Gỡ vướng để phát triển lâm nghiệp

TRẦN HỮU 28/06/2022 06:31

Lộ trình trồng rừng gỗ lớn và phát triển lâm sản ngoài gỗ ở miền núi trong tỉnh đang gặp nhiều rào cản do các cơ chế chính sách thiếu đồng bộ và loay hoay trong tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Vì vậy, chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững bắt đầu từ việc khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai, thay đổi tư duy sản xuất…

Để phát triển mạnh ngành lâm nghiệp, cần giải quyết sớm bài toán cấp quyền sử dụng đất rừng cho người dân miền núi, tích tụ đất đai tập trung. Ảnh: T.H
Để phát triển mạnh ngành lâm nghiệp, cần giải quyết sớm bài toán cấp quyền sử dụng đất rừng cho người dân miền núi, tích tụ đất đai tập trung. Ảnh: T.H

Lực cản từ đất trồng rừng

Trung ương và tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân, doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn. Và Quảng Nam cũng có kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn tất quy hoạch diện tích rừng và đất lâm nghiệp; quản lý rừng theo hướng bền vững; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; chất lượng rừng được cải thiện, đáp ứng chức năng từng loại rừng.

Tăng diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), sau năm 2030 ít nhất đạt 50% tổng diện tích rừng trồng, trong đó rừng gỗ lớn đạt 30.000ha. Thêm vào đó, tăng tỷ lệ gỗ lớn bình quân từ 20 - 25%.

Giá trị tổng sản phẩm ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 15,21%... Tuy nhiên, theo nhiều địa phương miền núi, nhìn vào lộ trình trồng rừng gỗ lớn thời gian qua, các chỉ tiêu trên rất khó đạt nếu như ngay từ bây giờ không xử lý dứt điểm các vướng mắc về đất đai cũng như cơ chế hiện hành.

Đại diện Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam cho rằng, doanh nghiệp sẵn sàng mua gỗ của người dân với giá cao hơn thị trường từ 10 – 15%, nhưng điều mà công ty băn khoăn là phần lớn người dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa được công nhận quyền sử dụng đất, nên họ khó được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, cụ thể là tiếp cận vốn vay ngân hàng, bảo hiểm trồng rừng… Người dân là chủ thể tổ chức trồng rừng gỗ lớn, nhưng để thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của họ không thể ngày một ngày hai.

Ông Nguyễn Đông (Công ty CP Đầu tư – phát triển lâm nghiệp Quảng Nam) cho rằng, rào cản lớn nhất của trồng rừng gỗ lớn là phần lớn đất đai miền núi phân tán, không tập trung, manh mún, mô hình quản lý theo nhóm hộ và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Do đó, chính quyền cần sớm can thiệp vướng mắc đất đai, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau khi liên kết, hợp tác trồng rừng gỗ lớn” – ông Đông nói.

Ảnh: T.H
Ảnh: T.H

Cần xác định rõ hướng đi

Hiện Quảng Nam có khoảng 216.893ha rừng trồng và 45.554ha đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển trồng rừng sản xuất. Do vậy, tiềm năng phát triển rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC rất lớn.

Có 3 nhiệm vụ tập trung tạo đột phá mà ngành lâm nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay, đó là bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý rừng bền vững và cấp FSC với rừng trồng.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Hươm – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, vùng tây của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng về nguồn dược liệu, lâm sản, phát triển du lịch…, nhưng muốn phát triển mạnh mẽ hơn không cách nào khác là Nhà nước phải đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thu hút các nhà đầu tư lên vùng cao.

Đã có định hướng phát triển vùng tây Quảng Nam, song quy hoạch kinh tế rừng, lâm sản ngoài gỗ ở khu vực này như thế nào thì vẫn còn khá chung chung. TS.Phan Văn Thắng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) nhìn nhận, phải đưa tài nguyên rừng và đất rừng ở vùng tây vào tầm quy hoạch chiến lược, vì lâu nay khu vực này chưa được đánh giá đúng mức.

Do đó, cần phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng rừng trên đơn vị diện tích canh tác và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng.

“Cần xây dựng Quảng Nam từng bước trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển giống cây lâm nghiệp, nhất là giống cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu có chất lượng cao ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên” – TS.Thắng đề xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển kinh tế rừng bền vững thì Quảng Nam phải tháo ngay “điểm nghẽn” về đất đai và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Theo TS.Thắng, không thể đưa công nghệ vào sản xuất manh mún nếu không tích tụ đất đai quy mô lớn, tập trung và hình thành các trung tâm sản xuất giống, quản lý chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng để phát triển lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO