Ở Khoản 2, Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) quy định: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Tuy nhiên, để cho điều luật này có tính thực tiễn cao, nhiều ý kiến góp ý đề nghị nên hiến định cụ thể hơn sự giám sát của nhân dân với Đảng.
Để dân giám sát Đảng
Theo tổng hợp chưa đầy đủ của HĐND tỉnh, thời gian qua, riêng Điều 4 trong Dự thảo đã có 56 ý kiến góp ý. Điều 4 thu hút số lượng lớn ý kiến đóng góp với nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất việc khẳng định sự bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Và những ý kiến góp ý cho Điều 4 được đánh giá là có nhiều điểm mới hơn so với một số địa phương khác.
Ông Nguyễn Bá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị phải làm rõ hơn sự giám sát của nhân dân đối với Đảng. Ảnh: VINH ANH |
Với khoản 2, Điều 4, nhiều ý kiến cho rằng nội dung còn chung chung, chưa nêu được cơ chế cụ thể để nhân dân giám sát Đảng và Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân như thế nào, tới đâu? Do vậy, một số ý kiến đề nghị nên bổ sung vào Khoản 2 cụm từ “và trước pháp luật” sau cụm từ “trước nhân dân”. Bởi, chịu trách nhiệm “trước nhân dân”, chịu sự giám sát của nhân dân thì cũng mới chỉ ở mức độ hình thức chứ khi chịu trách nhiệm “trước pháp luật” thì lúc đó mới là cái cụ thể, có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Do đó các ý kiến đề nghị ở Khoản 2 nên viết lại hoàn chỉnh như sau: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước pháp luật về những quyết định của mình”.
Góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị phải làm rõ hơn sự giám sát của nhân dân đối với Đảng. Ông Nghĩa thắc mắc: “Mặc dù Hiến định đã nói lên sự giám sát của nhân dân đối với Đảng nhưng trong Dự thảo lại không thấy một chỗ nào nói cụ thể về sự giám sát là như thế nào, ra sao? Cứ nói là “chịu sự giám sát” nhưng lại không cụ thể ở phần nào, điều khoản nào hết thì hiệu quả sẽ không cao và cũng chỉ mang tính chất chung chung thôi”.
Luật hóa sự lãnh đạo của Đảng
Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. |
Ngoài ra, tại Khoản 3 của Điều 4 có những ý kiến đề nghị thay cụm từ “Hiến pháp và pháp luật” bằng cụm từ “pháp luật quy định”. Ông Thái Nguyên Đại - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp, đánh giá nội dung góp ý kiến như trên khá mới mẻ, tiến bộ và ý nghĩa. Bởi, nói pháp luật nói chung thì trong đó có Hiến pháp. Hàm ý của nhiều ý kiến góp ý ở đây tức là nếu Hiến pháp ban hành theo hướng đó thì sẽ luật hóa các quy định của Đảng, luật hóa sự lãnh đạo của Đảng. Tức là phải ban hành các luật, các cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội như thế nào. Nếu như vậy ý này sẽ có lợi cho Đảng. Bởi, nếu như luật hóa được sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ chính danh, tức là khẳng định sự lãnh đạo của Đảng bằng một đạo luật cụ thể chứ không chỉ bằng Hiến pháp. Thứ hai, trong luật đó quy định các giới hạn Đảng lãnh đạo như thế nào và Nhà nước quản lý như thế nào cho nên sẽ tạo ra ranh giới, không có sự “lấn sân”.
Theo ông Đại, luật hóa sẽ ngăn chặn được việc lạm dụng sự lãnh đạo của Đảng để chỉ đạo hoặc tác động dẫn đến nói không đúng hướng, không phù hợp tạo sự bất cập cho bộ máy chính quyền hoặc hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp. Ông Đại lấy ví dụ, đối với hoạt động xét xử, tòa án là phải tuân theo luật, nhưng bên cạnh đó đôi khi còn phải tuân theo sự “chỉ đạo”, theo “điện thoại” của ai đó. Điều này, nếu như có pháp luật can thiệp mới mong chấm dứt được. Do đó việc luật hóa sự lãnh đạo của Đảng chỉ có lợi, minh bạch hóa và hạn chế sự lãnh đạo của Đảng ở những chỗ lãnh đạo, chỉ đạo không đúng của một số đảng viên, hoặc các tổ chức đảng.
VINH ANH