(QNO) – Qua nhiều ngày thăm dò Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bị lâm tặc tàn phá, trong 2 ngày (4-5.4), phóng viên Báo Quảng Nam online đã tiếp cận hiện trường vụ phá rừng tại khu bảo tồn này với quy mô lớn, xảy ra tại thôn Pà Xua (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang).
Hiện trường vụ phá rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: THANH THẮNG |
Trong vai người hái nấm lim xanh, chúng tôi cùng người dẫn đường tiếp cận hiện trường vụ phá rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Sau hơn 6 giờ đồng hồ đi bộ, men bờ sông Thanh với địa hình hiểm trở, nhiều đoạn phải vượt qua thác nước và dốc núi thẳng đứng, chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng đặc dụng sông Thanh. Khu rừng bị tàn phá nghiêm trọng, thuộc lâm phận quản lý của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh.
Một cây gỗ lim bị lâm tặc tàn sát. Ảnh: THANH THẮNG |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực bìa rừng nhiều cây gỗ lim bị triệt hạ. Men theo con đường mòn vào rừng, có gần trăm cây gỗ lim bị lâm tặc đốn hạ khoảng một năm trở lại đây. Càng đi sâu vào rừng, phóng viên ghi nhận hàng chục cây gỗ gõ, lim… đường kính 0,8m đến 1,4m bị lâm tặc đốn hạ, “xẻ thịt” không thương tiếc. Nhiều điểm, lâm tặc đã từng dựng lán xẻ gỗ như một “đại công trình” giữa rừng.
Cây gỗ gõ đường kính hơn 1m bị đốn hạ trơ gốc. Ảnh: THANH THẮNG |
Tiếp đó là cây gỗ gõ khác dài hơn 30m bị đốn hạ chưa kịp xẻ phách. Ảnh: THANH THẮNG |
Nơi chúng tôi tiếp cận, nhiều cây gỗ vừa mới bị đốn hạ nằm ngổn ngang, một số gỗ chưa được vận chuyển ra ngoài. Theo nguồn tin chúng tôi có được, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã bị tàn phá từ nhiều năm nay, gỗ được chuyển từ rừng theo đường sông Thanh về xuôi. Một số gỗ khu vực khu bảo tồn giáp ranh với xã Phước Đức (huyện Phước Sơn) được lâm tặc chuyển qua đường của huyện Phước Sơn.
Nhiều người dân địa phương cho biết, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có nhiều cây gỗ quý như lim, sến, gõ... tuổi đời đến hàng trăm năm.
Gỗ xẻ thành phách chưa vận chuyển khỏi rừng. Ảnh: THANH THẮNG |
Ngổn ngang rừng bị chặt phá. Ảnh: THANH THẮNG |
Một khu vực cưa xẻ của lâm tặc trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: THANH THẮNG |
Gỗ bị "xẻ thịt" sát sông Thanh, lớp mùn cưa còn rất tươi. Ảnh: THANH THẮNG |
Theo người dân, việc phá rừng tại khu bảo tồn đã xảy ra nhiều năm nay. Ảnh: THANH THẮNG |
Chiều 7.4, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online, ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, hiện chưa nắm được tình hình phá rừng đặc dụng tại khu bảo tồn và bất ngờ với những thông tin phóng viên phản ánh. Ông Hồng cho biết sáng 8.4 vào kiểm tra hiện trường.
“Trong thời gian qua, tuần nào chúng tôi cũng đi kiểm tra. Đặc điểm của rừng đặc dụng trải dài từ đèo lò xo (Phước Sơn) xuống tới Nam Giang. Quân số biên chế của hạt kiểm lâm có 19 người. Lực lượng thiếu trầm trọng. Rừng đặc dụng Sông Thanh không bị phá tràn lan như các nơi khác, có chăng những gốc gỗ cũ, hiện tôi chưa nắm được” - ông Hồng nói.
Mời bạn đọc xem video:
.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, hiện vẫn chưa nắm được vụ việc phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Sau khi phóng viên cung cấp một số hình ảnh hiện trường qua thư điện tử, ông Thanh cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra vụ việc.
Săn bắt thú tại khu bảo tồn Qua 2 ngày “mục sở thị” tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, chúng tôi còn ghi nhận có 2 lán trại với hơn 5 đối tượng thường xuyên đặt bẫy thú, săn bắt trái phép. Tại khu rừng có hàng trăm bẫy rút dùng để bẫy thú.
Khoảng 16 giờ chiều 5.4, tại lán trại của người đàn ông tên Khiêm (khoảng 38 tuổi), có 4 người đàn ông đang bắt đầu làm thịt những con thú vừa săn bắt được. Trong đó, 1 đối tượng tên Bình đang nhổ lông con khỉ đầu chó (hơn 2kg). Ngoài ra, 1 cá thể voọc chà vá chân xám cũng vừa bị nhóm này giết hại, để ngay trước lán trại chuẩn bị mổ thịt. Theo điều tra, khu vực lán trại của các đối tượng trên có 3 khẩu súng. Trong đó 1 khẩu súng có hình dạng giống AK-47, 2 khẩu súng thể thao. Một thanh niên dẫn đường cho biết, nhóm này chuyên săn bắt thú rừng, mỗi tháng ra khỏi rừng một lần để mua thực phẩm, gạo… |
THANH THẮNG