Mở hướng sinh kế dưới tán rừng

ALĂNG NGƯỚC 28/11/2022 08:16

Nhằm nâng cao độ che phủ rừng và tạo sinh kế mới cho người dân, các dự án lâm nghiệp, trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã giúp hình thành và phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn, phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân dưới tán rừng.

Dược liệu tự nhiên đem lại nguồn lợi cho người dân từ mô hình kinh tế rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Dược liệu tự nhiên đem lại nguồn lợi cho người dân từ mô hình kinh tế rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sinh kế mới

Sau những nỗ lực của cộng đồng, nhiều cánh rừng tại Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… đang dần phục hồi và trở thành vùng sinh kế, đem lại cơ hội phát triển cho người dân miền núi. Ngoài diện tích rừng trồng cây lâm nghiệp, dưới tán rừng già, các loại mây nguyên liệu, dược liệu có giá trị kinh tế cao cũng được trồng thêm, tạo nguồn thu nhập cho chính người dân và cộng đồng sau này.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tổ chức hơn 2.489 đợt tuần tra, truy quét xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Qua đó, phát hiện và lập biên bản 259 vụ vi phạm; xử lý 173 vụ (khởi tố hình sự 31 vụ, xử lý hành chính 142 vụ), thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,3 tỷ đồng.

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, các dự án trồng rừng và tạo sinh kế dưới tán rừng được xem là chủ trương lớn của tỉnh nhằm thúc đẩy sự chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Cụ thể hóa các chủ trương của ngành về lâm nghiệp bền vững, những năm gần đây, Quảng Nam hình thành các mô hình sinh kế mới hiệu quả, góp phần đem lại nguồn thu nhập chính cộng đồng.

“Chuyển đổi tư duy từ phát triển, sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế lâm nghiệp đang là mục tiêu “kép” hướng đến ổn định sinh kế cho người dân. Ngoài việc trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, dưới tán rừng sẽ tiếp tục trồng mở rộng cây dược liệu, giúp khai thác hiệu quả kinh tế rừng một cách bền vững” - ông Khánh nói.

Những năm qua, bằng các nguồn lực hỗ trợ của dự án phi chính phủ, nhiều địa phương miền núi được tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế từ rừng. Như mô hình trồng sâm Ngọc Linh và các dược liệu thảo mộc dưới tán rừng tại Nam Trà My; ba kích, đảng sâm, chè dây tại Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang… đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho cộng đồng.

Tại Đông Giang, sau thời gian phát triển diện tích trồng mây nước, đồng bào Cơ Tu bước đầu hình thành tổ hợp tác hoạt động ngành nghề đan lát mây tre, tạo chuỗi giá trị sản phẩm cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Mở rộng diện tích rừng trồng

Ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ việc xác định việc trồng rừng gắn với phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội ổn định đời sống người dân, thời gian qua, ngành lâm nghiệp phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hướng đến nâng cao hiệu quả khai thác lợi ích sinh kế từ rừng.

Trên cơ sở bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng trồng giúp cải tạo môi trường tự nhiên, giảm nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng, cũng như tăng khả năng hấp thụ các bon từ rừng.

Sinh kế dưới tán rừng trở thành mô hình kinh tế hiệu quả, mang đến thu nhập ổn định cho đồng bào miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sinh kế dưới tán rừng trở thành mô hình kinh tế hiệu quả, mang đến thu nhập ổn định cho đồng bào miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo ông Thu, để mở rộng diện tích rừng trồng, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 1,5 triệu cây phân tán và khoảng hơn 287ha rừng tập trung theo dự án bảo vệ và phát triển rừng (trong đó, hơn 277ha trồng rừng gỗ lớn và 9,6ha trồng rừng phòng hộ).

Đồng thời phê duyệt hồ sơ 49ha rừng trồng theo chương trình “1 tỷ cây xanh” và đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu trồng hơn 18ha rừng thay thế tại các Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My, Phú Ninh và ven biển Quảng Nam.

“Cùng với thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo kế hoạch gần 283 nghìn héc ta, năm 2022 chúng tôi phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tổ chức rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung gần 29 nghìn héc ta cung ứng dịch vụ môi trường rừng, nâng tổng diện tích thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng lên hơn 311 nghìn héc ta” - ông Thu cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Út, bên cạnh đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và mở rộng diện tích trồng rừng, ngành lâm nghiệp Quảng Nam triển khai có hiệu quả hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần nâng cao hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Song song với công tác quản lý, kiểm tra giám sát và ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển động thực vật hoang dã, ngành chức năng địa phương phối hợp triển khai các hoạt động bảo tồn động vật quý hiếm, cứu hộ thành công nhiều cá thể động vật, thả lại môi trường tự nhiên.

“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) tổ chức hội thảo đánh giá về thực trạng đàn voi rừng tại Bắc Trà My để có giải pháp bảo tồn voi trong thời gian tới” - ông Út nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở hướng sinh kế dưới tán rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO