Phát triển lâm nghiệp bền vững

TRẦN HỮU 10/09/2021 11:12

Để phát triển lâm nghiệp theo hướng hiện đại, Quảng Nam đang hướng đến quản trị rừng bền vững, đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và bảo vệ nghiêm ngặt vành đai xanh.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trồng cây xanh tại khuôn viên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: T.H
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trồng cây xanh tại khuôn viên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: T.H

Kiểm soát giống cây trôi nổi

Đến nay, Quảng Nam có 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh vườn ươm giống lâm nghiệp; trong đó có 7 cơ sở sản xuất vườn ươm giống do tỉnh cấp, 47 cơ sở do huyện cấp. Vườn ươm cây giống quy mô nông hộ chiếm số lượng lớn với 81 cơ sở, nhưng hầu hết đều không có giấy phép kinh doanh. Chủng loại cây giống chủ yếu là cây keo, quế, sao đen, lim xanh, giổi, huỳnh đàn…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - ông Từ Văn Khánh cho biết, các địa phương đang bước vào mùa trồng rừng mới trong năm nên đơn vị đang triển khai kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Ngành lâm nghiệp đang lựa chọn các loài cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, có khả năng chống chịu gió bão, sạt lở; đồng thời hướng đến không trồng cây keo ở những khu vực gần dân cư, sườn đồi, có nguy cơ sạt lở cao; thay vào đó là trồng cây ăn quả dài ngày, trồng cỏ giữ đất.

“Định hướng xuyên suốt là từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang rừng trồng sản xuất đa mục tiêu; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC” – ông Khánh nói.

Một chính sách được cho rất nhân văn của ngành lâm nghiệp tỉnh là hỗ trợ nhân dân miền núi giống cây trồng rừng để lấy gỗ làm nhà. Năm nay, ngành lâm nghiệp sẽ triển khai hàng loạt đề án như quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trồng 1 tỷ cây xanh; đề án điều tra lập địa, xác định loài cây trồng rừng bản địa gỗ lớn phù hợp; xây dựng mô hình trồng rừng bản địa gỗ lớn kết hợp dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.

Giống cây trồng lâm nghiệp trôi nổi trên thị trường sẽ được khống chế nếu như các địa phương hạn chế các nhà máy chế biến dăm gỗ. Một hành lang pháp lý để siết chặt giống cây lâm nghiệp là Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Theo đó, quy định chặt chẽ bảo tồn nguồn gen; nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm giống; nhãn và tên giống cây trồng lâm nghiệp; quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp. Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu 90% diện tích rừng trồng là từ nguồn giống cây lâm nghiệp đã được công nhận.

Bảo vệ vành đai xanh vĩnh viễn

Ở phạm vi quốc gia, Chính phủ vừa có Nghị quyết số 84 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao. Giai đoạn này, giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn,  ngành lâm nghiệp cần tập trung vào 3 nhiệm vụ đột phá. Đó là bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng.

“Phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cây lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hỗ trợ đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo cơ chế, chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và theo quy định của pháp luật” – ông Tuấn nêu giải pháp.

Kinh tế rừng và xuất khẩu gỗ tuy phát triển, nhưng dưới tiềm năng hiện có. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, điểm sáng ấn tượng nhất của bức tranh lâm nghiệp thời gian qua là mảng xanh rừng được cải thiện đáng kể.

Đơn cử, năm 2020, tổng diện tích rừng quốc gia đạt hơn 14,6 triệu héc ta (tỷ lệ che phủ rừng chiếm 42%). Cơ cấu 3 loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường. Sự tăng trưởng của độ che phủ rừng là một trong những “chìa khóa” giúp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Riêng đề án 1 tỷ cây xanh, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh (gồm 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất).

Theo tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp, dự kiến đến năm 2030, tổng thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ có thể đạt 4.300 tỷ đồng (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020). Đây sẽ là nguồn lực tài chính ổn định để quản lý rừng bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam lên kế hoạch trồng 51,6 triệu cây xanh. Trong đó, trồng hơn 48,2 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và trồng hơn 3,3 triệu cây xanh phục vụ chức năng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương trồng rừng lấy gỗ làm nhà của tỉnh, đến nay các địa phương trồng được 12.901 cây rừng phòng hộ, đặc dụng; 39.600 cây trồng rừng sản xuất; hơn 1,2 triệu cây phân tán.

Ông Từ Văn Khánh khẳng định, vành đai xanh vĩnh viễn không chỉ được thiết lập ở khu vực rừng đầu nguồn mà còn ở khu vực ven biển, ven sông. Đây là những “bức tường xanh” kiên cố hạn chế nạn cát bay, sóng dâng cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cấp phép thêm 6 cơ sở gây nuôi động vật quý hiếm

Tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2021, đơn vị kiểm tra cấp mã số cho 6 cơ sở gây nuôi động vật nguy cấp quý hiếm, nâng tổng số cơ sở được cấp mã số gây nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay là 12 cơ sở với 862 cá thể/54 loài. Ngoài ra, cơ quan kiểm lâm còn cấp phép 41 cơ sở gây nuôi động vật thông thường với 5.016 cá thể/7 loài, trong số này đang đề xuất cấp phép 14 cơ sở gây nuôi động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định. (T.H)

Hơn 577ha gỗ rừng trồng được phép thanh lý

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 địa phương lập hồ sơ thủ tục thanh lý rừng trồng không thành rừng do thiên tai và đã được UBND tỉnh ban hành quyết định thanh lý với diện tích hơn 577ha rừng trồng các loại. Trong đó, Núi Thành 20,5ha; Tam Kỳ hơn 46,2ha; Thăng Bình gần 300ha; Duy Xuyên hơn 187,3ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam 15,3ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn 9,6ha. (H.P)

Khởi tố 20 vụ án hình sự liên quan đến phá rừng

Từ đầu năm đến nay, ngành kiểm lâm đã lập biên bản 281 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu hơn 160m3 gỗ các loại và gần 258kg thịt động vật hoang dã quý hiếm. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã khởi tố 20 vụ án hình sự liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó, Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam khởi tố 1 vụ; các hạt kiểm lâm: Bắc Trà My khởi tố 5 vụ, Nam Trà My (1 vụ), Nam Quảng Nam (6 vụ), Tiên Phước (2 vụ), Hiệp Đức (1 vụ), Phước Sơn (2 vụ) và Vườn quốc gia Sông Thanh (2 vụ). (H.PHÚC)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển lâm nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO