Phát triển cây sâm bố chính tại Nam Trà My

HOÀNG LIÊN 16/06/2022 06:47

Dự án “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cây sâm bố chính tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” vừa được Sở KH-CN tổ chức họp xét duyệt, xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt theo tinh thần Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh. Dự án hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển cây sâm bố chính trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan họp xét dự án phát triển cây sâm bố chính tại Nam Trà My. Ảnh: H.LIÊN
Các sở, ngành, đơn vị liên quan họp xét dự án phát triển cây sâm bố chính tại Nam Trà My. Ảnh: H.LIÊN

Triển vọng về sâm bố chính

Theo kỹ sư Phan Thanh Tín - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Trà (Nam Trà My), cây sâm bố chính mấy năm gần đây đã được HTX đưa về ươm giống, trồng, chăm sóc và đánh giá sự phù hợp tại địa bàn huyện Nam Trà My.

Diện tích cây sâm bố chính được gây trồng thử nghiệm đã được 1 - 2 năm tuổi, đang trong giai đoạn hình thành củ. Cây giống khi đạt 3 tháng tuổi được đưa ra trồng thực tế, tỷ lệ cây sống ở mức khá.

Cây sâm sau gần 2 năm trồng đã có hoa, quả, hạt và củ, song do đất đai và khí hậu chưa tốt nên trọng lượng củ chưa đạt. Cây sâm dễ chết ở vùng bị ngập nước nên đất phải tơi xốp, có rãnh thoát nước, cần bổ sung dinh dưỡng mới cho năng suất cao. Cây sâm được HTX trồng thí điểm thành công và thời gian tới sẽ ưu tiên gây trồng ở xã Trà Dơn và Trà Leng.

HTX Nông nghiệp Đông Trà đã trình hội đồng Sở KH-CN thẩm định dự án “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cây sâm bố chính tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” theo tinh thần Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh.

HTX dự kiến được chuyển giao và tiếp nhận chuyển giao các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sâm từ đơn vị chuyển giao. HTX mua hạt giống từ công ty, tổ chức gieo ươm, trồng, chăm sóc, bảo quản và thu hoạch cây sâm và sẽ đứng ra tập huấn cho 200 hộ dân về kỹ thuật và phương pháp nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm từ cây sâm.

“Sâm bố chính là một trong 30 loài dược liệu được ưu tiên phát triển tại Quảng Nam. Mong muốn của HTX là sau khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ sẽ phát triển vùng trồng, liên kết với người dân trồng sâm, giúp bà con miền núi cải thiện thu nhập” - ông Tín nói.

Dự kiến, năng suất mỗi héc ta trồng sâm bố chính đạt từ 5 - 10 tấn củ tươi sau 2 năm trồng, giá bán từ 250 - 350 nghìn đồng/kg củ tươi. Cơ hội, triển vọng gây trồng, phát triển cây sâm bố chính tại Nam Trà My đã mở ra, đặc biệt là sâm bố chính thuộc một trong 30 loài dược liệu nằm trong danh mục ưu tiên phát triển của tỉnh.

Cần đi vào thực tiễn

Theo đại diện Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam, việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây sâm bố chính là công nghệ có tính tiên tiến, đã được áp dụng tại một số tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, dự án cần hướng tới tính bền vững, nguồn giống, nguyên liệu sản xuất cần đảm bảo, thị trường, đầu ra cần chú trọng. Hiện giá cây giống dự kiến vẫn còn khá cao (120 nghìn đồng/cây giống), chi phí sản xuất giống còn đắt đỏ nên dự án cần tính toán đến yếu tố kinh tế, phù hợp với thực tế miền núi.

Th.S Bùi Ngọc Huy - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Tam Kỳ nhận xét, cần chú trọng và nêu cụ thể về giá thể trồng sâm giống, xây dựng kỹ lưỡng về quy trình kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, đảm bảo tính khoa học lẫn thực tiễn.

Dự án sử dụng ngân sách để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, song cần tính toán kỹ công nghệ này cần thiết hay không, có đảm bảo sự phát triển hay không, sử dụng ngân sách có hợp lý không, hiệu quả và vấn đề hậu dự án cần được tính toán kỹ...

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, hiện chỉ mới có sâm Ngọc Linh, sâm ba kích, sa nhân, giảo cổ lam là 4 cây dược liệu đang tập trung ưu tiên phát triển ở miền núi, trong khi chủ trương của tỉnh là ưu tiên phát triển cây dược liệu với danh mục có tổng cộng 30 cây.

UBND huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát triển vườn giống, ưu tiên phát triển cây sâm bố chính. Đội ngũ kỹ thuật từ dự án nên chuyển giao công nghệ cho người dân miền núi theo kiểu cầm tay chỉ việc. Dự án cần xem xét đến yếu tố rủi ro, như tình trạng cây sâm Ngọc Linh trồng xuống chết hàng loạt vừa qua.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ, việc ứng dụng KH-CN trong phát triển cây dược liệu là hướng giúp người dân miền núi thoát nghèo. Dự án được thẩm định để hỗ trợ theo Cơ chế 02 (Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh).

Dự án sẽ thu hút nhiều chuyên gia giỏi, có chuyên môn cao tham gia hỗ trợ kỹ thuật nhân giống và phát triển cây sâm bố chính. Bên cạnh cây giống chuyển giao từ dự án, cần chọn cây giống bản địa nhân giống để làm đối chứng, đánh giá, kiểm tra thực tế.

Nên xây dựng một khu vườn sản xuất giống dự án đề xuất, 1 vườn sản xuất giống bản địa bởi sâm bố chính hiện có tới 3 loại giống. Thực hiện dự án, HTX cần phải bố trí nguồn lực hợp lý, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển cây sâm bố chính tại Nam Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO