Làm sao là...làm thế nào?

PHAN VĂN MINH 22/04/2017 09:46

Bữa nghe nói có cán bộ khuyến nông về hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bà con rủ nhau đi nghe rất đông. Lâu nay giá lúa rẻ rề, nuôi heo gà lúc được lúc không, bà con háo hức muốn được học cách làm nông hiệu quả, bền vững như vẫn thường nghe đài báo đưa tin.

Cay như ớt. Nguồn: internet
Cay như ớt. Nguồn: internet

Trong suốt hơn một tiếng đồng hồ, cán bộ đã giới thiệu những tấm gương “nhà nông làm giàu” trên khắp cả nước khiến bà con mê mẩn, há họng ngồi nghe như uống từng lời. Nào chuyện anh Đỗ Phú Ngự ở Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỷ phú nhờ trồng đu đủ, ông Lê Văn Phấn ở Bình Dương thành đại gia từ cây quít đường, rồi nào chị Đinh Thị Kiều Hoa ở Khánh Hòa thu lãi mỗi tháng hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi… rắn mối… Những chuyện này cho dù đã nghe nhiều trên tivi nhưng bây giờ được cán bộ tổng hợp lại vẫn thấy hấp dẫn, giống như nghe bà ngoại kể chuyện cổ tích thời ấu thơ.

Cuối cùng, cán bộ đặt vấn đề rất “sát sườn”: “… Vậy thì ngay từ lúc này, bà con ta phải làm sao thay đổi tư duy nông nghiệp, phải làm sao cải tiến tập quán canh tác, phải làm sao chuyển đổi cho bằng được cơ cấu cây trồng và con vật nuôi. Trên mỗi mảnh đất của mình phải suy nghĩ xem nên trồng cây gì, nuôi con gì?...”. Bà con vỗ tay nồng nhiệt rồi hoan hỷ ra về, nhưng vừa tới ngã ba đầu làng lại ngơ ngác kéo áo hỏi nhau: “Ủa, chuyển đổi cơ cấu…, làm sao là… làm thế nào? Cây gì con gì là… cây chi con chi?” - “Ông hỏi tui thì tui biết hỏi ai? Sao lúc nãy không hỏi cán bộ?”.

Hỏi thì hỏi vậy nhưng các bác nông dân phải tự nghĩ rồi tự trả lời. Có người làm những chuyện “ngược đời” như trồng dưa gang vào mùa mưa, bỏ qua cái kinh nghiệm “trời nắng tốt dưa” do ông bà truyền lại; có người dựng hàng trăm trụ bê tông ngoài đồng để làm giàn bầu lai, bán cho thiên hạ ăn… tết. Vậy mà “trúng đậm”. Một sào đất có thể thu được vài chục triệu chỉ trong hai tháng. Nhưng nếu bà con chòm xóm thấy thế mà bắt chước làm theo, hoặc xem thứ gì mà năm trước được giá năm nay cứ thế hè nhau cùng đổ ra làm, thì thông thường là bị rớt giá, mười phần chỉ còn vài phần. Cạnh nhà tôi có chú Năm, có thể nói là một chuyên gia về… “chuyển đổi cơ cấu…”. Năm trước chú nghe nói ở Quảng Ngãi có người trồng gừng trong vỏ bao xi măng rất hiệu quả, báo chí ca ngợi ầm ầm. Chú vào tận nơi tham quan, hỏi han thật kỹ rồi về trồng thử 3.000 bao. Nhưng sau 9 tháng chăm bón kỳ công, đến hồi thu hoạch thì mới hỡi ôi, giá gừng đã rớt xuống còn 8.000 đồng/kg, bằng đúng 1/10 lúc chú mua giống. Nguyên nhân là bên Tàu người ta cũng trồng được giống gừng củ to hơn, nay lại bán ngược sang ta. Năm sau nghe nói giá ớt xanh tăng vọt, chú chuyển sang trồng ớt thì lại thấy là nó còn… cay hơn gừng. Ở thời điểm đó, nông dân các tỉnh phía bắc phải đào hố chôn ớt ngoài ruộng vì không có người mua. Và mấy sào ớt của chú Năm cũng cùng cảnh ngộ. Để vớt vát, thím Năm phải bưng lên chợ ngồi bán lẻ từng trái, dù chẳng thấm vào đâu. Tuy vậy, chú vẫn chưa chịu thua. Chú lại xoay sang trồng môn hương trên đất cát. Sự bất quá tam, lần này thì chú… hú hồn bởi thành công ngoài mong đợi. Môn hương vừa đạt sản lượng vừa được giá. Chú tính chuyện sẽ nâng gấp đôi diện tích cho vụ sau, và nhiều nhà cũng đang rục rịch làm theo. Chưa biết rồi sẽ thế nào, chỉ lạy trời sao cho môn hương mùa tới đừng có… “cay” như gừng như ớt.

Đó là chuyện mắt thấy tai nghe. Còn trên báo chí, năm trước nghe có anh Nguyễn Văn Lao ở huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp thu lãi 300 triệu đồng nhờ trồng dưa hấu thì năm nay lại có tin nông dân Quảng Ngãi đứng ngồi không yên vì có hơn 20.000 tấn dưa không biết bán cho ai, phải nhờ sinh viên học sinh tít tận ngoài Hà Nội hỗ trợ bằng cách ra đường vừa rao vừa bán lẻ từng quả, hoàn toàn đi lặp lại đúng con đường của quả dưa Quảng Nam hai năm về trước. Lại có chuyện bi hài: trên cùng một trang báo điện tử lại đồng thời tích hợp những đường link có từ khóa trái ngược nhau, đại loại “Thoát nghèo từ trồng chuối” và “Giá chuối rớt đáy, nông dân bỏ chín đầy vườn…”; hoặc “Thu bạc tỷ nhờ nuôi cá lóc” và “Cá lóc rớt giá, người nuôi lao đao”… Làm nông mà cứ như đánh… tôm cua, sáu cửa chưa chắc đã ăn ba. Trồng cây gì, nuôi con gì chẳng biết hỏi ai.

Đất đai, khí hậu bắc, trung, nam mỗi miền mỗi khác, giá cả thị trường lại biến động từng ngày. Nhưng nước ta đang tồn tại nhiều hệ thống quản lý, chuyên môn, dân vận từ trung ương đến địa phương liên quan tới nông nghiệp. Ngay cả ở cấp huyện cũng đã có phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, hội nông dân… Rồi còn biết bao chuyên gia kinh tế, thương mại, các nhà nông học, thổ nhưỡng học, khí tượng học… đang hưởng lương của dân để chú tâm về chuyên môn… Câu hỏi đặt ra là liệu các cơ quan và các “nhà” ấy có thể đưa ra những bản đồ quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi cho từng vùng miền được không? Có thể dự báo cập nhật thời tiết nông vụ cho chính xác hơn được không? Có thể tính toán và cung cấp các số liệu cung cầu cho từng loại sản phẩm, từng thị trường được không? Nếu không thì tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” sẽ vẫn lặp đi lặp lại triền miên. Đến khi được hỏi về trách nhiệm thì… hầu hết đều đổ lỗi cho thời tiết hoặc than phiền rằng tại nông dân sản xuất theo phong trào. “Nắng mưa là chuyện của trời”, còn giá cả thị trường thì hình như là chuyện bên Tàu, bên Tây, người nhà nông lội dưới đồng khô ruộng lầy, làm sao biết được? Nhưng đã là nông dân thì phải vun, phải trồng, cho dù mỗi khi đứng trước thửa ruộng nhà mình họ vẫn phải loay hoay với câu hỏi: “Trồng cây gì nuôi con gì… là trồng cây chi nuôi con chi?”.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm sao là...làm thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO