để đầu tư xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương trong tỉnh buộc phải thu hồi, chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng khác. Thế nhưng không ít địa phương lúng túng trong thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ rừng và đất đai.

Năm 2022, việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng của Quảng Nam đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đăng ký. Ảnh: H.P
Năm 2022, việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng của Quảng Nam đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đăng ký. Ảnh: H.P

Dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư có chiều dài 44,2km, theo kế hoạch sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành vào tháng 10/2024. Song dự án đang gặp ách tắc, giải phóng mặt bằng vướng phải đất rừng tự nhiên.

Đầu tháng 12/2022, EVN và tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của dự án này. Theo Ban Quản lý dự án điện 2 (đơn vị EVN giao quản lý, điều hành dự án), tại Văn bản số 1104 ngày 21/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với hơn 15,3ha rừng tự nhiên tại huyện Nam Giang để thực hiện hạng mục móng cột điện của dự án.

Trong khi đó, để đầu tư các dự án trong khu công nghiệp, nhất thiết phải chuyển đổi mục đích đất rừng với diện tích lớn. Trước đề nghị của Quảng Nam, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng hơn 80ha rừng trồng sản xuất tại 2 xã Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam (Núi Thành) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Anh - An An Hòa.

Nhằm thực hiện các thủ tục quy định pháp luật hiện hành, chính quyền tỉnh yêu cầu Công ty CP Khu công nghiệp và đô thị An An Hòa (chủ đầu tư) nghiên cứu trồng rừng thay thế khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác, có thể tự tổ chức trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ trồng rừng thay thế, chủ đầu tư cần có văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng để thực hiện dự án gửi Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu tỉnh quyết định.

Điểm cuối thuộc dự án tuyến Măng Lùng - Đắk Lây (Nam Trà My) thời gian qua gặp vướng khi chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng. Ảnh: H.P
Điểm cuối thuộc dự án tuyến Măng Lùng - Đắk Lây (Nam Trà My) thời gian qua gặp vướng khi chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng. Ảnh: H.P

Sở NN&PTNT cho biết, việc quyết định chuyển mục đích và tổ chức chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích rừng nêu trên chỉ được thực hiện sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 19, 23 Luật Lâm nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, năm 2022, Quảng Nam chỉ có hơn 108/844,5ha đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được chuyển đổi mục đích sử dụng, đạt tỷ lệ 12,8%. Trong số diện tích này thì chuyển mục đích đất rừng phòng hộ đạt 3,9/183,5ha, không chuyển đổi được đất rừng đặc dụng dù đã đăng ký diện tích thu hồi.

Lý giải nguyên nhân chuyển đất rừng sang mục đích khác đạt tỷ lệ rất thấp, Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trường Sơn cho rằng, do nhiều dự án gia hạn tiến độ; số dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng chưa được phân bổ nguồn vốn để đầu tư thực hiện dự án. Thêm nữa, một số địa phương khi lập kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện đúng với thông tư hướng dẫn của Bộ TN-MT nên đề xuất rất nhiều danh mục dự án.

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa X) vừa qua, Sở TN-MT đề xuất danh mục thu hồi đất năm 2023 với tổng diện tích thu hồi đất lúa, rừng phòng hộ, đất rừng đặt dụng hơn 1.312ha; trong đó đáng chú ý thu hồi đất rừng phòng hộ 154,2ha, đất rừng đặc dụng 26,6ha.

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của địa phương cấp huyện trong công tác rà soát, thẩm định danh mục dự án đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm; kiểm soát chặt chẽ tính khả thi của từng dự án, phân kỳ kế hoạch sử dụng đất các dự án phù hợp với nguồn lực tài chính và khả năng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; khắc phục tình trạng đăng ký danh mục vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trên thực tế hằng năm đạt thấp so với kế hoạch được phê duyệt.

Ngoài ra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng đề xuất bổ sung danh mục sai thẩm quyền, không đảm bảo thông tin theo quy định pháp luật.

Quy hoạch rừng phòng hộ trên đất... nương rẫy

Theo Sở NN&PTNT, năm 2022, diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại do phá rừng trái phép tăng hơn 5,7ha so năm 2021. Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho biết, một số diện tích bị phá, lấn chiếm là rừng phục hồi, thuộc nương rẫy cũ của dân, được quy hoạch rừng phòng hộ và sản xuất, khi người dân canh tác trở lại dẫn đến vi phạm. Thời gian qua, tình trạng chồng lấn đất quy hoạch lâm nghiệp với đất sản xuất của người dân vẫn luôn là bài toán nan giải của các địa phương miền núi.

Ông Tích nêu hướng giải quyết, sắp tới ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục cập nhật, rà soát, bóc tách diện tích đất sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp của người dân và các công trình, dự án có ảnh hướng đất lâm nghiệp ra khỏi quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng chuyển mục đích sử dụng đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO