​Quản lý rừng theo hướng bền vững: Chậm triển khai vì nhiều bất cập

HỮU PHÚC 25/03/2022 11:17

Phương án quản lý rừng bền vững, có trách nhiệm nhằm bảo tồn đa dạng hệ sinh thái và tạo ra giá trị kinh tế cao hơn từ rừng. Tuy nhiên, nhiều địa phương của cả nước (trong đó có Quảng Nam) vẫn chậm triển khai do thiếu hành lang pháp lý lẫn nguồn lực đầu tư.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong chuyến tuần tra lâm phận rừng phòng hộ Đông Giang, khu vực xã Sông Kôn (Đông Giang). Ảnh: H.P
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong chuyến tuần tra lâm phận rừng phòng hộ Đông Giang, khu vực xã Sông Kôn (Đông Giang). Ảnh: H.P

Chậm phê duyệt phương án

Tại địa bàn Đông Giang, tổng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng (BVR) theo chính sách dịch vụ môi trường rừng là 30.370ha. Trong đó, hình thức hợp đồng lực lượng BVR chuyên trách theo Nghị quyết số 46 chỉ với diện tích 7.111ha; diện tích giao khoán cho các cộng đồng thôn đang bảo vệ là hơn 16.000ha; 11 cộng đồng thôn đang nhận khoán BVR 1.241ha theo Nghị định số 75 năm 2015 của Chính phủ; 5 cộng đồng thôn nhận khoán BVR hơn 4.000ha theo Quyết định số 886 của Thủ tướng Chính phủ...

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay, có 11 đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh lập phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích rừng dự kiến là 376.891ha. Trong số 11 đơn vị chủ rừng, thời điểm này, UBND tỉnh chỉ phê duyệt 1 phương án quản lý rừng bền vững của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la; có 7 ban quản lý rừng đang lấy ý kiến từ các ngành và địa phương (gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Vườn quốc gia Sông Thanh và 3 đơn vị chủ rừng khác đang hoàn thiện hồ sơ lập phương án.

UBND huyện Đông Giang cho rằng, mô hình thành lập lực lượng BVR chuyên trách triển khai trên địa bàn còn hạn chế, do chưa có quy định rõ ràng về mô hình hoạt động, đơn vị chủ rừng không tự chủ được trong việc tuyển dụng và chi trả các khoản khác.

Trong khi đó, mô hình giao khoán cho cộng đồng thôn chiếm diện tích lớn trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân vì lợi ích của việc giữ rừng được chia sẻ trong cộng đồng phù hợp với nét đẹp văn hóa bản địa. Thế nhưng, lỗ hổng của mô hình này là kém hiệu quả trong BVR, khi xảy ra tình trạng mất rừng không có người chịu trách nhiệm.

Mỗi hình thức quản lý BVR đều có tính ưu việt, hạn chế riêng, chính vì vậy thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang đã tiếp cận xây dựng phương án quản lý bền vững tài nguyên rừng.

Năm 2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang phát hiện, xử lý 11 vụ phá, xâm lấn rừng tự nhiên làm nương rẫy (xã Mà Cooih 8 vụ; các xã A Ting, Sông Kôn, A Rooi mỗi xã 1 vụ).

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang - Vũ Phúc Thịnh cho biết, việc tiếp cận phương án quản lý rừng bền vững là xu hướng tất yếu. Thực tế, thời gian gần đây do xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ rừng nên dần kiểm soát được tình trạng phát, xâm lấn rừng làm nương rẫy tại các xã vùng thấp, số vụ vi phạm phá, xâm lấn rừng tự nhiên làm nương rẫy đã giảm rõ rệt.

Minh chứng là năm 2021 trên địa bàn chỉ xảy ra 11 vụ phá rừng, trong khi năm 2020 là 57 vụ. Đông Giang năm qua không xảy ra điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Phương án quản lý rừng bền vững giúp người dân ổn định sinh kế và không tác động vào rừng tự nhiên. Ảnh: H.P
Phương án quản lý rừng bền vững giúp người dân ổn định sinh kế và không tác động vào rừng tự nhiên. Ảnh: H.P

Theo ông Thịnh, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên – WWF đã giúp Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang xây dựng và thực hiện phương án tài chính bền vững; phương án quản lý rừng bền vững nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng.

Đồng thời, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định sinh kế, nâng cao đời sống người dân địa phương. “Thời gian qua Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên – WWF tài trợ, thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý BVR bền vững tại rừng phòng hộ huyện Đông Giang, song đến nay phương án vẫn chưa được phê duyệt” – ông Thịnh nói.

Nhiều vướng mắc

Tại cuộc hội thảo trực tuyến với 19 tỉnh thành trong cả nước (trong đó có Quảng Nam) về đánh giá kết quả thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững (đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1288 ngày 1.10.2018) do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức vừa qua cho thấy sự lúng túng trong quá trình thực hiện của các địa phương.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Đề án quản lý rừng bền vững xác định các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn thực hiện quản lý rừng bền vững; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững hướng tới cấp chứng chỉ rừng tại một số địa phương; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng và chứng chỉ rừng; thiết lập hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp nhìn nhận, qua 3 năm thực hiện, có quá nhiều rào cản trong thực hiện phương án quản lý BVR bền vững.

Đó là còn ít nhất 3 triệu héc ta rừng do UBND các xã quản lý không phải là chủ rừng để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; việc triển khai phương án quản lý rừng bền vững sau khi được phê duyệt gặp khó khăn do năng lực và nguồn kinh phí của chủ rừng còn hạn chế.

Thêm vào đó, phần lớn diện tích rừng của các chủ rừng nhỏ chưa được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC); diện tích cấp chứng chỉ nhỏ lẻ, manh mún làm cho chi phí thực hiện cao.

Tại Quảng Nam, nhiều chủ rừng tiếp cận với phương án quản lý rừng bền vững nhưng chưa có nguồn kinh phí lẫn cơ sở pháp lý để thực hiện.

Ông Lê Tự Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sở dĩ phần lớn phương án quản lý rừng bền vững của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh chưa được phê duyệt vì đang lấn cấn ở căn cứ pháp lý để thực hiện. Bởi, không riêng gì Quảng Nam mà toàn quốc cũng đang “bí” về câu chuyện giao đất giao rừng, Trung ương chưa có quy định về chính sách phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 và vướng mắc về đầu tư theo Luật Đầu tư.

Hiện nay, ở nhiều địa phương miền núi của tỉnh, phổ biến tình trạng người dân, cộng đồng thôn được giao rừng chứ không giao đất; hay nhiều diện tích rừng do UBND các xã quản lý nhưng theo luật định đây không phải là chủ rừng.

Về nhiệm vụ sắp tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – ông Bùi Chính Nghĩa đề nghị các địa phương và đơn vị có liên quan cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để không phụ thuộc vào các đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai thực hiện; việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của các đơn vị chủ rừng.

Cạnh đó, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý rừng bền vững; các địa phương tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
​Quản lý rừng theo hướng bền vững: Chậm triển khai vì nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO