Nâng tầm năng lực giữ rừng

TRẦN HỮU 29/04/2022 08:53

Lực lượng thanh niên giữ rừng ở vùng cao bây giờ ngoài đảm bảo sức khỏe còn phải được đào tạo bài bản qua trường lớp, ứng dụng công nghệ giám sát rừng.

Lực lượng chuyên trách BVR của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My tuần tra rừng trong lâm phận được giao khoán bảo vệ. Ảnh: T.H
Lực lượng chuyên trách BVR của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My tuần tra rừng trong lâm phận được giao khoán bảo vệ. Ảnh: T.H

Đào tạo lực lượng bảo vệ rừng

Nhiều khu rừng phía tây của tỉnh không bị xâm hại nhờ sự góp phần của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (BVR), cộng đồng các dân tộc thiểu số Ca Dong, Xê Đăng, Cơ Tu… Nếu như bộ máy giữ rừng trước đây rất đông người, cồng kềnh, thì nay chỉ cần gọn nhưng mạnh. Từ khi các địa phương, chủ rừng thành lập lực lượng chuyên trách BVR theo Nghị quyết 46 của HĐND tỉnh, bộ máy nhân lực được thanh lọc, tinh gọn hơn.

Tại Nam Trà My, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý hơn 82.638ha rừng tự nhiên, nhưng chỉ có 167 nhân viên, cán bộ chuyên trách BVR; trong số này chiếm phần lớn là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, mỗi ngày nhân viên BVR đi tuần tra rừng được hỗ trợ 50 nghìn đồng (mỗi tháng tuần tra không quá 15 ngày). Các cửa ngõ ra vào rừng Nam Trà My đều được giám sát từ 21 chốt BVR trên địa bàn 10 xã của huyện.

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, thời điểm này đơn vị có 167 nhân viên, cán bộ BVR. Trong số lực lượng này chỉ có 70 người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, còn lại chưa qua đào tạo bài bản và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nhiều nhân viên được chủ rừng tuyển dụng chỉ học hết lớp 9. Do điều kiện đặc thù, việc tuyển nhân viên có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp hay trình độ qua trung cấp rất khó. Đào tạo cho nhân viên BVR đạt chuẩn là chủ trương xác đáng của trung ương và HĐND tỉnh” – ông Hiền nói.

Đầu năm 2022, Trường Cao đẳng Quảng Nam thông báo xét tuyển trung cấp ngành lâm nghiệp hệ chính quy. Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My đã tạo điều kiện cho 47 nhân viên BVR đăng ký học vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật trong 2 năm liên tiếp (2022 – 2024), các ngày còn lại trong tuần đi làm bình thường.

Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cho biết thêm, mỗi nhân viên, cán bộ BVR của đơn vị có mức lương bình quân mỗi tháng 5,5 triệu đồng. Việc tạo điều kiện cho nhân viên qua đào tạo trung cấp lâm nghiệp có “lợi ích kép” là vừa nâng tầm năng lực giữ rừng vừa giúp nhân viên BVR nâng cao mức lương để đảm bảo cuộc sống.

Nhân viên BVR là đồng bào dân tộc thiểu số đang làm việc cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My hiện nay theo học lớp trung cấp lâm nghiệp Trường Cao đẳng Quảng Nam được miễn tiền học phí theo Quyết định số 53 ngày 20.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 27 ngày 22.7.2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh…

Theo PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, việc mở lớp đào tạo ngành Trung cấp lâm nghiệp tại các huyện miền núi là nỗ lực lớn của nhà trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho khu vực miền núi cao.

Ứng dụng công nghệ theo dõi rừng

Hiện nay, nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng các phần mềm công nghệ chuyên dụng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Các hạt kiểm lâm (Nam Quảng Nam, Trung Quảng Nam, Bắc Quảng Nam), Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam… đều được đầu tư hệ thống phần mềm theo dõi diễn biến rừng (FMS). Hệ thống này sẽ hiển thị toàn bộ hiện trạng rừng, nếu xảy ra phá rừng ở một vị trí, địa điểm nào ảnh vệ tinh sẽ dễ dàng phát hiện.

Mô hình nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ thủy điện được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế bền vững, giảm tác động vào rừng tự nhiên. TRONG ẢNH: Nuôi cá trong lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Mô hình nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ thủy điện được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế bền vững, giảm tác động vào rừng tự nhiên. TRONG ẢNH: Nuôi cá trong lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Nhiều năm nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho các địa phương, chủ rừng chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giám sát rừng.

Hàng năm, đơn vị chủ rừng này đều mở các lớp tập huấn dài ngày nâng cao trình độ nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ sử dụng định vị cầm tay (GPS) và phần mền Mapinfo cho cán bộ xã phụ trách lâm nghiệp theo dõi công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, cán bộ của các ban quản lý rừng.

Xu hướng mà ngành lâm nghiệp đang tiếp cận là thay vì tuần tra, theo dõi rừng ở mặt đất, sẽ lựa chọn giám sát rừng từ trên cao bằng ảnh vệ tinh tại một số khu vực. Muốn vậy, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm phải làm chủ được công nghệ.

Những năm gần đây, Bộ NN&PTNT chủ trương ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, di động) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; giám sát đa dạng sinh học; giám sát và cảnh báo nguy cơ cháy rừng…

Tại Quảng Nam, dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã cải thiện khả năng giám sát rừng áp dụng công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng phát thải thấp trong sử dụng đất, giảm phát thải từ mất và suy thoái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng cho những cộng đồng dễ bị tổn thương, quản lý và bảo vệ rừng bền vững, tạo sinh kế cho người dân miền núi...

Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng kiểm lâm

Theo Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2030 toàn quốc phấn đấu giảm ít nhất 10 - 15% vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại so với giai đoạn 2015 – 2020.

Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng BVR trong công tác quản lý, BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo ít nhất 50% lực lượng quản lý BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ và trang bị các phương tiện, thiết bị bảo vệ rừng và chữa cháy rừng vào năm 2025.

Một trong những giải pháp của đề án đặt ra là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý BVR, phòng cháy chữa cháy rừng; thực thi pháp luật về lâm nghiệp; chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo cháy rừng, mất rừng và suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng tầm năng lực giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO