Những người “gác núi”

PHÚ THIỆN 17/12/2021 07:25

Thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là hướng đi đúng đắn, góp phần rất lớn vào công tác bảo tồn diện tích rừng tự nhiên tại Nam Trà My.

Một chuyến tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Nam Trà My. Ảnh: P.T
Một chuyến tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Nam Trà My. Ảnh: P.T

Những buổi tuần tra, khảo sát xuyên rừng là hoạt động hằng ngày, hằng tuần, được lực lượng cán bộ thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cùng thành viên đội bảo vệ rừng chuyên trách thực hiện thường xuyên từ hơn năm nay, không bỏ sót cánh rừng nào cho dù ở những dãy núi heo hút nhất. Dãy Ngọc Linh dường đã trở lại bình yên hơn từ khi có dấu chân của những người “gác núi”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm (thôn 1, xã Trà Mai), chia sẻ: “Trước đây, mặc dù người dân địa phương đã biết lập nhóm bảo vệ rừng, nhưng do việc nương rẫy nên hoạt động của các nhóm này rất hạn chế. Từ khi có các ban bảo vệ rừng trực tiếp lập chốt bảo vệ, anh em trong đội tham gia nhiệt tình, hiệu quả, mọi người rất yên tâm”.

Ông Võ Thanh Vũ - cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cho hay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được bố trí ở các chốt trên đường dẫn vào các khu rừng tự nhiên, phần lớn thời gian dùng để tuần tra trong lâm phận được giao quản lý. Hiện đã thành lập được 21 chốt bảo vệ rừng phục vụ cho gần 160 thành viên các tổ tuần tra.

Với đa số là người địa phương, có sức khỏe tốt và thông thạo ngõ ngách núi rừng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đang dần trở thành đội ngũ nòng cốt, trực tiếp và chủ yếu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện vùng cao này. “Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi phân công lực lượng trực thường xuyên, theo ca, do đó hiện nay số lượng tham gia túc trực luôn hơn 70%” - ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc Phụ trách Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cho hay, sau khi triển khai Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh, Nam Trà My đã thực hiện chuyển đổi mô hình bảo vệ rừng từ giao khoán cho nhóm hộ sang chủ rừng tự quản lý, hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn 4 xã.

Từ khi triển khai đến nay, tình hình phá rừng làm nương rẫy, phá rừng trồng cây nguyên liệu hoặc khai thác gỗ trái pháp luật đã dần được kiểm soát, so với năm trước giảm đến 70% số vụ việc xảy ra trên địa bàn.

“Với diện tích rừng tự nhiên vào khoảng 82.638ha, trong đó có 41.280ha được giao quản lý, chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chúng tôi đã lập phương án đề nghị phê duyệt bổ sung 6 xã còn lại trên địa bàn huyện chuyển sang mô hình bảo vệ rừng chuyên trách theo hình thức chủ rừng tự quản lý nhằm phát huy hiệu quả từ các xã trước đó” - ông Hiền cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người “gác núi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO