(QNO) - Chỉ trong vòng khoảng 1 tuần, cơ quan chức năng đã phát hiện tổng cộng 504 tấm gỗ quy cách cất giấu trái phép với tổng khối lượng gỗ xấp xỉ 34m3 tại khu vực rừng giáp ranh giữa địa bàn huyện Đông Giang và huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Lâm tặc ngang nhiên phá rừng trong suốt một thời gian dài, cách trạm quản lý bảo vệ rừng chỉ chưa đầy một cây số!
Hiện trường vụ cất giấu gỗ trái phép được phát hiện |
Đóng cửa rừng, “đường” vẫn mở!
Đến sáng 16.10, số gỗ tang vật được phát hiện cất giấu trái phép tại khu vực rừng giáp ranh đã được vận chuyển về tạm giữ tại UBND xã Tư và trạm kiểm lâm Dốc Kiền (huyện Đông Giang). Xe hai cầu có thể vào đến tận nơi các bãi gỗ, thậm chí có nơi chỉ cách trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa) chưa đầy một cây số. Ông Đinh Văn Hươm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang bức xúc: “Số lượng gỗ lớn như thế, không phải một sớm một chiều là có thể khai thác, tập kết được. Lực lượng kiểm lâm không thể không biết, nhất là chỉ cách trạm mấy trăm mét!”. Địa điểm mà ông Hươm nhắc đến là khu vực tập kết 66 phách gỗ phát hiện đầu tiên, nằm ngay cạnh con đường đi ngang qua trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết các tuyến đường ngang dọc trong địa bàn rừng giáp ranh ở xã Tư, vốn được xí nghiệp Lâm nghiệp 2 trước đây khai thác gỗ vào giai đoạn trước năm 1993. Tuy nhiên, từ khi đóng cửa rừng đến nay, những con đường cũ được “tận dụng” trở thành tuyến đường chuyên chở gỗ lậu tuồn ra khỏi địa bàn. Đi dọc vào sâu trong khu vực gỗ lậu được phát hiện, có nhiều đoạn đường được mở rộng, cải tạo, xẻ thành “xương cá” rải khắp các địa bàn. Trong quá trình thâm nhập địa điểm cất giấu gỗ, chúng tôi bắt gặp nhiều đối tượng chở cưa máy, máy hút nước vào trong rừng. Có nơi gỗ được tập kết ngay ven đường, chờ phương tiện tuồn ra ngoài. Cửa rừng đã đóng hơn 20 năm, nhưng nhiều con đường trong rừng vẫn mở!
Lực lượng kiểm lâm tạm giữ số gỗ tang vật tại trạm kiểm lâm dốc Kiền |
Tại 9 điểm cất giấu gỗ mới được phát hiện, gỗ được xẻ theo từng tấm quy cách với số lượng lên đến hơn 400 tấm, lâm tặc tổ chức che đậy khá kín đáo. Nhiều khối gố có kích thước lớn. Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tư cho biết: “Lâm tặc thuê người cảnh giới, liên lạc tổ chức cất giấu phương tiện, tang vật khi biết có lực lượng truy quét. Thậm chí nhiều đối tượng còn quay lại hăm dọa, đòi trả thù lực lượng chức năng”. Năm ngoái, lực lượng kiểm lâm xã cũng phát hiện, bắt giữ 6,5m3 gỗ lậu, nhiều đối tượng liên tục gọi điện, nhắn tin tới lãnh đạo xã và các kiểm lâm viên. “Kể từ khi lập tổ liên ngành, chốt chặn và truy quét liên tục, cấm cả việc tiếp tế xăng dầu, thực phẩm cho các đối tượng khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản, tình hình mới tạm dịu đi” - ông Bình cho biết.
Có dấu hiệu bao che lâm tặc?
Thừa nhận phối hợp thiếu đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhưng ngay cả khi hoạt động độc lập, các cơ quan chức năng làm công tác bảo vệ rừng vẫn không ngăn chặn được bàn tay lâm tặc. Phía chính quyền huyện Đông Giang cho rằng, trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông chưa hoàn thành trách nhiệm của mình, để lâm tặc tập kết gỗ ngay sát nơi trạm đóng quân. Thậm chí, huyện Đông Giang từng đề nghị trạm Cà Nhông chuyển địa điểm đóng trạm sang lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa hoặc chuyển ra đóng ở trung tâm xã nhưng vẫn chưa nhận được trả lời. Ông Đinh Văn Hươm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói: “Trạm quản lý bảo vệ rừng đóng trên địa bàn của huyện Đông Giang nhưng lại hoạt động không hiệu quả, để lâm tặc, vàng tặc ngang nhiên hoạt động. Trong các đợt truy quét vàng tặc trước đây, chúng tôi phát hiện các đối tượng cất giấu phương tiện trong trạm nhưng khi vào kiểm tra, làm việc thì trạm không tạo điều kiện cho phía lực lượng liên ngành”. Chúng tôi vào liên hệ làm việc với trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông thì các cán bộ tại trạm cho biết lãnh đạo không có mặt và từ chối cung cấp thông tin.
Số gỗ tang vật tạm giữ tại UBND xã Tư chờ xử lý. |
Tổng cộng, cơ quan chức năng đã phát hiện 504 tấm gỗ các loại cất giấu trái phép với tổng khối lượng gỗ xấp xỉ 34m3 tại khu vực rừng giáp ranh. Ngày 6.10, phát hiện 66 phách gỗ nhóm 2 cất giấu trái phép tại khoảnh 5 tiểu khu 37 lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa. Những ngày sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 4 điểm cất giấu gỗ trái phép với tổng cộng 224 tấm gỗ quy cách (khối lượng khoảng 10m3) tại khoảnh 4 tiểu khu 37 lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa và 5 điểm cất giấu lâm sản trái phép với 214 tấm gỗ quy cách (khối lượng khoảng 9m3 gỗ) tại khoảnh 1 tiểu khu 65 thuộc khu vực rừng phòng hộ sông Vàng thuộc địa bàn xã Tư (Đông Giang). Số gỗ trên được xác định là gỗ kiền kiền, gõ, thuộc nhóm 2. |
Ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cho hay: “Hiện tại, đối với viên chức làm công tác bảo vệ rừng có 5 người, bảo vệ trên 5.000ha rừng, vùng giáp ranh hơn 37km nên để xảy ra vụ việc này một phần do sự chủ quan của cán bộ trạm. Tôi là cấp trên của cán bộ trạm, trước hết tôi chịu trách nhiệm trước Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng. Sau đó, ban quản lý có trách nhiệm xử lý, kỷ luật, không bao che chuyện này. Chúng tôi là người trực giữ rừng nên phải xử lý triệt để”. Ngày 16.10, cơ quan công an, kiểm lâm và các cán bộ của ban quản lý cũng đã vào rừng để xác minh nguồn gốc gỗ, đối tượng khai thác. Về việc tổ chức phối hợp giữa hai địa phương, ông Sự cũng chia sẻ thêm, nếu chính quyền và lực lượng kiểm lâm huyện Đông Giang làm kiên quyết ngay từ đầu thì tình hình khu vực rừng giáp ranh đã không phức tạp như bây giờ. “Rừng xã Tư đã tan nát từ lâu. Nên lâm tặc mới tràn sang lâm phận của phía Đà Nẵng để triệt hạ, tàn phá rừng. Trong khi đó, lực lượng của trạm quá mỏng, không thể tránh được sai sót. Quyết liệt phải quyết liệt ngay từ đầu” - ông Sự nói.
Hiện tại, các cơ quan chức năng của cả hai địa phương đều đã vào cuộc để làm rõ vụ việc, đồng thời nghiêm túc xử lý kỷ luật nếu phát hiện vi phạm của các cán bộ quản lý.
Quảng Nam Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.
PHƯƠNG GIANG