(QNO) - Sáng 27.1, UBND huyện Nông Sơn phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức tọa đàm khoa học về Khu căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc (xã Quế Lộc). Tọa đàm thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ, nhà quản lý, nhà khoa học, các sở ngành trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Tọa đàm nhằm làm sáng tỏ vai trò, vị trí của Khu căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc đối với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và lịch sử Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung; hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ý nghĩa lịch sử của khu căn cứ; vai trò của Nguyễn Duy Hiệu với việc xây dựng căn cứ. Tọa đàm cũng cung cấp một số tư liệu lịch sử, tư liệu Hán Nôm về căn cứ, đóng góp cho quá trình nghiên cứu về di tích.
Theo nhiều ý kiến tại tọa đàm, năm 1885, phong trào Cần Vương bùng lên mạnh mẽ, Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập do tiến sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ. Các nghĩa binh đã thực hiện nhiều đợt tấn công vào quân Pháp và quân của triều đình. Tháng 12.1885, triều đình Đồng Khánh đã bàn bạc với quân Pháp hòng tấn công vào căn cứ sơn phòng ở Quảng Nam, nhằm tiêu diệt đầu não chỉ huy của cuộc kháng chiến.
Ngày 13.12.1885, tiến sĩ Trần Văn Dư bị Pháp bắt và xử bắn, Nghĩa hội Quảng Nam cử Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên làm Hội chủ. Nguyễn Duy Hiệu đã xây dựng nhiều căn cứ kháng chiến và trở thành thủ lĩnh của Nghĩa hội 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Nghĩa quân đã đánh nhiều trận, gây cho Pháp nhiều thiệt hại.
Do lực lượng ít, vũ khí trang bị thô sơ, lạc hậu nên sau mấy năm cầm cự, đương đầu với giặc Pháp nhiều trận, Nghĩa hội rơi vào thế cùng lực kiệt. Về sau, Nguyễn Duy Hiệu đã nhìn xa trông rộng thấy được vai trò của Khu căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc và xây dựng Tân Tỉnh với đủ 6 bộ, nha, thự, trại tại đây.
Căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc nằm trong thung lũng thuộc Quế Sơn cũ (xã Quế Lộc của Nông Sơn nay). Bảo vệ cho căn cứ có bố trí nhiều phòng tuyến quan trọng, nhất là phòng tuyến nằm bên bờ sông Vu Gia, Đại Lộc do Tán tương Quân vụ Trần Đĩnh (Tú Đĩnh) cầm đầu, trải dài 9 xã Sông Côn, lan rộng tới Nông Sơn.
Dưới sự đàn áp, truy lùng, tập kích ráo riết của quân Pháp và triều đình Đồng Khánh, Nghĩa hội tổn thất nặng nề, bước vào giai đoạn suy tàn và tan rã sau đó. Tuy chỉ tồn tại 3 năm (tháng 6.1885 đến 1887) song phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đã chứng tỏ tinh thần yêu nước bất khuất của người dân xứ Quảng, từ đây phong trào đã tôi luyện được những người con ưu tú để tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước vào những năm đầu thế kỷ XX.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, việc làm sáng tỏ vai trò, ý nghĩa của Khu căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc gắn với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam sẽ là cơ sở đầu tiên để huyện xác lập và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Công tác quy hoạch, khoanh vùng, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, xây dựng nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” cũng được huyện, tỉnh và các sở ngành hết sức chú trọng trong thời gian tới.