Nhà nước và cử tri

Làm rõ trách nhiệm quản lý và giải pháp kiểm soát mua bán thực phẩm chức năng

VĂN HIẾU 11/11/2024 21:33

(QNO) - Chiều 11/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế.

image005.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn chiều 11/11. Ảnh: V.HIẾU

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn với 4 nhóm vấn đề: (1) Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng chống dịch bệnh sau thiên tai; (2) Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám chữa bệnh; (3) Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; (4) Công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua Bộ Y tế tham mưu, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành, xây dựng các dự án luật trình Quốc hội; xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các chiến lược, chương trình, quy hoạch... định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn tới, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Bộ trưởng nêu rõ, bộ đã dần tháo gỡ nhiều vấn đề cụ thể như: tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; mua sắm đấu thầu thuốc, vắc xin, vật tư y tế, bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế,…

Bên cạnh đó, bộ cũng quyết liệt chỉ đạo việc cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Qua đó giảm phiền hà, tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp, nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế.

image003.jpg
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: V.HIẾU

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, ngành y tế xác định còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiêm túc, thẳng thắn và cầu thị, Bộ Y tế trân trọng lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề của ngành được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho biết, với tâm lý thực phẩm chức năng bổ dưỡng, không có tác dụng phụ, được giới thiệu là hàng xách tay, người tiêu dùng không tiếc tiền chi cho các sản phẩm ấy. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp trong thời gian tới để kiểm soát việc mua bán các sản phẩm này.​

image001.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: V.HIẾU

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc quản lý thị trường thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, “thực phẩm chức năng xách tay” là từ được sử dụng bởi người tiêu dùng, chỉ các sản phẩm nhập khẩu do người đi nước ngoài mang về. Trong các văn bản pháp quy hiện không có khái niệm này.

Khi các thực phẩm chức năng mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý. Nhưng nếu các thực phẩm đó được mang ra buôn bán, thì điều kiện để kinh doanh thực phẩm chức năng là phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm, sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng, hoặc bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Bộ trưởng khẳng định, nếu đã bán hàng thì phải đáp ứng được đầy đủ các quy định liên quan tới đăng ký, công bố sản phẩm. Bán hàng với các sản phẩm không có công bố này là vi phạm pháp luật.

Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định của pháp luật về quảng cáo, sản phẩm quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm.

Phân tích nguyên nhân của hiện trạng này, Bộ trưởng cho rằng do mức lợi nhuận khiến một số người bất chấp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có nhu cầu dùng hàng xách tay, cho rằng hàng xách tay tốt hơn hàng nhập khẩu. Khi điều kiện kinh tế - xã hội tăng lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn cũng khiến con người có nhu cầu sử dụng loại mặt hàng này. Một nguyên nhân khác là việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường kiểm soát việc bán hàng trên thị trường; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn.

Bộ Y tế cùng các bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện các sai phạm, theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, bộ cũng có cách thức xử lý. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm rõ trách nhiệm quản lý và giải pháp kiểm soát mua bán thực phẩm chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO