Tiên Phước: Hơn 40 héc ta rừng bị đốn hạ để trồng keo

PHƯƠNG LOAN 10/08/2021 14:26

(QNO) – Hơn 40 héc ta rừng được khoanh nuôi bảo vệ theo Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ tại thôn Cẩm Đông (xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước) đã bị người dân tàn phá để lấy đất trồng cây keo.

Những cây gỗ lớn tại tiểu khu 543 bị đốn hạ. Ảnh P.L
Những cây gỗ lớn tại tiểu khu 543 bị đốn hạ. Ảnh P.L

Theo phản ánh của người dân, ngày 7.8, chúng tôi đã tiếp cận tiểu khu 543 thuộc rừng khoanh nuôi bảo vệ của thôn Cẩm Đông để ghi nhận tình trạng phá rừng. Quan sát chúng tôi nhận thấy, rìa khu rừng phủ đầy cây keo cao khoảng 1m, kế tiếp là nhiều cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang.

Tại khu vực Eo Rọ và Ruộng Rồng thuộc tiểu khu 543, ước tính có hơn 2ha cây rừng mới bị đốn hạ cách đây vài ngày nằm ngổn ngang, nhựa cây vẫn còn mới. Cây gỗ chủ yếu có đường kính từ 20-40cm, nhiều cây gỗ lớn đường kính gần 0,8m. Ngoài ra, dây leo, bụi cây rậm cũng được phát dọn sạch đợi khô sẽ đốt. Tại khu vực giữa tiểu khu 543, có hơn 1ha rừng đã bị đốt cháy để chuẩn bị trồng thay thế cây keo.

Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang khắp khu rừng. Ảnh P.L
Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang khắp khu rừng. Ảnh P.L

Anh N.V.T. - một người dân địa phương cho biết, khu vực này mới bị đốn hạ khoảng một tháng trở lại đây. Khi phát hiện tình trạng phá rừng, người dân đã báo cho chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra. Nhưng không hiểu vì sao tình trạng xâm lấn rừng vẫn diễn ra thời gian dài. Đến nay, ước tính có hơn 40ha rừng đã bị người dân đốn hạ để trồng cây keo.

“Những năm trước, nguồn nước từ rừng chảy về rất dồi dào. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây rừng bị tàn phá, nguồn nước cũng cạn kiệt dần. Đến mùa nắng, người dân ở đây thiếu nước tưới và sinh hoạt nghiêm trọng. Phần lớn người dân ở đây đều có ý thức trong việc bảo vệ rừng. Nhưng có một số người bất chấp lén lút phá rừng vì lợi ích riêng. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này thì khu rừng sẽ sớm bị xóa sổ” - anh T. nói.

Rừng tại khu vực Eo Rọ bị đốn hạ. Ảnh P.L
Rừng tại khu vực Eo Rọ bị đốn hạ. Ảnh P.L

Về việc khu rừng tại Tiểu khu 543 bị tàn phá, Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm Bùi Ngọc Cẩm cho biết, năm 2018, thực hiện theo Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ, khu rừng này được khoanh nuôi bảo vệ có diện tích 86ha được UBND xã Tiên Cẩm quản lý. Sau đó, UBND xã đã giao cho 5 hộ dân bảo vệ khu rừng, nhưng công tác quản lý rừng không tốt dẫn tình trạng người dân xâm lấn khu rừng để trồng cây keo. Đến năm 2020, địa phương đo đạc lại thì diện tích khu rừng chỉ còn gần 40ha.

Nhiều diện tích rừng bị đốt cháy để chuẩn bị trồng cây keo. Ảnh P.L
Nhiều diện tích rừng bị đốt cháy để chuẩn bị trồng cây keo. Ảnh P.L

Theo Chủ tịch xã Tiên Cẩm Bùi Ngọc Cẩm, cuối năm 2020, địa phương đã cắt hợp đồng bảo vệ rừng đối với 5 hộ dân này. Mấy tháng qua, người dân lợi dụng thời điểm chính quyền địa phương tập trung phòng, chống dịch COVID-19 lén lút đốn hạ khu rừng. Ngay sau khi nhận tin báo, UBND xã đã cử lực lượng dân quân, công an xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện đi tuần tra nhưng không phát hiện ai. Hiện các lực lượng đang tiến hành theo dõi, tổ chức mật phục để bắt giữ kẻ phá rừng. Năm 2017 và 2018, địa phương có bắt2 đối tượng xử phạt về hành vi phá rừng. Cách đây 1 tuần, các lực lượng cũng bắt được vụ chở gỗ bàn giao cho lực lượng kiểm lâm huyện đang thu lý, giải quyết.

Clip ghi nhận hiện trường:

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết, tiếp nhận thông tin, huyện đã đi kiểm tra nhận thấy nhiều diện tích rừng thôn Cẩm Đông đang bị phá để lấy đất trồng cây keo. Ngày 10.8, UBND huyện sẽ có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai công tác kiểm tra, đo đạc lại diện tích rừng bị tàn phá, đồng thời đề xuất các biện pháp quản lý rừng. Để bảo vệ tài nguyên rừng về lâu dài, địa phương sẽ tiến hành cắm mốc quản lý khu rừng. Những diện tích rừng đã bị người dân xâm chiếm để trồng cây keo, địa phương sẽ quy hoạch lại, sau đó có phương án trồng các loại cây bản địa như lim xanh, sao đen, dõi… để giữ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiên Phước: Hơn 40 héc ta rừng bị đốn hạ để trồng keo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO