Trên đồng ruộng, cây mai dương và những chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi sau khi sử dụng là những tác nhân phá hoại thầm lặng mùa màng, sinh vật, do vậy, chiến dịch làm cho môi trường sản xuất nông nghiệp sạch hơn, bền vững hơn được triển khai sâu rộng ở nhiều địa phương.
Thanh niên ra quân diệt cây mai dương tại Đại Lộc. Ảnh: H.CƯỜNG |
Diệt tận gốc
Cuối tháng 9, đồng loạt các địa phương trong tỉnh huy động nhiều cán bộ, lực lượng thanh niên, phụ nữ, hội nông dân… đồng loạt ra quân diệt cây mai dương. Đây là loại cây lấn chiếm diện tích canh tác, làm suy giảm chất lượng đất, gây hiện tượng bạc màu. Đặc điểm cây này dễ sinh trưởng, lan rộng nhanh vào mùa mưa. Theo kinh nghiệm của nông dân, việc hủy diệt cây mai dương nên triển khai vào lúc trước mùa mưa lũ và nên chặt sát gốc, đào lấy tận rễ rồi đốt để không cho hạt nảy mầm và cây tái sinh. Ngành nông nghiệp tỉnh thống kê, mỗi năm cây mai dương đã xâm lấn hàng trăm héc ta đất sản xuất ở các bãi đất nà, kênh mương, sông suối hay mọc ở bờ ruộng. Tại cánh đồng Thọ Khương (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) và dọc khu vực ven Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, cuối tuần qua, hơn 300 cán bộ, thanh niên, lực lượng nông dân trên địa bàn huyện và xã Tam Hiệp đã ra quân diệt cây mai dương ẩn sống trong các lùm cây, bờ ruộng. Với phương châm “thấy đâu diệt đó”, chỉ trong ngày đầu ra quân, nhiều bờ ruộng trên cánh đồng Thọ Khương đã “xóa sổ” loài mai dương.
Tại các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc… ngày hội ra quân diệt cây mai dương diễn ra rộng khắp trên các kênh mương thủy lợi, đất bỏ hoang không sản xuất, lề đường và cả khu đô thị. “Thủ phủ” của cây mai dương tập trung nhiều trong tỉnh là dọc ven sông Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Điện Bàn. Sau mùa lũ, đất đai được phù sa, loại cây này phát triển và lan rất nhanh, lấn vào ruộng sản xuất. Nhiều nông dân cho biết, một khi cây mai dương đã thành đám rừng âm u thì không cách nào sản xuất lúa, hoa màu được. Những đám ruộng bị cây xâm lấn ở mật độ dày rất khó diệt tận gốc vì hạt của nó rụng tràn lan xuống đất, hút hết chất dinh dưỡng của hoa màu, cây trái. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên- môi trường) thì, trong khuôn khổ chương trình làm cho thế giới sạch hơn, năm nay, ngành quán triệt, phát động kêu gọi các địa phương khẩn cấp bảo vệ môi trường sản xuất trồng trọt bằng cách diệt tận gốc cây mai dương thông qua các phương pháp thủ công chặt đón đến sử dụng thuốc diệt cỏ. Điều quan trọng, chính quyền địa phương đã xem sự tồn tại của của loại cây này là “thảm họa” nên hưởng ứng chiến lược rất sôi nổi.
Kiểm soát “rác độc”
Tình trạng sử dụng và vứt các chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện trên ruộng đồng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Trước đây, các vùng nông thôn trong tỉnh, nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường tùy tiện vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, thậm chí có người còn sử dụng lại những chai lọ này để đựng thực phẩm, nước uống. Một số chất độc hại do cặn thuốc từ vỏ chai, bao bì thải ra đồng ruộng, kênh mương, phát tán đi nhiều nơi, nhiễm vào đất đai, mạch nước ngầm, nước sinh hoạt... nên sẽ hủy diệt sự sống của một số loài sinh vật hữu ích. Nan giải chung của công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn là nhiều nơi thiếu đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, các địa phương rất quan tâm đến tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường khi xây dựng mô hình nông thôn mới. Điển hình, tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên), hầu như trên đồng đất sản xuất của các thôn đều xây dựng thùng đựng rác thải kiên cố. Chức năng sử dụng chính của công trình này chủ yếu là tiếp nhận ban đầu về các chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật. Hằng tháng, bộ phận chức năng sẽ đến từng cánh đồng trung chuyển rác về nơi xử lý đảm bảo môi trường. Vì vậy, “rác độc” đã được kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, tại xã miền núi Quế Bình (Hiệp Đức), chính quyền đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây dựng các bể thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Hiện gần 40 bể đúc bê tông làm chỗ chứa “rác độc” đã được đặt ở các vị trí thuận lợi trên các cánh đồng của xã. Theo ngành nông nghiệp, chỉ tính riêng lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân 80- 90 kg/ha, riêng cho lúa là từ 150-180 kg/ha, đã làm phát sinh thêm nhiều loại bao bì, túi đựng. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm thì sẽ thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại là bao bì, vỏ hộp thuốc các loại. Thực tế, các địa phương đã khắc phục tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng bằng cách xây dựng các bể thu gom rác thải nhưng vẫn còn rất hạn chế. Thậm chí, một số nơi, do không có kinh phí đầu tư nên bể chứa rác không đạt tiêu chuẩn nên rác thải vẫn gây ô nhiễm ra bên ngoài. Theo ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên- môi trường, triển khai Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quảng Nam đã có nhiều đột phá trong kiểm soát ô nhiễm môi trường bằng việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải tại các khu công nghiệp, triển khai được đề án xử lý rác thải khu vực nông thôn. Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014 là tiếp tục bảo vệ môi trường ở khu dân cư, đồng ruộng bằng cách diệt tận gốc rễ cây mai dương và xây bể chứa thuốc bảo vệ thực vật.
TRẦN HỮU