Sớm tháo gỡ bất cập cơ chế quản lý, bảo vệ rừng

HỒ QUÂN 31/07/2022 09:52

(QNO) - Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh về quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025 khi đi vào thực tế đã phát sinh nhiều vướng mắc, khiến các chủ rừng loay hoay trong phương án thu, chi và hợp đồng với lực lượng chuyên trách.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng lim Tây Giang. Ảnh: H.Q
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng lim Tây Giang. Ảnh: H.Q
Phụ thuộc vào đơn giá

Nghị quyết số 38 ban hành ngày 8.10.2021 thay thế Nghị quyết số 46 ban hành năm 2018 của HĐND tỉnh. Theo đó, đối với rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện do chủ rừng tự quản lý, bảo vệ theo hình thức hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR, thì những diện tích có đơn giá BVR thấp hơn 500.000 đồng/ha/năm sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ để đạt mức.

Trong đó, chi 80% để hợp đồng lực lượng chuyên trách BVR, 20% còn lại sẽ chi cho cộng đồng dân cư thôn tham gia tuyên truyền, giám sát vận động thành viên tham gia BVR. Chủ rừng cũng được hưởng mức chi bằng 7%/tổng mức chi trực tiếp tỉnh hỗ trợ cho BVR.

Nghị quyết này ra đời, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đến công tác BVR, đảm bảo công việc, nguồn thu nhập cho lực lượng chuyên trách đối với khu vực có đơn giá BVR thấp; đồng thời khắc phục những vướng mắc khi các đơn vị, địa phương thực hiện Nghị quyết số 46 trong 2 năm qua. Tuy nhiên khi triển khai nghị quyết vào thực tiễn, nhiều đơn vị gặp khó trong dự trù kinh phí, thanh quyết toán và hợp đồng lực lượng chuyên trách BVR.

Ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La cho biết, căn cứ theo Nghị quyết 38, đơn giá BVR thấp hơn 500.000 đồng/ha thì sẽ được bù hỗ trợ. Nhưng đơn giá BVR mỗi năm sẽ không đồng nhất, mà có sự chênh lệch, tùy thuộc vào lưu vực, nguồn thu thủy điện. Cuối mỗi năm, chủ rừng phải lập kế hoạch mức chi cho năm sau căn cứ vào đơn giá hiện tại. Nếu lập kế hoạch thanh quyết toán cho đơn giá thấp hơn 500.000 đồng/ha thì sẽ chi theo Nghị quyết 38, tức là sẽ có 20% chi cộng đồng dân cư tham gia BVR.

Tuy nhiên, đến tháng 3,4 năm sau, thủy điện ban hành đơn giá năm trước cao mức 500.000 đồng/ha thì sẽ được hỗ trợ Nghị quyết 38, mà 20% này chi theo DVMTR cho phương án hỗ trợ BVR bền vững của chủ rừng.

“Nguồn tiền ban đầu cấp cho Nghị quyết 38 thì 6 tháng đầu năm đã phải chi cho cộng đồng 10%, đến 31.12 đã hoàn thành. Tuy nhiên, đơn giá thủy điện ban hành cao hơn 500.000 đồng/ha thì 20% đã chi không thể thu hồi, mà chi sai quy định. Trường hợp ngược lại, nếu kế hoạch đầu năm đơn giá trên 500.000 đồng/ha nhưng thực tế thấp hơn thì lại âm tiền” – ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Thận – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (Đại Lộc), thêm một bất cập là chi theo Nghị quyết 38, cũng với mức lương 4 triệu đồng/năm/người BVR chuyên trách nhưng có tới 2 nguồn tiền, ký nhận 2 bảng lương. Trong đó, 1 nguồn là tiền từ chi trả DVMTR, còn 1 nguồn là tiền ngân sách nhà nước. Với thủ quỹ địa phương, công việc này rất áp lực, nhưng không có chi phí hỗ trợ.

Cùng với đó, khi đơn giá hơn 500.000 đồng/ha thì trạm trưởng, đội trưởng, tổ trưởng tuần tra BVR sẽ không được nhận khoản hỗ trợ 300.000 đồng/ha. Và nếu thực chi theo Nghị quyết 38 thì sau này đơn giá hơn 500.000 đồng/ha thì khó “đòi” lại. Thực tế, lực lượng này làm việc rất trách nhiệm nhưng không có kinh phí hỗ trợ cũng là điều thiệt thòi.

Cốt lõi là bảo vệ rừng

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Vườn Quốc gia sông Thanh. Ảnh: H.Q
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Vườn Quốc gia sông Thanh. Ảnh: H.Q
Theo ông Châu Minh Ninh – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My kiến nghị, đối với việc chi theo Nghị quyết 38 nên giao cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cân đối, thực hiện, tránh việc rời rạc 2 nguồn tiền như hiện nay. Lý do, Quỹ giải ngân đúng hạn, thuận lợi cho chủ rừng có kinh phí kịp thời, trong khi ngân sách hỗ trợ nhà nước thường chi chậm hơn.

“Nếu đơn giá trên 500.000 đồng/ha thì Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng trực tiếp chi như thông thường; ngược lại thì Quỹ chi trước, sau đó nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 38 để bù vào sau” – ông Ninh đề xuất.  

Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thừa nhận, Nghị quyết 38 khi triển khai trong thực tế gặp nhiều vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, nhất là mỗi địa phương sẽ xảy ra vấn đề riêng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là một số vướng mắc xuất phát từ công tác nghiệp vụ. Nếu cơ quan chức năng phối hợp, ban hành phương án hướng dẫn thống nhất thì hoàn toàn giải ngân được.

Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu nói, Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất nước, nguồn thu từ thủy điện cao và Nghị quyết 38 ra đời cốt lõi là bảo vệ rừng tốt hơn. Thời gian qua, lực lượng chuyên trách thực hiện tốt công tác quản lý, BVR hơn so với cộng đồng trước đây, hạn chế các vụ phá rừng xảy ra.

“Về những vấn đề xoay quanh chi trả Nghị quyết 38, tôi đề nghị Sở Tài chính cần vào cuộc, nghiên cứu, ban hành quy định thanh, quyết toán cụ thể. Qua đó, giúp các chủ rừng, địa phương chủ động thực hiện, tạm thời gỡ khó trước mắt. Đồng thời, Sở NN&PTNT chủ trì, nghiên cứu thực tế và các tỉnh, thành trong nước và sớm kiến nghị HĐND tỉnh để điều chỉnh kịp thời” – ông Bửu lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sớm tháo gỡ bất cập cơ chế quản lý, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO