Nỗ lực trồng rừng tái sinh

VĂN THỌ 25/08/2021 06:22

Phát triển kinh tế dưới tán rừng theo hướng bền vững, có hiệu quả là hướng đi được huyện miền núi Nam Trà My thực hiện trong nhiều năm qua. Trong đó, việc vận động các tổ chức, nhóm hộ thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh đẩy mạnh trồng rừng tái sinh được huyện chú trọng triển khai.

Cây giổi rừng trồng trong vườn sâm. Ảnh: H.T
Cây giổi rừng trồng trong vườn sâm. Ảnh: H.T

Ông Trương Đình Kiểm - Giám đốc Công ty TNHH KTC Quảng Nam cho biết, đơn vị là một trong những doanh nghiệp mới đầu tư vào lĩnh vực trồng sâm Ngọc Linh, với hơn 10ha rừng được thuê tại xã Trà Nam. Xác định “rừng là gốc rễ của sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”, đơn vị rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường rừng tự nhiên, trong đó có việc trồng rừng tái sinh.

“Ngay từ khi bắt tay vào trồng sâm, công ty đã xác định trồng được 5 cây sâm thì ít nhất phải trồng được 1 cây rừng tái sinh. Trong năm nay, công ty đã trồng được 2.000 cây giổi ngay tại khu vực trồng sâm của mình” - ông Kiểm chia sẻ.

Tại thôn 3 xã Trà Linh, dưới tán rừng già, nơi vườn sâm hơn 3ha của nhóm hộ ông Bùi Huy Chương đang phát triển xanh tốt là hàng nghìn cây aka từ 1 - 10 năm tuổi. Ông Chương cho biết, ngoài diện tích rừng tự nhiên sẵn có, hàng năm ông đều trồng thêm cây bản địa tại vườn theo đúng ký kết có trong hợp đồng thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm.

“Với đặc điểm tự nhiên 6 tháng mùa gió, tôi thấy cây aka rất có ưu thế để trồng tại Trà Linh. Cây dễ sống lại khó bị ngã đổ, độ che phủ cao nên phù hợp với việc trồng cây sâm Ngọc Linh” - ông Chương nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Trà My cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện có 13 tổ chức và 471 nhóm hộ, cá nhân thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh.

Qua công tác kiểm tra, đánh giá việc sử dụng môi trường rừng của các tổ chức, nhóm hộ thuê để trồng sâm, ban quản lý nhận thấy đã có ít nhiều tác động tiêu cực đến môi trường rừng tự nhiên. Đơn cử, thực bì rừng suy giảm, tỷ lệ cây tái sinh dưới tán rừng ít do nhiều nơi rừng tái sinh đã bị chặt để tăng diện tích trồng sâm...

“Theo chỉ đạo của huyện, trong thời gian đến, ban quản lý tiếp tục triển khai chỉ đạo, vận động cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình tiếp tục trồng rừng tái sinh với cây bản địa như cây aka, cây giổi... Qua đó nhằm phủ xanh mật độ rừng đúng với đánh giá hiện trạng rừng theo hồ sơ các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban đầu. Đồng thời hỗ trợ nguồn giống tốt nhất để các tổ chức, nhóm hộ phát triển diện tích trồng rừng tái sinh. Nếu phát hiện trường hợp xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường rừng tự nhiên và rừng tái sinh sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật” - ông Hiền cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực trồng rừng tái sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO