Cùng với các sự kiện nóng, các bài phóng sự, điều tra độc lập hoặc theo đơn thư bạn đọc, theo đường dây nóng trên Báo Quảng Nam luôn chiếm sự quan tâm đặc biệt của độc giả.
Các nhà báo tác nghiệp tại hiện trường một vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh.Ảnh: N.H |
Ngoài vất vả thường thấy, phóng viên mảng này luôn đối diện hiểm nguy rình rập. Là người “có nghề” điều tra và có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này, nhà báo Ngọc Trân chia sẻ:
Phóng sự điều tra là một thể loại được bạn trẻ muốn vào nghề báo yêu thích. Các trường hoặc khoa báo chí luôn đầy ắp sinh viên háo hức với ước vọng khám phá ra tham nhũng, tiêu cực và tội phạm. Hẳn họ cũng thường nghĩ đến ánh hào quang toát ra từ những giải thưởng báo chí cùng sự hâm mộ của độc giả và kính trọng của đồng nghiệp sau này.
PV: Thưa nhà báo Ngọc Trân, ông có thể chia sẻ vài “tuyệt chiêu” để phóng viên thực hiện một điều tra độc lập?
Nhà báo Ngọc Trân: Khó quá! (cười)
Tuyệt chiêu thì không có. Nhiều chiêu rải mành mành thì có.
Trước hết bạn phải “kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn”; có thừa can đảm. Và chắc chắn, cần chấp nhận hệ lụy của bài báo.
Phóng viên không được nản lòng và không nên hài lòng với những câu trả lời nửa vời. Và phải kiên nhẫn cả với người mình phỏng vấn. Nhiều khi phải đến cuộc gặp thứ ba, nguồn tin mới tiết lộ thông tin nào đó hữu ích.
Và nên chú ý luôn chịu khó lắng nghe, ngay cả khi nhận thấy những gì mình nghe không ích lợi cho lắm, bởi biết đâu chúng lại hữu dụng về sau.
PV: Có rất nhiều rủi ro có thể xảy đến với phóng viên. Để tự bảo vệ mình, phóng viên điều tra phải trang bị những kỹ năng nào, thưa ông?
Nhà báo Ngọc Trân là cố vấn biên tập tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Ông từng làm việc cho báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn; tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille và thực tập ở nhật báo Ouest France. Ông từng được Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh trao giải nhất Phóng sự - Điều tra. |
Nhà báo Ngọc Trân: Khi thực hiện phóng sự điều tra, phóng viên có thể bị hành hung hoặc đe dọa đến tính mạng; có thể bị kiện ra tòa và vào tù. Tôi lấy vài ví dụ để bạn thấy nhé:
Trong phóng sự điều tra về “xe cướp”, một tác giả cho biết:
“…Đen tát vào mặt đồng nghiệp cùng đi 10 cái, đe dọa: “ĐM. tụi mày giỡn mặt tao hả, không móc tiền trả tao đá chết mẹ tụi mày”.
“Sau màn tra lấy sạch tiền của chúng tôi, Đen yêu cầu chúng tôi đưa điện thoại bẻ thẻ nhớ, thẻ SIM và móc khóa... vứt xuống đường. Ngoài cướp tiền, nhóm này còn cướp luôn một điện thoại di động trước khi đẩy chúng tôi xuống đường cao tốc trong tình cảnh trắng tay”.
Một phóng viên ở Florida đoạt giải Pulitzer nhờ thành tích phục vụ cộng đồng nhớ lại, trong khi tiến hành điều tra, điện thoại nhà anh thường xuyên đổ chuông vào giữa đêm khuya. Khi vợ anh nhấc máy, tất cả những gì bà nghe được từ đầu dây bên kia là tiếng súng lách cách lên đạn.
Một phóng viên điều tra của Mỹ cho biết: “Phải thú nhận rằng tôi đã nhiều lần cảm thấy sợ hãi trong thời gian điều tra. Tôi vẫn cẩn thận kéo hết rèm cửa vào ban đêm, một thói quen đã hình thành mỗi khi mọi việc trở nên nóng bỏng”.
Ngay những phóng sự điều tra kỹ lưỡng, cẩn thận nhất cũng có thể gây tổn thương cho người liên quan. Vì vậy phóng viên phải “sống” được với hệ lụy của quá trình tác nghiệp.
Nhiều năm trước đây, một tờ báo Việt Nam cũng từng đăng một loạt bài phóng sự điều tra có kết cục đau buồn. Nó bị cho là đã gây ra cái chết của con gái một sĩ quan công an - nghi là người bao che một quán bia ôm (cô con gái đó đã tự tử vì xấu hổ). Theo nhà báo Quang Hùng, nhìn chung loạt bài đó viết chính xác, phóng viên đã điều tra một cách công phu. Và vụ tự tử “là một việc xảy ra ngoài ý muốn và ngoài dự liệu của tất cả mọi người”.
Vì vậy, khi làm điều tra, phóng viên có càng nhiều nguồn tin về vấn đề mình quan tâm càng tốt (có thể nhờ đồng nghiệp hiểu chuyện giới thiệu).
Đương nhiên, cần đọc rất nhiều tư liệu về vấn đề liên quan (nhiều khi do nguồn tin cung cấp). Không hiếm trường hợp, thực hiện phóng sự điều tra đồng nghĩa với việc tra cứu tài liệu tẻ nhạt và đều đều. Phóng viên phải làm việc như nhà nghiên cứu hoặc công an điều tra, mất hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để đọc đủ các loại văn bản với hy vọng tìm ra sự liên kết của những chứng cứ, hoặc thông tin “kim cương” ẩn giấu trong những tài liệu đầy bụi bặm ít được chú ý.
Và xác minh kỹ, không thể hấp tấp.
Để tự bảo vệ mình, phóng viên nên... học võ (cười!). Quảng Nam có rất nhiều thầy võ giỏi “võ ta”; có thể ít người biết. Lại thường bị lầm lẫn: võ ta, tức võ Kinh, là từ Huế và Quảng Nam, không phải gốc Bình Định. Về mặt công khai thì Tam Kỳ còn có đạo đường “Việt võ đạo Quảng Nam” mà!
Là phóng viên điều tra thì phải… điều tra cho ra.
Phóng viên cũng cần học luật để tránh những cái bẫy liên quan pháp lý mà đôi khi mình vô tình rơi vào (do không nắm vững luật pháp).
Nhà báo không thể đứng ngoài vòng cương tỏa của pháp luật. Phóng viên cũng sẽ giành được lợi thế khi viết phóng sự điều tra nếu hiểu luật cùng thủ tục hành chánh.
Hồi tháng 3.2013, cảnh sát Anh đã bắt giữ bốn nhà báo của Mirror Group Newspapers. Họ bị tình nghi chủ mưu nghe lén điện thoại của một loạt cá nhân trong quá trình tác nghiệp.
Tại Việt Nam một số phóng viên điều tra từng gặp rắc rối - có người vào tù - vì bị cho là phạm luật.
Và chắc chắn rồi, khi điều tra, thì phải được lãnh đạo tờ báo “chống lưng”.
PV: Khi nhập vai để làm điều tra một vụ việc nào đó, ranh giới giữa đạo đức nghề nghiệp và quy định của pháp luật dễ bị nhập nhằng, ông nhận định về điều này như thế nào?
Nhà báo Ngọc Trân: Nói chung, nên hạn chế nhập vai, tránh lạm dụng. Nếu nhập vai thì phải nói rõ lý do với lãnh đạo đơn vị trước khi thực hiện. Trong trường hợp, ví dụ không còn cách nào khác thì mới nhập vai.
Tôi nhớ giáo sư báo chí John C. Merrill có nói, đại ý rằng: “Một bộ quy định về đạo đức treo trên tường không có ý nghĩa gì nhiều; một bộ quy định đạo đức nội tại, nằm trong người của nhà báo và hướng dẫn soi đường cho hành động của anh/ chị ta mới có ý nghĩa”. Bạn nên nhớ kỹ điều này.
Đường vào phóng sự điều tra Đây là cuốn sách tiếp theo của nhà báo Ngọc Trân ra mắt bạn đọc ngay trong dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 này. Sách dày 200 trang, do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. Phần 1: Săn tin gồm các bước mà một phóng viên điều tra phải thực hiện như hiểu rõ nghề, tìm đề tài, tìm nguồn tin, tìm tài liệu, tìm qua mạng, hỏi người biết chuyện. Phần 2: Viết lách - là những kỹ thuật viết của một bài phóng sự điều tra. Cứ sau mỗi chương là các bài đọc thêm, như những ví dụ để người đọc dễ hiểu và áp dụng. Nhà báo Ngọc Trân cho biết: “Hiện giờ ở Việt Nam chưa có nhiều sách về báo chí, đặc biệt là sách về phóng sự điều tra, một thể loại mà bất cứ bạn trẻ nào muốn vào nghề báo hoặc đã hành nghề báo chí đều yêu thích. Vì vậy chúng tôi biên soạn cuốn sách này, mong góp một viên đá nhỏ vào việc xây dựng nền móng cho việc đào tạo nhà báo, nhất là nhà báo điều tra”. Cùng với những cuốn đã xuất bản: Khám phá nghề biên tập; Kinh tế học ồ quá dễ!; Viết tin, bài đăng báo; Thuật viết lách từ A đến Z; cuốn Đường vào phóng sự điều tra sẽ trang bị thêm cho người làm báo những kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình tác nghiệp. |
PHAN HOÀNG (thực hiện)