Xanh thêm những cánh rừng mây

PHAN VINH 27/11/2020 08:02

Dự án “Xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu mây bền vững ở Nam Giang, gắn với phát triển chuỗi giá trị mây bền vững ở Quảng Nam” được triển khai dựa trên sự phối hợp giữa 3 bên: nhà tài trợ, doanh nghiệp và người dân đã mang lại hiệu quả tích cực cho hệ sinh thái rừng và cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Người dân đã biết chăm sóc cây mây tự nhiên, không khai thác khi mây chưa đủ chuẩn. Ảnh: PHAN VINH
Người dân đã biết chăm sóc cây mây tự nhiên, không khai thác khi mây chưa đủ chuẩn. Ảnh: PHAN VINH

Thay đổi nhận thức người dân

Năm nay, anh Bhnước Gót (thôn Cà Lai, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) mới hơn 30 tuổi nhưng đã có gần 20 năm đi rừng để kiếm thu nhập từ các hoạt động khai thác và buôn bán lâm đặc sản. “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, dù núi rừng bao la, rộng lớn nhưng nghề đi rừng bao nhiêu năm nay chẳng giúp cho cuộc sống của anh và gia đình trở nên khấm khá hơn. Giải pháp đến với Gót từ khi anh tham gia dự án “Xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu mây bền vững ở Nam Giang, gắn với phát triển chuỗi giá trị mây bền vững ở Quảng Nam” do Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lục Đông và Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp triển khai. 

Anh Gót chia sẻ, tham gia dự án, ngoài gia đình anh còn có hơn 1.000 hộ dân khác trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Tây Giang. Họ được tham dự các khóa tập huấn về cách khai thác mây tự nhiên sao cho hiệu quả và bền vững, tránh tận diệt cây mây tự nhiên, tập huấn kỹ thuật trồng mới, khai thác và bảo quản mây nguyên liệu để đảm bảo chất lượng, bán được giá cao hơn.

“Dự án hỗ trợ người dân giống mây, kinh phí trồng, chăm sóc và tuần tra bảo vệ cây mây. Mây khi khai thác xong được Công ty Lục Đông cam kết mua lại với giá cao hơn thị trường. Nếu như trước đây, các thương lái thu mua với giá 3.500 đồng/kg mây tươi, thì nay Lục Đông mua với giá 5 - 5.500 đồng. Đặc biệt, người dân sau khi tham gia các lớp tập huấn đã biết lựa cây mây tự nhiên đủ chuẩn, đủ tuổi để khai thác, không còn tình trạng thấy đâu chặt đó như trước đây. Nhờ vậy, các cây mây non có thời gian phát triển, rừng được bảo vệ tốt hơn” - anh Gót nói.

Nhân rộng diện tích mây

Theo ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lục Đông, để giảm dần áp lực lên cây mây tự nhiên, đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu, từ tháng 3.2019 đến nay, công ty cùng Dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ cộng đồng người dân ở các xã Cà Dy, Tà Pơ, Đắc Pre, La Dê (Nam Giang) và xã A Vương (Tây Giang) thông qua việc cung cấp cây giống chất lượng cao; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc để triển khai trồng mới 120ha mây dưới tán rừng tự nhiên trên diện tích rừng được giao cho các cộng đồng quản lý. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ tổ chức điều tra trữ lượng, lập kế hoạch khai thác mây bền vững trên diện tích hơn 3.000ha rừng tự nhiên ở huyện Nam Giang để hình thành vùng nguyên liệu mây phục vụ việc xin cấp phép khai thác sau này.

“Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến nguyên liệu mây gần 20 năm nay. Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, trong khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Rất may mắn, công ty được tham gia dự án này. Ngoài việc cải tạo và bảo vệ những cánh rừng mây, chúng tôi còn xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững” - ông Hiếu nói.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua thời gian triển khai, dự án “Xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu mây bền vững ở Nam Giang, gắn với phát triển chuỗi giá trị mây bền vững ở Quảng Nam” đã mang lại một số kết quả khả quan. Người dân đã tích cực tham gia và đây là tiền đề để công ty và người dân tiếp tục thực hiện sau khi dự án kết thúc bởi hướng đi này mang tính bền vững, giúp cải thiện đời sống cho người dân và ổn định được nguồn nguyên liệu cho công ty thu mua mây. Từ đó hình thành nên chuỗi giá trị khép kín từ trồng, chăm sóc, giám sát và thu mua mây. 

“Điều tôi tâm đắc nhất trong dự án này là mây tự nhiên được người dân khai thác theo đúng quy trình, không còn tình trạng như trước đây, người dân khai thác tự phát và khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Dự án còn tiếp tục trồng mây tự nhiên, nhờ đó một số hộ dân trước đây sống phụ thuộc vào rừng, thậm chí có người đi khai thác gỗ trái phép, nay cũng đã có công ăn việc làm thông qua dự án. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy và hỗ trợ những dự án ý nghĩa như thế này để bảo vệ rừng tốt hơn trong thời gian tới” - ông Hưng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xanh thêm những cánh rừng mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO