Làm quen với nông nghiệp hữu cơ

VĂN SỰ - LÊ QUÂN 29/07/2018 09:07

Liệu dải đất Nam Trung Bộ có đủ điều kiện để hình thành và phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trong tương lai? Những thách thức gì đang đợi nông dân khi tiến đến nền sản xuất được cho là ưu việt này? Một diễn đàn đầu tiên của cả nước hướng đến việc sản xuất NNHC, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu đã mở ra nhiều chiều kích để hiểu được vấn đề này.

Chuyển đổi từ nông nghiệp hóa chất sang nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu.Ảnh: VĂN LÊ
Chuyển đổi từ nông nghiệp hóa chất sang nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu.Ảnh: VĂN LÊ

ĐI TÌM KHÁI NIỆM

Nhiều nông dân, thậm chí chính quyền địa phương vẫn loay hoay để đi tìm khái niệm về NNHC. Trong khi đó, đất Trung Bộ được nhìn nhận là vùng chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu trong tương lai, rất cần tính toán áp dụng các phương thức sản xuất tiến bộ…

Vì sao chọn NNHC?

Quảng Nam được nhìn nhận là địa phương đang có sự phát triển mạnh của dòng nông sản sạch, như: các mô hình rau hữu cơ Thanh Đông, Trà Quế tại Hội An; rau hữu cơ Điện Phương, gạo hữu cơ, an toàn Phong Thử - Điện Bàn; gạo đen theo hướng hữu cơ - HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý - Thăng Bình; rau VietGAP, an toàn Mỹ Hưng tại Bình Triều - Thăng Bình; rau an toàn Bàu Tròn - Đại An, gạo an toàn Ái Nghĩa - Đại Lộc... Các chuỗi sản phẩm an toàn, hữu cơ: đậu phụng, bò, rau của Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang - Điện Bàn, trong đó chuỗi sản phẩm đậu phụng đã gắn với việc xây dựng thành công thương hiệu “Dầu phụng Đất Quảng”. Các loại cây bản địa như giống ớt A Riêu ở  Đông Giang, chăn nuôi heo bản địa, ngan địa phương ở vùng miền núi. Nuôi ghép tôm sú với cá dìa kết hợp trồng rong câu chỉ vàng tại Hội An, Núi Thành, trồng rong nho, rong câu chỉ vàng tại Núi Thành...

Nhiều chuyên gia nông nghiệp tại Diễn đàn về “Phát triển NNHC, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa diễn ra, cho biết, xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. PGS-TS. Lê Văn Hưng (Hiệp hội NNHC Việt Nam) chia sẻ: “NNHC là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, cân bằng hệ sinh thái con người, thích nghi với điều kiện địa phương. Không sử dụng vật tư đầu vào có hại như thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, hóa chất tổng hợp, sinh vật biến đổi gen; kết hợp canh tác truyền thống với đổi mới khoa học công nghệ có lợi cho môi trường, thúc đẩy các mối quan hệ, chất lượng cuộc sống con người và các bên có liên quan”. Theo ông, NNHC dựa trên các nguyên tắc hỗ trợ của hệ sinh thái bền vững, sự cân bằng của môi trường sống với việc duy trì đa dạng sinh học, thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe, nhu cầu của con người lẫn vật nuôi. Tuy nhiên, trước những áp lực về sản lượng, giải quyết bài toán kinh tế, thu nhập cho người sản xuất đã làm cho quá trình phát triển nền NNHC gặp không ít khó khăn. Do đó, để NNHC có cơ hội phát triển hơn nữa, các mắt xích trong chuỗi sản xuất đều phải dần hoàn thiện mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Trong khi đó, với thổ nhưỡng và khí hậu như vùng duyên hải Nam Trung Bộ - hiện tại và tương lai sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, điều kiện về đất đai không được màu mỡ như những địa phương khác nên sản xuất nông nghiệp tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là điều cần thiết. “Đây là một lý do để nông dân khu vực này nên tiếp cận và lựa chọn sản xuất NNHC, nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu” - TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết. Theo ông Khởi, đó cũng là lý do khi trung tâm này chọn khu vực Nam Trung Bộ để tổ chức diễn đàn đầu tiên về vấn đề sản xuất NNHC. Với rất nhiều cơ hội được nêu ra để đưa NNHC phát triển, từ việc ký kết hiệp định TPP của Việt Nam, nhận thức chung của xã hội, người tiêu dùng về thực phẩm không an toàn đã tăng cao, dẫn đến nhu cầu về sản phẩm an toàn, chất lượng ngày càng cao, rõ nét nhất là việc Quốc hội thông qua Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo điều kiện thuận lợi cho các nông sản sạch mở rộng thị trường.

“Đánh cược” để đi đường dài

Thực tế, những năm qua, các tỉnh Nam Trung Bộ đã có nhiều mô hình nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình rau hữu cơ Thanh Đông tại Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam); mô hình sản xuất lúa, nếp theo hướng hữu cơ ở Đà Nẵng; dự án xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Quảng Ngãi; mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI tại Bình Định hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học ở Phú Yên... “Mặc dù vậy, các mô hình này vẫn chỉ đạt được tính hiệu quả ở phạm vi nhỏ so với một nền nông nghiệp đa dạng của vùng. Bên cạnh đó, khái niệm về sản xuất NNHC chưa được phổ biến với nhiều bà con nông dân nên các sản phẩm sản xuất ra nhiều khi còn gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ dẫn đến các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp e ngại trong việc đầu tư xây dựng mô hình. Để thay đổi nhận thức và hướng tới sản xuất nông nghiệp theo quy mô nông hộ hoặc tổ hợp tác sản xuất NNHC bền vững và hiệu quả thì cần sự vào cuộc của rất nhiều các ban ngành từ Trung ương tới địa phương” - TS. Trần Văn Khởi cho biết thêm.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch được trưng bày tại một cuộc hội thảo chuyên đề mới đây.Ảnh: VĂN LÊ
Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch được trưng bày tại một cuộc hội thảo chuyên đề mới đây.Ảnh: VĂN LÊ

Tuy khái niệm về NNHC càng ngày càng tiệm cận với ngành nông nghiệp, nhưng không phải người nông dân nào cũng có thể thay đổi tư duy sản xuất của mình. Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân sản xuất tại Phú Yên, trao đổi trong Diễn đàn chuyên đề của Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Tam Kỳ, cho biết, thách thức không phải ở quá trình sản xuất mà từ khâu tiêu thụ. “Làm cách nào để người dân tin tưởng sản phẩm đó là nông sản từ NNHC? Ngành nông nghiệp có cách nào để kiểm tra về dư lượng hóa chất của nông sản?” - ông Hòa nêu thắc mắc. Trong khi đó, sản xuất theo quy trình hữu cơ, thì người nông dân phải chấp nhận chịu “lỗ vốn” ở giai đoạn 2 - 3 năm đầu tiên, trong quá trình chờ để đất phục hồi. “Sản xuất hữu cơ năng suất không bằng kiểu làm lâu nay, sản lượng ít, đầu ra tiêu thụ không ổn định. Cộng thêm muốn sản xuất theo đúng quy trình thì buộc chúng tôi phải có hạ tầng tốt, vốn lớn” - một nông dân của huyện Đại Lộc chia sẻ.

Tràn đầy kỳ vọng về một nền nông nghiệp an toàn trong tương lai, ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, Quảng Nam trong vài năm gần đây đã có nhiều tín hiệu vui thông qua sự thành lập của nhiều mô hình sản xuất NNHC. “Khi khoa học công nghệ đủ điều kiện thì ngành nông nghiệp buộc phải đi theo hướng hiện đại, bởi diện tích đất nông nghiệp đang giảm đáng kể. Càng tiến gần đến thời 4.0 thì phải làm sao để thoát khỏi tư duy canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để điều hành quy trình sản xuất” - ông Nghi nói.

Nền NNHC Việt Nam đã khởi đầu. Nhưng hẳn, để có những bước đi chắc chắn, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính sách, thị trường… để vượt qua những thách thức không hề nhỏ.

LỰA CHỌN GIẢI PHÁP

Khá nhiều phần việc phải làm – cũng được xem như các giải pháp để thúc đẩy sản xuất hữu cơ phát triển trong tương lai…

Nông dân làng rau quả hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An) thu hoạch sản phẩm.Ảnh: VĂN LÊ
Nông dân làng rau quả hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An) thu hoạch sản phẩm.Ảnh: VĂN LÊ

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Nam xác định đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. “Ngành nông nghiệp xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ chuỗi và sản phẩm an toàn có xác nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Muộn nói. Hỗ trợ duy trì, xây dựng mới các chuỗi và kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là bước đi tiếp theo để hỗ trợ người dân chuyển dần sang nền sản xuất NNHC của Quảng Nam. Một bản thỏa thuận hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn giữa ngành nông nghiệp Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã được ký kết, và đây sẽ là kênh thị trường chính yếu của các chuỗi nông sản an toàn đã có.

PGS-TS. Lê Văn Hưng (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam) cho rằng, việc gắn kết và lồng ghép chủ trương phát triển NNHC với chương trình phát triển nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững, như thông qua các chính sách về ruộng đất, quy hoạch các ưu tiên trong đầu tư sản xuất hữu cơ là điều cần phải được thực hiện. “Một trong những khó khăn mà sản xuất NNHC ở các địa phương trong vùng đang gặp phải là vấn đề về các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp sạch, NNHC chưa có văn bản hoàn thiện. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một tổ chức nào đứng ra để thẩm định và chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng về hữu cơ. Điều này khiến các sản phẩm sản xuất ra khó được đón nhận, tin tưởng và giá thành cũng không tương xứng với quy trình sản xuất. Trong thời gian tới, chắc chắn Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện những cơ chế, chính sách để nhanh chóng đưa sản phẩm được chứng nhận NNHC vào sản xuất” - ông Hưng chia sẻ thêm.

Cùng với những giải pháp mang tính lâu dài, ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức những mô hình để chứng tỏ rằng việc sản xuất NNHC cần có sự tổ chức chặt chẽ và chứng nhận sản phẩm. Khi đó giá thành và hiệu quả kinh tế mới cao. “Chúng tôi sẽ kiến nghị với Cục Trồng trọt để nhanh chóng xây dựng và ban hành những thông tư hướng dẫn thực thi cho tổ chức thứ 3 đưa ra những tiêu chuẩn công nhận sản phẩm đạt NNHC cũng như chứng nhận sản phẩm đạt VietGAP. Cũng như sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản sạch, hữu cơ” - ông Khởi nói thêm.

Người tiêu dùng có thể kỳ vọng về một thị trường nông sản sạch cũng như một nền NNHC phát triển bền vững trong tương lai gần…

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC

Thay đổi được tư duy của nông dân chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện phát triển nền NNHC. Khá nhiều khoảng trống từ chính sách đến thị trường cần phải được nhìn nhận để đưa NNHC đi đường dài…

Lỗ hổng

Dù đã có các mô hình nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận, nhưng bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP. Hội An nhìn nhận, đối với sản xuất NNHC tại Hội An, trở ngại lớn nhất là tư tưởng của người nông dân. Theo bà Vân, trong một sớm một chiều, nhà nông khó có thể chấp nhận thay đổi tập quán canh tác từ việc sản xuất chủ yếu dựa vào phân và thuốc hóa học sang dùng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Khi chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ, trong giai đoạn đầu (khoảng 6 - 12 tháng) thu nhập của người nông dân giảm sút đáng kể do năng suất, sản lượng giảm, mẫu mã sản phẩm không đẹp, khó canh tác... nên người nông dân rất dễ nản chí. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm bù một phần thu nhập cho nhà nông trong thời gian này. Cộng thêm hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp đang dần cạn kiệt về nguồn dinh dưỡng, do nông dân khai thác quá mức, lại thiếu bổ sung các nguồn dinh dưỡng tự nhiên, đất không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo thì việc bắt tay vào sản xuất hữu cơ ngay lập tức là điều không thể.

Bên cạnh đó, hiện nay nguồn cung ứng giống hữu cơ còn thiếu hụt, mức độ cung ứng ra thị trường còn thấp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hữu cơ đã phải chủ động nhập khẩu giống mới đảm bảo quy trình. Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn cho hay, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, ngay sau khi thành lập (tháng 1.2017) đơn vị đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của địa phương triển khai sản xuất lúa hữu cơ thương phẩm tại thôn Đông Hòa thuộc xã Điện Thọ. Từ thành công bước đầu của mô hình thí điểm với diện tích 3ha, đến nay công ty đã mở rộng quy mô sản xuất lúa hữu cơ lên 20ha/năm. “Trong vụ đông xuân và hè thu năm ngoái, đơn vị chúng tôi tổ chức sản xuất 20ha lúa hữu cơ và tổng sản lượng đạt được là 120 tấn. Với mức sản lượng đó, chúng tôi đã tiến hành chế biến, đóng gói và đưa ra thị trường Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… tiêu thụ hơn 80 tấn gạo hữu cơ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với công ty là việc đăng ký, chứng nhận sản xuất lúa gạo hữu cơ chưa được thực hiện do hiện giờ Việt Nam chưa có tổ chức đủ năng lực chứng nhận độc lập về sản phẩm hữu cơ. Vừa rồi, chúng tôi có nhờ một tư vấn nước ngoài hỗ trợ việc đăng ký chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ Phong Thử theo tiêu chuẩn quốc tế thì họ yêu cầu công ty hàng năm phải chi ra 90 triệu đồng để thực hiện khâu này. Nói thật, với khoản tiền đó, chúng tôi có bán hết gạo cũng không đủ” – ông Thiện chia sẻ.

Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật tư NNHC như phân hữu cơ, nguồn vi sinh hợp chuẩn quốc tế chưa được chú trọng, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Không những vậy, ngành NNHC trong nước vẫn còn yếu về khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến để đảm bảo nguồn dinh dưỡng sản phẩm ổn định, chưa áp dụng được nhiều công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất. Tại nhiều địa phương tham gia sản xuất hữu cơ, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nghiêm trọng. Bởi đây là phương thức sản xuất chỉ thuận theo tự nhiên, hài hòa với các yếu tố tự nhiên, tạo cân bằng hệ sinh thái và môi trường sống, nên mức an toàn cho cánh đồng và trang trại hữu cơ được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, vẫn còn có nhiều cánh đồng hữu cơ thiếu vùng đệm cách ly với vùng sản xuất bên ngoài.

Vướng… khâu xúc tiến thương mại

Ở một góc độ khác, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, hầu như doanh nghiệp nào cũng mong muốn có thể tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản sạch, nông sản hữu cơ. “Thế nhưng, cái vướng lớn nhất của doanh nghiệp khởi đầu là tiềm lực kém, nguồn vốn không đủ lớn, khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi lại khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp gửi hồ sơ vay vốn nhiều lần nhưng vẫn không được xét duyệt. Từ đó làm cho các doanh nghiệp nhỏ trở nên e dè hơn trong hướng đi này” - bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ. Trong khi ngành nông nghiệp Quảng Nam đã thành công với một số mô hình NNHC, nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục đối diện với hàng loạt khó khăn… Ông Nguyễn Văn Quang – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, thời gian qua tại địa phương chưa có mô hình NNHC và hiện nay quy trình sản xuất này vẫn còn rất mơ hồ đối với nông dân, thậm chí là cả đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở cơ sở. Theo ông Quang, cái khó lớn nhất của Đại Lộc là hiện giờ chưa xây dựng được một quy hoạch bài bản về sản xuất NNHC nên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều lúng túng trong việc triển khai thực hiện mô hình. Điều đáng quan ngại, Đại Lộc thường xuyên hứng chịu những đợt bão lũ, vì thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc liên kết tổ chức sản xuất các loại sản phẩm NNHC giữa nhà nông với các doanh nghiệp. Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi của địa phương phần lớn theo phương thức nhỏ lẻ trong nông hộ nên việc hướng dẫn xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn dịch bệnh và kiểm soát chất lượng sản phẩm là chuyện rất khó.

Trong sản xuất NNHC và nông sản sạch, vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp là hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) nhìn nhận, ngoài việc đảm nhận khâu hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung ứng các loại vật tư đầu vào thì các hợp tác xã được xác định là cầu nối để nhà nông và doanh nghiệp liên kết sản xuất theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ông Thành cho rằng, mặc dù những năm qua các cấp, các ngành đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển nhưng thực tế cho thấy việc tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh là điều không dễ. Trong khi đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cũng chưa được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm hỗ trợ đúng mức. “Năm 2016 đơn vị chúng tôi tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến dầu phụng sạch mang thương hiệu Đất Quảng. Thời gian qua, sản phẩm dầu phụng Đất Quảng đã được đưa ra thị trường tiêu thụ và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của hợp tác xã là thiếu vốn mở rộng sản xuất và quảng bá sản phẩm. Nói về chuyện quảng bá sản phẩm, tôi nêu ra một nghịch lý là, lâu nay có rất nhiều hội chợ quy mô lớn được tổ chức ở khu vực nông thôn nhưng hầu hết gian hàng đều là hàng hóa ở các địa phương khác tới. Trong khi đó, không gian dành cho việc trưng bày, giới thiệu những loại nông sản sạch của địa phương thì tuyệt nhiên không thấy”.

VĂN SỰ - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm quen với nông nghiệp hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO