Làm sạch đáy biển

QUỐC TUẤN - MINH QUÂN 14/03/2021 07:44

Một câu chuyện nghe khá viễn vông nhưng đã diễn ra tại vùng biển Cù Lao Chàm (TP.Hội An) vào những ngày đầu tháng 3 này: làm sạch đáy biển. Dọn vệ sinh đáy biển góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên vô cùng đa dạng ở vùng lõi Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Quảng Nam cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng đại diện của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng doanh nghiệp địa phương về hành trình cần mẫn để giữ môi trường sống trong lành cho động thực vật và nhất là các quần thể san hô quý giá tại đây.

Phân loại, tổng hợp số liệu rác thải được đưa lên từ dưới đáy biển Cù Lao Chàm. Ảnh: T.Q
Phân loại, tổng hợp số liệu rác thải được đưa lên từ dưới đáy biển Cù Lao Chàm. Ảnh: T.Q

* Xin ông cho biết về mục đích của việc dọn vệ sinh đáy biển Cù Lao Chàm vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

- Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Trong khoảng hai năm qua, chúng tôi từng phối hợp tổ chức thu gom rác thải hoặc lặn vớt sao biển nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện tổng thể việc đo đạc hệ sinh thái và thu gom rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy như dây cước, lưới xốp… đặc biệt là loài sao biển tại các rạn san hô, thảm thực vật… dưới đáy biển. Qua đó góp phần tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho hệ sinh thái biển trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm. Đó cũng là một giải pháp tốt giúp các loại thủy hải sản khác cùng phát triển.

* Vì sao phải chú trọng thu gom loài sao biển gai, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Vũ: Loài sao biển gai (tên khoa học là Acanthaster planci) có thể gọi là kẻ thù của san hô. Bởi chúng ăn polyp của san hô cứng và tàn phá san hô rất nhanh. Nó là loài sao biển lớn thứ nhì thế giới sau loài sao biển hoa hướng dương. Sao biển gai thường sinh sản mạnh trong điều kiện nhiệt độ nước ẩm. Ấu trùng sao biển gai trôi nổi trong vòng từ hai đến bốn tuần trước khi lắng xuống các rạn san hô rồi phát triển hoàn chỉnh và ăn tảo trên san hô. Sau khoảng 6 tháng, sao biển gai bắt đầu ăn polyp san hô.

Mỗi con sao biển có khi ăn hết lượng san hô bằng với đường kính cơ thể của nó chỉ trong một đêm. Loài sinh vật gây hại đến san hô này rất độc, gai của nó rất cứng, mang nọc độc có thể đâm xuyên qua đế giày. Nếu không cẩn thận khi bắt, một chiếc gai của chúng rụng xuống cũng có thể hình thành một cá thể khác. Do số lượng thức ăn của loài sao biển gai (chủ yếu là ốc tù và) hầu như không được tìm thấy trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nên việc thu bắt và tiêu hủy sao biển gai được xem như phương pháp tối ưu góp phần bảo vệ các rạn san hô tại đây.  

* Kết quả đáng kể nào từ các chuyến làm sạch môi trường biển thời gian qua?

- Ông Nguyễn Văn Vũ: Từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã triển khai 4 đợt giám sát rác thải bãi biển tại các bãi biển theo bộ công cụ hướng dẫn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và dọn vệ sinh trên các vùng rạn san hô: Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Xếp và Bãi Bấc. Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện hằng năm nhằm thu dọn vệ sinh trên các rạn san hô và bãi biển, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương góp phần bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học. 

Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, thường xuyên ra quân để làm sạch môi trường biển trong khu dự trữ sinh quyển nên sao biển gai ở vùng biển Cù Lao Chàm hiện nay không còn nhiều. Một số rạn san hô bị suy thoái có dấu hiệu phục hồi tốt. Có được kết quả này phải kể đến sự đồng hành đáng kể của người dân địa phương và một số doanh nghiệp du lịch hoạt động tại Cù Lao Chàm. 

Bảo vệ môi trường biển tại Khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là một trong các chiến lược dành nhiều sự quan tâm của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông qua các hoạt động: truyền thông nâng cao nhận thức, tập huấn phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải nhà bếp, dọn dẹp vệ sinh bãi biển… trong đó đặc biệt là giám sát rác thải bãi biển và dọn vệ sinh đáy biển. 

Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhận được hỗ trợ từ Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) để triển khai các hoạt động giám sát nêu trên với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải tự nhiên và đại dương.

Đồng hành vì môi trường

* Ông có thể chia sẻ lý do vì sao đơn vị tham gia chương trình này?

Ông Trần Ngọc Vũ - đại diện Công ty Diving Sao Việt Cù Lao Chàm.
Ông Trần Ngọc Vũ - đại diện Công ty Diving Sao Việt Cù Lao Chàm.

- Ông Trần Ngọc Vũ - Đại diện công ty Diving Sao Việt Cù Lao Chàm: Chúng tôi với vai trò là một đơn vị làm du lịch gắn với xã đảo Tân Hiệp từ lâu nên tự nhận thấy cần phải tham gia những chương trình ý nghĩa như thế này, nhất là khi sản phẩm du lịch của chúng tôi cũng gắn liền với môi trường biển Cù Lao Chàm. Chỉ khi môi trường biển Cù Lao Chàm mà cụ thể là các rạn san hô ở đây còn trong lành, rực rỡ thì dịch vụ mà đơn vị cung cấp cho du khách mới được đón nhận. Ngoài ra, chúng tôi cũng cảm thấy thích thú với mỗi lần lặn biển như vậy bởi được tận mắt khám phá sự sống độc đáo, vẻ đẹp hiếm có dưới đáy biển. 

Thực tế, những năm qua nhân viên đơn vị cũng thường xuyên tham gia vào các chương trình thu gom rác hoặc lặn vớt sao biển định kỳ khoảng mỗi tháng một lần, trừ mùa mưa. Kể cả trong quá trình hướng dẫn khách tham quan san hô dưới đáy biển, nhân viên của đơn vị cũng rất có ý thức trong việc thu gom rác thải nếu phát hiện. Bản thân tôi từng trực tiếp tham gia và nhận thấy sự thay đổi tích cực của môi trường biển khu vực này từ khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng như người dân và doanh nghiệp. 

* Khó khăn nào gặp phải trong quá trình thực hiện dọn dẹp đáy biển không, thưa ông?

- Ông Trần Ngọc Vũ: Việc dọn dẹp đáy biển đòi hỏi người tham gia phải có sức khỏe tốt để lặn sâu từ 2 đến 8 mét và sâu nhất vào khoảng 10m. Vì vậy nếu người bình thường không có kỹ năng bơi lặn tốt sẽ khó có thể ở lâu dưới đáy biển để thực hiện việc thu dọn. Ngoài ra, để tham gia được các chuyến thu dọn cũng đòi hỏi một số kỹ năng cần thiết khác dưới môi trường nước nên thông thường chỉ có những người đã có nhiều kinh nghiệm về lặn biển mới có thể hoàn thành tốt công việc. 

* Liệu có thể phát triển lặn ngắm san hô kết hợp dọn sạch đáy biển thành một sản phẩm du lịch xanh trong tương lai không, thưa ông? 

- Ông Trần Ngọc Vũ: Tôi e là khó. Nhất là với thị trường khách nội địa. Qua nhiều năm cung cấp dịch vụ lặn ngắm san hô thì gần như tất cả khách trong nước đều chỉ thích lặn ngắm vẻ đẹp của san hô thôi. Thậm chí một số khách cũng chỉ đi cho biết chứ không đủ thời gian hoặc sức khỏe để ở lâu dưới biển. Còn với khách nước ngoài thì đó có thể là ý tưởng hay, tiềm năng. Mấy năm trước khi chưa có dịch bệnh, một số khách nước ngoài khi tham gia tour ngắm san hô của chúng tôi còn chủ động đề xuất được dọn dẹp vệ sinh dưới đáy biển. Họ cũng rất cẩn thận hỏi chúng tôi là có vớt cái này được không, thu gom thứ kia được không; tuy nhiên mọi thứ cũng mới ở việc tự phát lẻ tẻ đến từ ý thức cao của du khách chứ chúng tôi cũng chưa thực sự chuẩn bị sẵn sàng cho tour du lịch kiểu này. Nếu phát triển được sản phẩm này trong tương lai thì đó cũng là một giải pháp để kéo dài thời gian tour tuyến, kéo khách ở lại qua đêm tại Cù Lao Chàm. 

* Xin cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm sạch đáy biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO