Triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy về bảo vệ rừng: "Chìa khóa" phát triển rừng bền vững

TRẦN HỮU 30/07/2021 06:00

Tỉnh ủy vừa tổng kết 5 năm (2016 - 2020) triển khai các nghị quyết liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng. Theo đánh giá, từ khi các nghị quyết này đi vào cuộc sống, miền núi cơ bản kiểm soát được các “điểm nóng” phá rừng, đồng thời mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho vùng Tây.

Doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ nguồn nguyên liệu rừng trồng. Ảnh: T.H
Doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ nguồn nguyên liệu rừng trồng. Ảnh: T.H

Kiểm soát được “điểm nóng” phá rừng

Hai nghị quyết của Tỉnh ủy có đề cập đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 gồm Nghị quyết 05 ngày 17.8.2016 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 06, ngày 4.11.2016 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản.

Trong giai đoạn này, nhiều cánh rừng tự nhiên thực sự đóng cửa, đồng thời mở ra cơ hội phát triển rừng trồng sản xuất chú trọng đến năng suất và giá trị kinh tế. Từ một bộ máy nhân sự cồng kềnh, đến nay lực lượng kiểm lâm và chủ rừng (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn, vườn quốc gia) đã được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn nhưng hiệu quả.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng diện tích rừng tự nhiên được các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tiếp nhận từ các ban quản lý dự án trồng rừng cấp huyện, UBND cấp xã ủy quyền để tổ chức quản lý, bảo vệ theo Nghị quyết số 46 năm 2018 của HĐND tỉnh là 73.830ha.

Trước đây, toàn bộ diện tích này chưa có chủ quản lý, cũng như phân bổ kinh phí để tổ chức giáo khoán bảo vệ. Tỉnh hỗ trợ 155 tỷ đồng đối với diện tích chuyển sang hình thức hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách có đơn giá bảo vệ rừng thấp hơn 400 nghìn đồng/ha/năm.

Giai đoạn 2019 - 2020, kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh gần 44 tỷ đồng trong số 92,2 tỷ đồng (đạt 47,4% kế hoạch) và hơn 12 tỷ đồng trồng 2.000ha rừng gỗ lớn.

Quảng Nam phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp. Ảnh: H.P
Quảng Nam phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp. Ảnh: H.P

Sở NN&PTNT cho biết, diện tích rừng trồng của 9 huyện miền núi đến cuối năm 2020 là 130.000ha. Bình quân mỗi năm khai thác 9.000ha rừng trồng tập trung và 2,2 triệu cây phân tán với tổng sản lượng hơn 854.000m3, cho doanh thu 854 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng. Để giải quyết nguồn nguyên liệu rừng trồng, đến nay có 7 nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất 500 nghìn tấn/năm; 7 nhà máy đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đánh giá, miền núi giảm nghèo phụ thuộc rất lớn vào kinh tế rừng. Trong khi đó, từ khi các nghị quyết liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng của Tỉnh ủy ban hành thì miền núi cơ bản kiểm soát được các “điểm nóng” phá rừng và rõ nhất là số vụ vi phạm lâm luật và diện tích rừng bị thiệt hại giảm rõ rệt.

Phá dỡ rào cản phát triển

 Là địa phương có thế mạnh về kinh tế rừng, nhưng 2 năm 2019 - 2020, Quảng Nam mới có 2.000ha rừng trồng gỗ lớn được hỗ trợ kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Người dân còn tâm lý dè dặt đầu tư rừng trồng gỗ lớn do thiếu vốn, trong khi chưa triển khai chính sách bảo hiểm rủi ro về rừng trồng.

Năng suất rừng trồng bình quân tăng từ 72m3/ha (năm 2016) lên 83m3/ha (năm 2020), song còn thấp so với các địa phương lân cận. Sở dĩ kinh tế rừng phát triển chậm là do nhiều năm ngành nông nghiệp loay hoay với khâu sản xuất giống đảm bảo chất lượng. Đầu tư kinh tế rừng theo chuỗi giá trị từ trồng, tiêu thụ sản phẩm gắn với chế biến sâu gần như vẫn chưa thực hiện đồng bộ.

 Tỉnh ủy đánh giá, các địa phương miền núi quản lý đất lâm nghiệp còn lỏng lẻo dẫn đến xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa các hộ gia đình, cá nhân với các chủ rừng (ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng).

Ngành lâm nghiệp chậm tham mưu ban hành khung giá rừng; giao đất lâm nghiệp, giao rừng tự nhiên đạt tỷ lệ thấp. Việc cắm mốc ranh giới ngoài thực địa còn ít ỏi; chưa xác định được ranh giới rừng tự nhiên do UBND xã quản lý.

Thực tế chưa có sự quản lý thống nhất về đất lâm nghiệp ở khu vực miền núi, do nhiệm vụ đo đạc đất rừng còn chồng chéo giữa cơ quan kiểm lâm với văn phòng đăng ký đất đai các cấp. Do vậy, điều mà các địa phương miền núi mong muốn là cần quy hoạch chi tiết khu vực trồng keo và trồng rừng gỗ lớn; chuyển hóa mạnh rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.

Theo ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang, quyết định cho sự đổi thay miền núi là phải có doanh nghiệp đầu tư. Muốn vậy, cơ chế hỗ trợ phải rút bớt thủ tục hành chính rườm rà để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh phải trực tiếp đầu tư hạ tầng cơ bản.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy về bảo vệ rừng: "Chìa khóa" phát triển rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO