(Xuân Tân Sửu) - Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, nhưng phải phù hợp với từng vùng đất canh tác.
"ĐỔI THAY" CÂY LÚA
Với những ruộng lúa không chủ động nước tưới hoặc canh tác kém năng suất, thời gian qua nhiều địa phương đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển sang trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Nhìn ruộng đậu phụng xanh mơn mởn trải mình dưới nắng ban mai, ông Phan Long ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi có 600m2 đất lúa nằm ven vườn nhà. Do điều kiện nước tưới khó khăn, chuột và các loại sâu bệnh thường gây hại nặng nên việc sản xuất không mang lại hiệu quả. Bình quân mỗi vụ, thửa ruộng này chỉ cho năng suất chừng 150kg lúa khô, quy ra giá trị khoảng 750 nghìn đồng. Cách đây 3 năm, tôi cải tạo ruộng và lắp đặt hệ thống máy bơm tưới để chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực. Mỗi năm tôi sản xuất được 3 vụ gồm đậu phụng đông xuân, đậu xanh xuân hè, bắp nếp hè thu, trung bình mỗi vụ thu về từ 3 – 5 triệu đồng, tùy loại cây trồng”.
Theo ông Lưu Văn Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn, do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, trong khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến việc sản xuất lúa của nông dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong vụ hè thu, hàng loạt diện tích đất lúa phải chịu cảnh bỏ hoang vì không có nước tưới hoặc nhà nông canh tác theo kiểu... cầu trời. Trước tình trạng đó, những năm gần đây chính quyền huyện Quế Sơn đẩy mạnh tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và có cơ chế hỗ trợ 50% chi phí mua giống, phân bón nhằm tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
“Theo thống kê, năm 2020 toàn huyện chuyển gần 468ha đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn. Các mô hình chuyển đổi chủ yếu là trồng ớt, đậu phụng thâm canh, đậu phụng xen sắn, rau sạch... Qua khảo sát, bình quân 1ha đất lúa chuyển đổi cho người dân mức thu nhập khoảng 85 triệu đồng, tăng ít nhất 25 triệu đồng so với gieo sạ lúa” – ông Thành nói.
Năm 2020 nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi 1.840ha đất lúa sang canh tác các loại cây trồng khác, trong đó vụ đông xuân gần 597ha và vụ hè thu hơn 1.243ha. Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn là Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên, Phú Ninh, Hiệp Đức.
Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Nhìn chung, tại nhiều nơi, việc bố trí cơ cấu cây trồng trên đất lúa chuyển đổi khá đa dạng. Ở khu vực đồng bằng - trung du, chủ yếu là sản xuất đậu phụng, bắp, đậu xanh, sắn, mè và các loại rau, dưa. Còn tại miền núi, phần lớn là trồng những loại cây dược liệu, chuối, bưởi... Có thể khẳng định, hầu hết cây trồng của các mô hình chuyển đổi đều cho năng suất cao và lợi nhuận tăng từ 20 - 30% so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, các ngành, các cấp cần tích cực phối hợp nghiên cứu, lựa chọn hướng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp nhằm chủ động thích ứng. Thời gian tới, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương phải tập trung rà soát hiện trạng sản xuất lúa ở từng vùng, khu vực. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch cụ thể để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Việc chuyển đổi cần chú trọng theo hướng mở rộng sản xuất cây rau thực phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ và phải gắn với thực hiện cơ giới hóa...
MỞ LỐI ĐI BỀN VỮNG
Trăn trở của nông dân khu vực bán đô thị và ven đô là quỹ đất sản xuất ngày càng thu hẹp vì phục vụ nhu cầu phát triển thương mại - dịch vụ. Do vậy, chọn một lối đi cho “thu nhập bền vững” là câu trả lời dễ thấy nhưng khó thực hiện.
Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại các địa phương là 4.025,2ha. Trong đó diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 2.893,7ha, sang trồng cây lâu năm là 835,4ha, sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hơn 296ha.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành trồng trọt của tỉnh có đầy đủ thế mạnh để phát triển từ cây lương thực, cây ăn trái, cây dược liệu nhưng vẫn chưa hình thành được sản phẩm chủ lực. Thời gian qua, việc sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn ở diện hẹp, ở mức thăm dò, manh mún. Nhiều nông sản thực hiện chuyển đổi vẫn còn chật vật với đầu ra.
Bà Nguyễn Thị Sương - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết: “Sắp tới trước khi xây dựng mỗi phương án chuyển đổi cây trồng, chúng tôi đều sẽ tính toán nhằm giúp sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài, qua đó đảm bảo chuyển đổi diện tích nào thì hiệu quả diện tích đó”.
Chuyển đổi cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích sản xuất là giải pháp chung, nên với bối cảnh quỹ đất hạn hẹp ở khu vực bán đô thị, ven đô Điện Bàn, Hội An cần có lối đi phù hợp.
Đơn cử, 227ha đất nông nghiệp tại phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) ven triền sông Cổ Cò hiện nằm trong quy hoạch phục vụ phát triển đô thị và đang “lơ lửng” chờ ngày chuyển đổi. Quỹ đất để tái phát triển nông nghiệp đô thị tại đây cũng như khu vực lân cận cần được cân nhắc bởi việc chuyển đổi từ lúa năng suất thấp sang rau củ, măng tây, hoa cây cảnh vài năm gần đây đã chứng minh được hiệu quả nhất định. Rồi đây, những dòng sông đầy tiềm năng khác như Trường Giang, Vĩnh Điện nếu được khơi thông, sẽ làm tăng tốc quá trình đô thị hóa và khiến diện tích sản xuất nông nghiệp màu mỡ bị thu hẹp.
Vùng cát Thanh Hà, Cẩm Hà ở TP.Hội An qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm sản xuất, hiện là vựa quật của miền Trung với diện tích gần 100ha. Thu nhập mang lại từ cây quật cảnh đã giúp nhiều nông dân địa phương khấm khá với giá trị bình quân hơn 200 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, thời gian qua giá trị thu được từ việc canh tác cây quật cảnh trên địa bàn thành phố rất lớn, tuy nhiên mô hình sản xuất thì chưa thực sự bền vững.
“Về lâu dài thành phố sẽ lựa chọn một giải pháp khác với cây quật. Trước mắt, địa phương sẽ vận động một số hộ dân kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành thí điểm một vài khu vực, tạo ra vùng nguyên liệu sạch từ cây quật để chế biến trà dược liệu, nước uống… từ cây quật. Câu chuyện này nếu khả thi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thời gian đầu, giá trị kinh tế mang lại chắc chắn sẽ không bằng với việc trồng quật cảnh đơn thuần như hiện tại nhưng trong dài hạn việc chuyển đổi này sẽ giúp cân bằng cả kinh tế, môi trường và sức khỏe” - ông Nguyễn Thế Hùng nói.