Làm rõ cuộc đấu tranh của lòng dân

LÊ DIỄM 22/09/2016 08:43

Ngày 20.9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Huyện ủy Tiên Phước tổ chức hội thảo khoa học “Cuộc đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước năm 1954”. Hội thảo nhằm khẳng định ý nghĩa của cuộc đấu tranh Cây Cốc và đi đến thống nhất một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là thời gian diễn ra vụ thảm sát trong cuộc đấu tranh.

Quang cảnh hội thảo “Cuộc đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước năm 1954” . Ảnh: D.L
Quang cảnh hội thảo “Cuộc đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước năm 1954” . Ảnh: D.L

Ngay từ đề dẫn hội thảo, ông Đoàn Ngọc Thi - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, cuộc đấu tranh Cây Cốc diễn ra đã cách đây 62 năm, nên việc nhìn nhận và đánh giá đầy đủ là điều không đơn giản. Trong khi tư liệu về sự kiện này rất ít, nhân chứng trực tiếp không còn nhiều và tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn; những nhân chứng khác thì là gián tiếp hoặc nghe kể. Hội thảo lần này nhằm tiếp tục sưu tầm, tập hợp tư liệu lịch sử về quá trình diễn ra cuộc đấu tranh, khẳng định và làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của sự kiện, làm rõ những ý kiến khác nhau, chủ yếu là về thời gian diễn ra cuộc đấu tranh, số người bị sát hại và chức danh của đồng chí Nguyễn Thông. Qua đây cũng nhằm ghi nhận những giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích lịch sử liên quan đến sự kiện đấu tranh Cây Cốc phục vụ công tác giáo dục truyền thống. Về thời gian xảy ra vụ thảm sát, trong cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tiên Thọ ghi ngày 1.10.1954; cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước trước đây cũng ghi ngày 1.10.1954, nhưng khi tái bản vào tháng 9.2014 lại ghi ngày 29.9.1954, dựa theo các nhân chứng lịch sử và truyền thống cúng giỗ của nhân dân; cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng cũng ghi ngày 1.10.1954.

Nghiêng về ngày 29.9.1954

Theo ông Nguyễn Thành - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, cuộc thảm sát Cây Cốc diễn ra vào ngày 29.9.1954. Ông Thành khẳng định rằng vào ngày 27.9.1954, đích thân tên Ngô Ngọc Hường dẫn lính đến nhà bắt đồng chí Nguyễn Thông (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính xã Tiên Thọ) về cơ quan tiểu đoàn tại nhà y để tra tấn, đánh đập và khai thác. Được tin, các đồng chí Nguyễn Quốc, Thái Châu (được phân công đứng điểm chỉ đạo tại xã Tiên Thọ) đã chỉ đạo các chi bộ bí mật của xã huy động quần chúng tại chỗ kéo đến đấu tranh, đòi địch thi thành điều 14C của Hiệp định Giơnevơ. Trước sức ép của quần chúng, đến ngày 28.9.1954 thì chúng thả đồng chí Nguyễn Thông. Nhưng sau đó chúng tiếp tục bắt đồng chí Nguyễn Thông, nên hàng nghìn người dân Tiên Thọ kéo đến đấu tranh. Ông Thành kể lại diễn biến sự kiện: “Trong thời điểm đó, Huyện ủy bí mật của chúng tôi, trong đó có tôi đang họp ở nhà đồng chí Hồ Cột (thôn 4, Tiên Lập, nay là xã Tiên Lộc) và nhận được báo cáo hỏa tốc về cuộc đấu tranh. Huyện ủy ngay lập tức thảo luận, thống nhất nhanh chóng hướng dẫn nhân dân giải tán và tiến hành đấu tranh bằng hình thức khác nhằm tránh tổn thất. Tôi và đồng chí Hồ Cột được phân công đến Tiên Thọ chỉ đạo thực hiện chủ trương của Huyện ủy, nhanh chóng tiếp cận nhân dân. Lúc này trời đã tối, hàng nghìn người dân có mặt tại Cây Cốc, mỗi người trên tay cầm cây đèn gió, nhân dân tại chỗ đem cơm nước, dầu lửa để trước sân tiếp tế đoàn người, khí thế bừng bừng. Còn địch thì bố trí binh lính nằm chung quanh vườn tên Ngô Ngọc Hường. Đến 1 giờ sáng 29.9.1954 nhân dân giải tán, chúng tôi về báo cáo vụ việc. Nhưng đến 9 giờ sáng 29.9.1954 thì Huyện ủy lại nhận được tin nhân dân tiếp tục đấu tranh, lúc này còn có thêm nhân dân xã Tam Dân (Tam Kỳ), Tiên Phong, Tiên Lập. Chúng tôi lại trở ra Tiên Thọ, lính bộ binh liên tục nã súng vào nhân dân, đồng chí Hồ Cột bị thương, đồng chí Bùi Phụng là cán bộ Huyện đội Tiên Phước anh dũng hy sinh tại chỗ khi chống lại bọn địch; nhân dân dùng dao, rựa chống lại địch đều bị chúng thảm sát”.

Trong số 25 tham luận gửi tham gia hội thảo, về thời điểm xảy ra vụ thảm sát trong cuộc đấu tranh, có 4 ý kiến dẫn chứng cho rằng xảy ra vào ngày 1.10.1954; có 1 ý kiến cho rằng vào ngày 30.9.1954; còn phần lớn nghiêng về ngày 29.9.1954. Về số người bị sát hại, có ý kiến định lượng khoảng hơn 300 người, có ý kiến cho rằng gần 400 người, nhưng cũng có ý kiến khẳng định là 330 người, thậm chí nêu cả số lẻ khi cho rằng có 317 người. Ban tổ chức hội thảo cho biết, vấn đề này sẽ được trình và xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thống nhất chọn đúng ngày kỷ niệm Cuộc đấu tranh Cây Cốc.

Ông Trần Phú Xuân - nguyên Bí thư Đảng bộ xã Tiên Thọ, nhân chứng trong vụ thảm sát khẳng định cuộc đấu tranh Cây Cốc bắt đầu vào ngày 1.9 âm lịch, tức 27.9.1954, kéo dài đến ngày 29.9.1954. “Lúc đó, nhân dân đấu tranh không chỉ là người dân Tiên Phước mà còn có người Quảng Ngãi đi buôn bán, người từ Tam Kỳ lên, từ Quế Sơn đến. Một rừng người đèn đuốc sáng rực, đêm 28.9 mọi người thức trắng. Đến 29.9.1954 lực lượng càng đông hơn. Cũng ngay trong sáng 29.9.1954, địch hoảng sợ trước khí thế đấu tranh hừng hực của nhân dân nên nã súng vào đám đông, gây nên cuộc thảm sát. Tiếp 2 ngày sau đó địch không cho người nào từ ngoài vào để đưa người chết, người bị thương ra. Chúng bắt người khỏe mạnh dùng xe bò chở người chết, cả người bị thương đổ xuống các giao thông hào, hầm trú ẩn lấp lại, rồi cả người đi chôn cũng bị thủ tiêu. Hơn 300 người đã ngã xuống tại Cây Cốc. Khoảng 30 người đi khiêng chạy thoát được thì bị bắt lại, bị giam ở nhà lao Quảng Tín” - ông Xuân kể. Ông Phạm Đường - một nhân chứng khác cũng khẳng định cuộc thảm sát diễn ra vào ngày 29.9.1954.

Bài học cho hôm nay và mai sau

Đã hơn 60 năm trôi qua, vụ thảm sát đẫm máu tại Cây Cốc vẫn luôn đặt ra những bài học lịch sử vô cùng quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, vận động nhân dân. Theo ông Nguyễn Thành, những bài học từ cuộc thảm sát Cây Cốc có giá trị ngay cả trong thời hiện đại. Ông Thành nói: “Bài học thứ nhất là về đánh giá kẻ thù, chúng ta đã không đánh giá hết được bản chất âm mưu của Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm lúc đó, mà tin vào Hiệp định Giơnevơ sẽ được thi hành nghiêm túc. Thứ hai là việc chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chỉ nói một chiều, nói nhiều về thắng lợi và thuận lợi mà ít nói về khó khăn thách thức, về mặt bội ước của kẻ địch. Thứ ba về công tác xây dựng Đảng hiện nay khi cán bộ, đảng viên không được thử thách trong khói lửa chiến tranh. Thứ tư là cần phải luôn nắm vững bạo lực cách mạng, cả bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang, trong đó bạo lực vũ trang có tính quyết định”.

Ông Dương Văn Xuân - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước cho rằng, mặc dù Huyện ủy Tiên Phước đã kịp thời chỉ đạo với phương châm đấu tranh “có lý, có lợi, có chừng mực, khi đã đạt được mục tiêu đấu tranh thì phải dừng lại để bảo toàn lực lượng”, nhưng với khí thế ngút trời và sức mạnh của lòng yêu nước thì Huyện ủy đã không thể ngăn được. Quy mô của cuộc đấu tranh đã vượt qua khoảng cách địa lý, khẳng định sức mạnh của lòng dân là vô cùng to lớn, cuộc đấu tranh mang tầm vóc lịch sử vô cùng quan trọng đòi bọn địch phải thi hành nghiêm túc Hiệp định Giơnevơ. Nhiều đại biểu tham gia hội thảo cũng khẳng định, cuộc đấu tranh Cây Cốc là đỉnh điểm của lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân Tiên Phước nói riêng và người dân yêu nước nói chung. Một cuộc đấu tranh giữa nhân dân yêu nước, yêu chuộng hòa bình chỉ dùng lời lẽ để đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ với một bên là bọn tay sai khát máu dùng súng ống thay lời lẽ. Cuộc đấu tranh Cây Cốc từ đó mà xứng đáng trở thành một biểu tượng của tinh thần yêu nước, của nhân dân yêu chuộng hòa bình. Còn theo nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước - Lưu Văn Chính, cuộc đấu tranh Cây Cốc đặt ra bài học trong thời hiện đại là phải biết địch biết ta thì mới lãnh đạo được nhân dân đấu tranh đúng theo con đường cách mạng có lợi cho ta. Sự chỉ đạo của ta trong cuộc đấu tranh Cây Cốc đã gặp lúng túng. Từ đó rút ra bài học: cần biết được thế trận lòng dân để lãnh đạo, chỉ đạo mọi công tác sát đúng hơn trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Với ý nghĩa to lớn của cuộc đấu tranh Cây Cốc, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - Hường Văn Minh khẳng định, sẽ xây dựng Khu tưởng niệm Cuộc đấu tranh Cây Cốc thay cho một tượng đài đơn điệu, không xứng tầm như hiện nay. Và điều đáng quan tâm là dưới chân Tượng đài Cây Cốc vẫn còn rất nhiều hài cốt của đồng bào, đồng chí chưa được khai quật, đó cũng là trăn trở của bao thế hệ cán bộ, nhân dân Tiên Phước trong hơn 60 năm sau cuộc đấu tranh và hơn 40 năm giải phóng quê hương. Vì thế dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Tiên Phước sẽ kiến nghị công nhận di tích Cuộc đấu tranh Cây Cốc được là di tích cấp quốc gia, xây dựng di tích Cuộc đấu tranh Cây Cốc thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm rõ cuộc đấu tranh của lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO