Tháo dỡ rào cản phát triển lâm nghiệp

HỮU PHÚC 29/10/2021 07:53

Vừa bảo vệ nghiêm những cánh rừng tự nhiên, vừa nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng sản xuất theo tiêu chí của quản trị rừng quốc tế là những mục tiêu mà Quảng Nam hướng đến trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương miền núi cần xử lý dứt điểm các vướng mắc về quy hoạch 3 loại rừng, quyền sử dụng đất lâm nghiệp của người dân.

Ngoài chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, Quảng Nam sẽ quan tâm đầu tư rừng đạt tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế. Ảnh: H.P
Ngoài chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, Quảng Nam sẽ quan tâm đầu tư rừng đạt tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế. Ảnh: H.P

Lấn cấn rừng sản xuất và “vùng cấm”

Cũng giống như nhiều loại quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác, quy hoạch lâm nghiệp buộc phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với thực tiễn phát triển. Tuy nhiên, thực tế quy hoạch chồng lấn giữa khu vực rừng trồng sản xuất với rừng phòng hộ, tự nhiên đã kéo theo nhiều hệ lụy về tranh chấp pháp lý.

Tại huyện Đông Giang, lâu nay do thói quen sản xuất “du canh”, nhiều nơi người dân canh tác nương rẫy giáp ranh rừng tự nhiên, thậm chí khu vực canh tác nằm trong rừng tự nhiên, phòng hộ. Vậy nhưng, trước đây Nhà nước quy hoạch, kể cả điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đã bao trùm cả đất nương rẫy sản xuất của người dân vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng

Đó là một trong những mục tiêu được nêu ra trong Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XXII về về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo nghị quyết, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam sẽ nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 61%; trong đó, độ che phủ rừng tự nhiên đạt hơn 45,2%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng vào năm 2025. Giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020 (bình quân 150m3/ha/chu kỳ 10 năm); có ít nhất 20% diện tích (30.000ha) rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế.

Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Đỗ Tài cho rằng, mâu thuẫn trong quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và sản xuất) suốt thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để. Trong các nghị quyết của Tỉnh ủy gần đây về phát triển, bảo vệ rừng có đề cập quy hoạch 3 loại rừng gắn với kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Tuy vậy, bất hợp lý ở chỗ, nhiều diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, tự nhiên nhưng không có rừng.

“Quy hoạch rừng không tính toán đến việc giải quyết nương rẫy cho người dân, họ canh tác trên phần đất ổn định, lâu dài nhưng không hề hay biết đó là khu vực Nhà nước cấm tác động vào. Các cơ quan nội chính thì chỉ dựa vào hồ sơ quy hoạch để xử lý” - ông Tài nói.

Theo UBND huyện Đông Giang, đến nay địa phương đã cấp 3.384 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích gần 2.000ha.

Trong số hơn 13.000ha địa phương đã giao cho doanh nghiệp trồng cây cao su trước đây nhưng có nhiều diện tích bỏ hoang, năm 2018, huyện Đông Giang thu hồi hơn 3.000ha đất đã bàn giao cho công ty và đang tiếp tục thu hồi thêm gần 2.000ha đất.

 Trong khi đó, tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất rừng giữa hộ gia đình, cá nhân với các ban quản lý rừng, doanh nghiệp trong triển khai quy hoạch vẫn còn xảy ra ở các địa phương miền núi.

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngày 9.10.2020, UBND tỉnh đã có kế hoạch xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân nay quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Hiện nay, các địa phương, chủ rừng đang triển khai.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Miền núi có nguồn lực đất đai dồi dào, hội tụ các yếu tố để phát triển rừng trồng gỗ lớn, nâng cao năng suất rừng trồng trên đơn vị diện tích canh tác. Năm nay, theo kế hoạch 7 huyện Tây Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nông Sơn, Núi Thành và Quế Sơn đăng ký trồng 1.121,6ha rừng trồng gỗ lớn có sự hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn chưa đạt như kế hoạch đề ra do họ gặp khó khăn về thuê đất của người dân để trồng rừng. Đến nay, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam ký kết hợp đồng với 333 hộ dân trồng 710ha rừng và chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn với diện tích 1.500ha trên địa bàn các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước và Phước Sơn.

Để phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn đến, Quảng Nam chủ trương phát triển rừng trồng gỗ lớn, gắn liền với chế biến sâu rừng trồng.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn đến, Quảng Nam chủ trương phát triển rừng trồng gỗ lớn, gắn liền với chế biến sâu rừng trồng.

Để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, thời gian qua các ban quản lý rừng đã được kiện toàn, quy trách nhiệm rõ ràng, nhưng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chủ rừng là UBND xã hiện quản lý diện tích rừng tự nhiên khá lớn. Trong khi rừng trồng nhiều năm với năng suất thấp, bình quân 70 - 80m3/ha. Thêm vào đó chủng loại cây trồng lâm nghiệp đơn điệu, dễ bị thiệt hại trong mưa bão.

Đánh giá về Nghị quyết số 06, ngày 4.11.2016 của Tỉnh ủy về bảo vệ, phát triển rừng, Phó Bí thư Thường trực Lê Văn Dũng cho rằng, phát triển rừng chưa gắn kết với khâu chế biến sâu, nguồn lực đầu tư cho lâm nghiệp còn thiếu. Chất lượng rừng tự nhiên chưa đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, độ che phủ rừng chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Còn theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Từ Văn Khánh, nhiều địa phương chậm tiến độ giao đất lâm nghiệp, giao rừng tự nhiên, phân định ranh giới rừng và chậm ban hành khung giá rừng. Trong khi đó, giám sát chưa tốt giống cây trồng, xử lý thiếu triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng phát triển cây quế Trà My

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, triển khai Nghị quyết số 40 ngày 7.12.2017 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, năm 2021, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng để các địa phương vùng dự án trồng 206ha cây quế tập trung, 278ha trồng phân tán, hỗ trợ 130ha trồng xen cây, chăm sóc chuyển hóa 4ha rừng quế giống. (T.H)

Cả nước sẽ trồng mới 20.000ha rừng phòng hộ ven biển

Theo Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030” vừa được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2030, cả nước sẽ trồng mới 20.000ha rừng phòng hộ ven biển (gồm 9.800ha rừng phòng hộ ngập mặn; 10.200ha rừng trên lập địa đất, cát).

Riêng giai đoạn 2021 - 2025, trồng mới 11.000ha; trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000ha. Tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam, sẽ ưu tiên nguồn lực trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển. (T.N)

Chậm tiến độ giải ngân kinh phí bổ sung bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2021 tỉnh cấp kinh phí bổ sung cho các địa phương, đơn vị cho đạt mức hỗ trợ tối thiểu 400 nghìn đồng/ha/năm.

Theo đó, ngân sách tỉnh cấp 20,7 tỷ đồng cho 8 huyện và 2 chủ rừng gồm Vườn quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam để quản lý, bảo vệ 139.454ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay tiến độ giải ngân đạt tỷ lệ rất thấp (dưới 30%). Cá biệt các xã thuộc UBND huyện Quế Sơn chưa giải ngân kinh phí bổ sung này.

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, một số đơn vị chỉ thực hiện chi lương cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, nhưng chưa chi hỗ trợ bảo hộ lao động và chi 20% cho hợp đồng giám sát của cộng đồng dân cư thôn. (H.PHÚC)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo dỡ rào cản phát triển lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO