Vào thời điểm này, nhiều cơ sở sửa chữa tàu cá trên địa bàn tỉnh lại sôi động bởi ngư dân đồng loạt đưa tàu đi “làm nước” trong lúc chờ mùa biển mới. Nghề “làm nước” đem lại thu nhập cao cho chủ cơ sở và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Tàu đến “làm nước” tại cơ sở sửa chữa tàu cá của gia đình ông Lê Văn Lưu.Ảnh: Q.VIỆT |
Cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền của Công ty TNHH Trường Thành (xã Tam Quang, Núi Thành) vào những ngày này sôi động hẳn. Tranh thủ thời gian biển động, nhiều ngư dân đã đưa tàu đến đây để “tân trang” lại. Tại đây ken đặc tàu cá lên đà để “làm nước”. Đứng bên chiếc tàu QNa-90479 có công suất 240CV sắp sửa hoàn chỉnh của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) chia sẻ: “Con tàu này vươn khơi được 10 năm rồi. Đã cũ kỹ mà còn bị nhiều cơn bão trong thời gian qua “quất” liên tục nên đã hỏng hóc nhiều chỗ. Để có những chuyến ra khơi an toàn trong mùa biển mới, tôi đóng lại ca bin, tu bổ thân tàu, “cân” lại máy và thay chân vịt... hết khoảng 150 triệu đồng” - ông Dũng nói.
Cũng tại khu vực dành riêng để đóng mới và sửa chữa tàu cá của Công ty TNHH Trường Thành, chiếc tàu QNa-90398 có công suất 450CV của gia đình ông Đỗ Văn Tuấn (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) vừa được sửa chữa xong vào đầu tháng này. Ông Tuấn cho biết: “Vừa qua bão “tấn công” con tàu dữ dội quá. Gió to, sóng lớn đã làm hỏng hoàn toàn 2 chân vịt. Sửa chữa lại chiếc tàu này, gia đình chúng tôi phải đầu tư hơn 100 triệu đồng. Vào thời điểm làm ăn khó khăn như hiện tại, xoay xở tiền cũng khó nhưng chúng tôi phải chuẩn tốt để khai thác hiệu quả vụ cá nam sắp đến”.
Không khí lao động tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền của ông Lê Văn Lưu (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) vào những ngày này cũng rất tất bật. Tại đây, các hệ thống đường ray lăn hay còn gọi là triền đà đều chất đầy những con tàu cần sửa chữa. Gần 100 lao động quần quật với các công đoạn róc vỏ tàu, đóng ca bin, gắn chân vịt, chỉnh sửa mũi tàu. Anh Nguyễn Thành Vinh (thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa), lao động tại đây từ hơn 5 năm qua cho biết, thu nhập của thợ sửa tàu khoảng 250 nghìn đồng/ngày với thợ mộc. “Từ đầu mùa biển động đến nay, các tàu bị hỏng tập trung về khá đông. Nghề “làm nước” không lúc nào được thảnh thơi, đặc biệt mùa này thì làm không hết việc. Vất vả nhưng nhờ thu nhập tương đối nên anh em đều cố gắng làm việc”.
Sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã “kéo” theo một nghề khác cũng đem lại thu nhập tương đối cao cho người dân là nghề làm xảm. Để xảm tàu thuyền, thợ phải dùng đục to bảng để đưa xơ tre hoặc cước ni lông vào khe hở của hai tấm ván trên thân tàu. Anh Hồ Văn Ninh, một thợ xảm tại cơ xưởng sửa chữa tàu thuyền của gia đình ông Lê Văn Lưu, cho biết: “Công việc xảm tàu thuyền đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ. Thợ xảm càng kỹ lưỡng thì tàu thuyền càng lâu bị vô nước, kéo dài tuổi thọ. Công việc này không dễ, lại ít người theo nên chúng tôi được trả công tương đối cao là 300 nghìn đồng/ngày. Thời điểm này nhiều việc nên chúng tôi tranh thủ thời gian, có khi làm cả ban đêm”.
Mỗi mùa “làm nước” đem lại cho gia đình ông Lưu thu nhập vài trăm triệu đồng. Ông cho biết: “Mỗi tàu khi được kéo lên triền đà là chúng tôi đã thu được 1 triệu đồng rồi. Sau khi lên đà, chủ tàu ký hợp đồng sửa chữa với chúng tôi tùy theo mức độ hư hỏng của con tàu. Gia đình chúng tôi nhận sửa tàu rồi gọi thợ để làm. Mỗi con tàu được sửa xong, gia đình thu được thêm vài triệu đồng nữa. Năm nay bão dồn dập, tàu bị hỏng nhiều nên công việc ở đây rất tất bật, thu nhập cũng cao hơn hẳn mọi năm”. Ngoài việc sửa tàu tại cơ sở của mình, gia đình ông Lưu còn bán phụ tùng, các vật dụng cần thiết để sửa chữa tàu thuyền như ốc vít, bu lông, sơn… Việc buôn bán này cũng đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
NGUYỄN QUANG VIỆT