Phòng chống cháy rừng ở Sông Thanh

TẤN SỸ - XUÂN LAM 10/05/2022 06:43

Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn phòng cháy chữa cháy rừng đến từng người dân; tiến hành ký cam kết đăng ký ngày, giờ, địa điểm đốt nương rẫy; đưa vào giao ước thi đua của từng thôn, tổ đoàn kết,… là cách mà Vườn quốc gia Sông Thanh và các địa phương trong lâm phận thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô, mùa đốt nương làm rẫy của bà con.

Cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh đến tận nương rẫy tuyên truyền phòng chống cháy rừng. Ảnh: TẤN SỸ
Cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh đến tận nương rẫy tuyên truyền phòng chống cháy rừng. Ảnh: TẤN SỸ

Sáng kiến mới

Vụ lúa rẫy của bà con Giẻ Triêng ở xã Phước Mỹ (Phước Sơn) thường diễn ra từ tháng 3 kéo dài đến tháng 6 hàng năm. Trước đây, ông Nguyễn Thế Phong ở thôn 2 thường tự do đốt nương, làm rẫy và chỉ dựa theo kinh nghiệm dân gian để tránh bị cháy lan các khu vực lân cận.

Thế nhưng, có năm do không đoán được hướng gió, nên ngọn lửa bùng phát vào rừng keo. Rất may đã được người dân và cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh dập lửa kịp thời.

Rút kinh nghiệm, năm nay ông Phong làm bản đăng ký với Tổ Quản lý Bảo vệ rừng xã Phước Mỹ thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh. Nội dung đăng ký, ông Phong ghi rõ ngày, giờ, địa điểm đốt rẫy của mình và cam kết không để cháy lan ra khu vực rừng khác.

“Đến mùa phát nương làm rẫy thì cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân chúng tôi. Việc đăng ký cam kết như thế này rất tiện lợi vì nếu không may xảy ra cháy lan, thì tổ quản lý bảo vệ rừng của xã kịp thời giúp chúng tôi khống chế” - ông Phong cho biết.

Ảnh: TẤN SỸ
Ảnh: TẤN SỸ

Xã Phước Mỹ có 3 thôn, với 100% hộ đồng bào Giẻ Triêng sinh sống chủ yếu bằng nghề đốt nương làm rẫy. Việc đăng ký cam kết của người dân với Vườn quốc gia Sông Thanh được coi là sáng kiến mới trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng.

Bởi, thông qua các hoạt động đăng ký, thì Vườn quốc gia Sông Thanh cũng như chính quyền xã Phước Mỹ sẽ nắm được khung thời gian, địa điểm mà bà con đốt rẫy. Từ đó phân công kiểm lâm địa bàn đến tận nơi để quản lý, hướng dẫn, không để xảy ra tình trạng cháy lan.

Ông Hồ Văn Bê - Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ cho biết: “Nhiều năm qua trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, song chúng tôi không hề chủ quan. Mỗi khi đến mùa đốt nương làm rẫy của bà con, thì xã vừa đẩy mạnh tuyên truyền nhắc nhở, vừa đưa vào giao ước thi đua cho từng thôn, nếu thôn nào để xảy ra cháy rừng thì sẽ không bình xét thôn văn hóa. Xã thường xuyên diễn tập cho lực lượng xung kích tại 3 thôn, để luôn sẵn sàng cơ động nếu có cháy rừng xảy ra”.

Cùng dân thực hiện

Vườn quốc gia Sông Thanh có diện tích hơn 76 nghìn ha rừng và có 12 xã của hai huyện Nam Giang, Phước Sơn nằm trong lâm phận. Để chủ động ứng phó với cháy rừng, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, Vườn quốc gia Sông Thanh đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tại các cuộc họp dân, trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, rồi trực tiếp đến các nương rẫy mà người dân chuẩn bị đốt để để vận động.

Các cán bộ đã hướng dẫn cho bà con việc phát quang bụi rậm, thu dọn thực bì và làm đường băng trắng cản lửa có khoảng cách từ 5m đến 10m, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng…

Anh Zơ Râm Thư (thôn A Liêng, xã Tà Bhing, Nam Giang) cho biết: “Gia đình mình ở đây lâu nay phát đốt rẫy theo thói quen, kinh nghiệm nhìn hướng gió để tránh cháy lan. Nay được cán bộ hướng dẫn làm đường băng cản lửa, rồi các biện pháp dập lửa không để cháy lan. Mình thấy rất phù hợp và sẽ áp dụng tuyên truyền cho bà con trong làng cùng làm theo”.

Ông Phạm Hữu Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng. Chúng tôi hướng dẫn các xã tập trung triển khai công tác PCCC rừng với phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Mặc dù có nhiều vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, song nhiều năm qua, trong lâm phận chưa xảy ra vụ cháy rừng nguy hiểm nào. Bên cạnh những nỗ lực của Vườn quốc gia Sông Thanh và các ngành chức năng, thì sự chung tay của cộng đồng các dân tộc sống trong lâm phận trong việc thực hiện các biện pháp PCCC rừng đã góp phần hạn chế tối đa các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống cháy rừng ở Sông Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO