Làm nông nghiệp công nghệ cao

HOÀNG LIÊN 18/02/2018 19:41

Năm 2018 là dấu mốc để Quảng Nam triển khai đầu tư cho loại hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) từ chủ trương, chính sách. Còn trên thực tiễn, một số mô hình, giải pháp sáng tạo trẻ và tư duy dám nghĩ dám làm của nhà nông thời @ đã từng bước đặt nền móng cho những bước đi đầu tiên…

Không gian tại Groteck Café and Garden (Tam Kỳ). Ảnh:  H.LIÊN
Không gian tại Groteck Café and Garden (Tam Kỳ). Ảnh: H.LIÊN

Từ nền móng đầu tiên

Từ phong trào khởi nghiệp sáng tạo của giới trẻ đất Quảng đã manh nha xuất hiện một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đầy triển vọng. Có thể kể đến mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu tĩnh trong nhà kính tại Groteck Café and Garden (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) của Phan Gia Tâm và cộng sự. Vườn rau trong nhà kính là điểm thường xuyên lui tới của nhiều người ưa khám phá, học hỏi kinh nghiệm. Khu nhà kính có tổng diện tích 250m2 có thể điều chỉnh được ánh sáng, nhiệt độ tùy theo thời tiết, có 9 gian trồng, 5.500 gốc. Tùy theo các giai đoạn phát triển của cây mà nhân viên cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nguyễn Thị Bích Ngân, một bạn trẻ gắn bó với mô hình từ những ngày đầu, chia sẻ: “Rau thủy canh được sản xuất từ giá thể xơ dừa hoặc xốp không có đủ để cung ứng cho khách. Phát huy hết công suất, vườn rau có thể cho 5 tạ rau mỗi tháng. Giá rau thủy canh nhỉnh hơn rau thị trường song lại được ưa chuộng” - Ngân nói. Cơ sở của nhóm Tâm, Ngân vừa chuyển giao cho đối tác, mở ra bước ngoặt khởi nghiệp cho những bạn trẻ này. Ngân rời quê tiếp tục vào Đà Lạt học hỏi thêm CNC, rồi về Đà Nẵng tiếp tục theo đuổi đam mê. “Cái khó vẫn là vốn, nhất là người trẻ như tôi. Sau này có vốn, tôi sẽ áp dụng kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn tạo ra mô hình cho riêng mình” - Ngân tâm sự.

Ông Bùi Thanh Cưỡng là nông dân nhiều năm trồng rau hữu cơ tại phường Điện Ngọc, Điện Bàn. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh, ông Cưỡng chủ động mở rộng diện tích trồng rau lên tới 1,5ha, xen canh nhiều chủng loại rau củ quả. Để làm rau thương mại, không nhiều nông dân dám đầu tư hàng trăm triệu đồng đầu tư mô hình thủy canh hay trang bị hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới tự động như ông Cưỡng. Vườn rau thủy canh với diện tích khoảng 100m2 của ông vừa được lắp đặt một tháng nay đang cho lứa rau đầu tiên xanh non trên giá thể xơ dừa, xốp với đủ chủng loại mồng tơi, rau muống, cải búp, rau càng cua… Ông được Trạm Khuyến nông thị xã Điện Bàn “chọn mặt gửi vàng” khi hỗ trợ hệ thống nhà lưới sản xuất rau an toàn.

Vườn rau hữu cơ của ông Cưỡng cùng với 3 mô hình khác ở Điện Bàn sắp tới đây sẽ là “vệ tinh” của HTX Điện Ngọc trong hành trình xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch. HTX sẽ trao quyền sử dụng thương hiệu, gắn nhãn mác lên bao bì sản phẩm cho thành viên khi ra thị trường… “Làm nông bây giờ khác rồi, ngoài vốn, kinh nghiệm, cần phải có cái đầu. Cần phải thấy rằng, làm rau bẩn thì trước khi “đầu độc” người tiêu dùng, chính mình giết mình trước. Dẫu quay về với phương thức sản xuất truyền thống an toàn nhưng nhờ áp dụng máy móc, thiết bị trong làm đất, tưới tiêu, sử dụng nhà lưới, hệ thống thủy canh hồi lưu nên việc sản xuất không còn nhọc nhằn như trước” - ông Cưỡng tâm sự.

Hướng đi nào?

Trước xu thế của nền nông nghiệp hiện đại, Quảng Nam đang xác định hướng đi riêng. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, dù nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh chưa phát triển đồng bộ, song cũng đã manh nha một số mô hình, giải pháp ứng dụng CNC vào sản xuất cho hiệu quả. Thực tiễn sản xuất hạt giống lúa lai F1 trên cơ sở liên kết giữa các “nhà” cũng là một dạng ứng dụng nông nghiệp CNC của tỉnh. Hay như phong trào khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ cũng đã xuất hiện những mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng trong nông nghiệp CNC là cần có doanh nghiệp đủ tiềm lực làm “đầu tàu”. Bởi theo tính toán, chi phí đầu tư tối thiểu về cơ sở vật chất cho mỗi héc ta nông nghiệp CNC trên dưới 15 tỷ đồng là quá sức của nông dân. Song việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Quảng Nam có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp CNC tại xã Tam Phú ở hai địa điểm với tổng diện tích khoảng 130ha. Một số địa phương như Phú Ninh, Điện Bàn, Đại Lộc cũng chỉ mới quy hoạch vùng nông nghiệp CNC. Ông Lê Muộn chia sẻ thêm, nền nông nghiệp CNC của tỉnh sẽ đi theo hai hướng song song. Một hướng thiên về nông nghiệp hữu cơ tạo những dòng sản phẩm cao cấp đáp ứng yêu cầu thị trường. Hướng thứ hai là tối ưu hóa các quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm trước hiện trạng đất đai nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn lao động chuyển dịch nhiều qua các ngành nghề khác… Lĩnh vực nông nghiệp sinh thái trồng hoa, rau hữu cơ, việc đầu tư công nghệ ươm tạo nguồn giống thủy sản nước lợ chất lượng cao vốn là lĩnh vực đang được tỉnh khuyến cáo và cũng là lĩnh vực được xác định là tiềm năng.

Theo định hướng của Sở NN&PTNT, nông nghiệp CNC Quảng Nam đang đi theo hướng của Lâm Đồng. Bởi thành công của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Lâm Đồng, trong đó có Dalat GAP rất đáng để học tập. Dalat GAP chỉ với vùng sản xuất 5 - 6ha, nhưng tạo chuỗi cung ứng nông sản sạch vô cùng lớn, mỗi héc ta ước tính cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. “Trên thực tế, với nông nghiệp CNC, có thể trồng rau, củ quả trên giá thể, tận dụng tối đa diện tích nên không cần quá nhiều đất, tốn kém chi phí thuê đất. Quan trọng là vốn và công nghệ, chỉ cần giải quyết hai bài toán này, thì sẽ nắm nhiều cơ hội thành công” - ông Muộn nhấn mạnh.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO