(QNO) - Giá năng lượng, hàng hóa và dịch vụ đang tăng chóng mặt tại Anh. Tỷ lệ lạm phát tại nước này đạt 9% vào tháng 4.2022, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Anh dẫn đầu bảng xếp hạng lạm phát G-7
Các nhà kinh tế dự báo, tỷ lệ lạm phát tại Anh cao nhất trong G-7 (nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ), kéo dài từ nay đến năm 2024.
Theo phân tích của tạp chí tài chính - Financial Times, giá năng lượng, kết hợp điện, khí đốt và nhiên liệu đường bộ góp 3,5 điểm phần trăm vào tỷ lệ lạm phát 9% của Anh trong tháng 4, tương tự ở Đức và Italia. Các hàng hóa và dịch vụ khác đóng góp 5,5 điểm phần trăm, tương tự như ở Mỹ và Canada.
Điều này cho thấy, Anh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của giá năng lượng tăng khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, chi tiêu của người tiêu dùng vượt xa khả năng đáp ứng nhu cầu của các công ty, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm lạm phát.
Trong tháng 4 vừa qua, Anh đứng đầu bảng xếp hạng lạm phát trong nhóm G-7 khi mức giá trần năng lượng tăng 54%, đẩy tỷ lệ lạm phát giá năng lượng hàng năm, bao gồm cả xăng dầu, lên 52%, cao hơn tất cả nước G-7 khác.
Các quốc gia khác, như Pháp đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc tăng hóa đơn năng lượng các hộ gia đình trong khi Mỹ, Canada và Nhật Bản - do tự cung tự cấp khí đốt hoặc phụ thuộc ít hơn nhiều vào sản xuất điện so với nhiều nước châu Âu - không bị tăng giá chóng mặt.
Cạnh đó, ông Ben Nabarro - nhà kinh tế học tại Citigroup cho biết, kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm bù đắp cho các hộ gia đình do chi phí sinh hoạt tăng cao làm tăng nguy cơ lạm phát kéo dài ở nước này.
Người tiêu dùng Anh dè dặt chi tiêu
Theo cuộc khảo sát do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 10.6, gần 80% người trưởng thành ở Anh cảm thấy lo lắng về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và 68% cho biết phải giảm chi tiêu những thứ không thiết yếu do chi phí sinh hoạt tăng.
Một cuộc khảo sát khác của ONS ở những người trên 16 tuổi thì 9/10 số người được hỏi cho biết chi phí sinh hoạt của họ tăng mạnh, với 52% trong số đó nói rằng họ đang sử dụng ít nhiên liệu hơn như gas và điện ở nhà và gần một nửa kiềm chế chi tiêu cho thực phẩm cũng như giảm các chuyến đi không thiết yếu.
Ông José Carvalho - người đứng đầu bộ phận sản phẩm tiêu dùng tại công ty chuyên điều hành dịch vụ tài chính trên toàn thế Barclaycard (Anh) nói: “Sự thắt chặt chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng rõ ràng đến thói quen chi tiêu của nhiều người, với các số liệu cho thấy sự sụt giảm trong số lượng đăng ký và sự sụt giảm chi tiêu tại các nhà hàng, quán bar, quán rượu và câu lạc bộ...”.