Đất rẫy Tân Hiệp (Trà Sơn, Bắc Trà My), giờ phần lớn là của người ở ngoài thị trấn. Nhiều gia đình đã bán đi gần hết số đất của cha ông mình, rồi chấp nhận đi làm thuê. Cuộc sống giờ tạm bợ như chính căn nhà của họ. Từ đó, cái nghèo đeo đuổi ngôi làng nhỏ chỉ cách thị trấn sầm uất ngoài kia chưa đầy chục cây số…
Tổ 1 là tổ nghèo nhất của thôn Tân Hiệp.Ảnh: T.C |
Làng làm thuê
Con dốc dựng đứng dẫn vào làng trơn như xối mỡ, vì mưa. Chúng tôi để lại xe máy, leo ngược lên đầu dốc, nơi những nóc nhà lô nhô của người dân tổ 1 (thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) nằm chen chúc. Nhà đã cũ, phần lớn bằng gỗ. Ngoài nhà chính, nhiều gia đình dựng thêm một căn bếp nhỏ bằng tre nứa. Những người già ở “túp lều” đó thường xuyên hơn, dù rất chật, và ám đầy mùi khói. Bước qua những đôi mắt nhìn chừng như dò xét, chúng tôi ghé vào nhà ông Đinh Văn Xê. Ông ở trong nhà bếp, nhường căn nhà chính cho hai đứa con trai. Nhạc trẻ xập xình từ căn nhà chính. Nghe có tiếng người lạ, đứa con út là Đinh Văn Linh mở hé cửa nhìn ra, rồi tắt nhạc và… đóng cửa. Linh 19 tuổi, đã nghỉ học. Thi thoảng, cậu út theo vợ chồng anh cả là Đinh Văn Đức (30 tuổi) đi phát rẫy thuê. Còn ông Xê thì chỉ ở quanh quẩn ở nhà, vì già yếu (61 tuổi). Tiền công làm thuê của vợ chồng anh Đức là nguồn nuôi sống cả nhà. Có gì ăn nấy. Lúc tôi đứng ở cửa nhà nói chuyện với ông Xê, chị gái Linh mang một rổ rau lớn đi về phía bếp. Đó cũng là bữa trưa của cả gia đình, với cơm.
Ông Trần Thanh Danh - Trưởng ban mặt trận thôn Tân Hiệp - nói với chúng tôi rằng, Tân Hiệp là thôn nghèo nhất của xã, còn nơi này, là tổ… nghèo nhất của thôn. Ông Danh dẫn chúng tôi rời nhà ông Xê, đi lên đầu dốc. Cả nam, cả nữ túm tụm lại trước một gian nhà sàn. Tôi ghé vào, hỏi cô gái trẻ nhất trong nhóm. Cô tên Đinh Thị Trinh, 23 tuổi, đã có 2 đứa con. Cô gái trả lời nhát gừng, không nhìn chúng tôi trong suốt cuộc trò chuyện, tay mân mê gói thuốc lá loại rẻ tiền trong túi. Tôi hỏi, sao hôm nay không đi làm? Trinh không trả lời, mà nhìn ra ngoài hiên mưa, ý chừng đó là lý do. Những người khác nhìn nhau, rồi nhìn mưa, mặc kệ cho lũ trẻ con đầu trần chân đất đang chạy đùa ngoài sân mưa, đôi bàn chân nhỏ bấm lấy đất bùn trơn trượt, chơi vơi...
Không phải tất cả họ đều ở nhà… nhìn mưa. Giữa chừng, hai người đàn ông trong nhóm rời đi về phía nhà mình, cùng lúc với sự xuất hiện của hai người khác. Hai cha con ông Võ Thanh Xứng (thôn 2, xã Tam Ngọc), người vừa mới đến, là chủ rẫy keo. Họ đến để đón Đinh Văn Cường và Đinh Văn Đức, hai người đàn ông trong nhóm vừa rời về nhà lúc nãy. Chúng tôi theo chân họ. Ông Cường quay vào căn nhà trống hoác, với lấy mấy bộ áo quần treo trên vách, rồi trở ra theo người chủ rẫy keo. “Đi phát rẫy thôi, không phải làm vàng đâu” - ông khoát tay nói, mà có lẽ, là với ông cán bộ mặt trận thôn đi cùng chúng tôi. Hơi men nồng nặc phả vào không khí. Chủ rẫy lắc đầu, bảo mỗi lần muốn thuê, phải chạy ngược lên đón, tận làng. Được cái dễ gọi người. Kể cả nữ. Họ đều sẵn lòng đi làm thuê, miễn là chủ phải nuôi cơm, lo rượu và… cho ứng tiền. Chúng tôi tỏ vẻ ái ngại với ông Xứng, khi thấy Cường vẫn đang còn say khướt, đôi tay run run ôm theo mớ đồ cũ. Ông Xứng hiểu, nhanh nhảu giải thích, rằng có rượu, là làm tốt. “Hai anh em này làm cho tôi hơn 10 năm nay rồi. Những người này, tôi cũng từng thuê cả” - ông nói.
Những phận đời lay lắt
Bi kịch ở nơi này, bắt nguồn từ chuyện bán đất. Ông Đinh Văn Xê nói, vợ ông đã bán đất cho người khác từ nhiều năm trước. Bao nhiêu tiền ông không rõ. Chỉ biết, là nhà bây giờ không có tiền. Phần đất ít ỏi còn lại, đủ để có gạo ăn qua ngày. Nhưng đó là khi được mùa. Không đất, như con rựa cùn, muốn làm gì cũng khó. Ông Trần Thanh Danh kể, người ngoài thị trấn mua gần hết rẫy của dân tổ 1, rồi họ thuê chính người dân ở nơi này đi trồng keo cho họ. Năm ngoái, hai vợ chồng P.L. - người mua đất - thu được hơn 1 tỷ đồng tiền bán keo. Dân Tân Hiệp thì cứ lay lắt kiếm sống từ làm thuê, với 120 nghìn đồng cho một ngày cật lực. Bán đất là khởi nguồn của cơn nghèo. Đinh Thị Trinh giờ chỉ còn mảnh rẫy ở tít tận xã Trà Giang. Nhiều hộ khác, vì đau ốm, vì bệnh tật, và… chẳng vì lý do gì, vài năm trước, cũng đã bán phần lớn đất rẫy cho người nơi khác, để rồi làm thuê, trên chính đất của mình. Tài sản, chỉ còn lại những căn nhà xập xệ, cũ nát, trống hoác không có lấy một chiếc ghế…
Đất đã bán gần hết, ông Xê sống nhờ tiền làm thuê của mấy đứa con, trong căn bếp xập xệ.Ảnh: T.C |
Người hiếm hoi không bán đất, trong cơn lốc ấy, là chị Đinh Thị Xuân Lan. Có chừng 3ha đất rẫy, nhưng khi có người hỏi mua, người phụ nữ Ca Dong này hỏi thẳng, mua đất, rồi có mua con tôi, mua tôi không, tôi bán luôn. Chứ bán đất rồi, tôi và con tôi lấy gì mà sống. Chị không đùa. Một héc ta đất, chỉ có giá vài trăm nghìn. Hai vợ chồng giữ lại, rồi cần mẫn phát dọn, trồng keo, nuôi thêm trâu, thêm heo. Họ sống tiết kiệm, đủ tiền nuôi con gái lớn đi học ở Tam Kỳ, nuôi con trai kế đi học nghề ngoài thị trấn. “Đất đó, là của ông bà để lại cho mình. Tới đời mình, không có tiền nhiều, thì dành lại cho con, chứ mai mốt con lớn lên lấy gì mà sống. Ai bán thì bán, chứ tôi nhất định không” - chị nói chắc nịch. Những câu này, chị cũng đã nói với nhiều người khác trong làng, vì cùng là anh em, bà con cả. Chỉ tiếc, là họ không như chị. Nhiều thanh niên lớn có, nhỏ có, khi hết đất, cũng không chịu đi học nghề. Cứ thế làm thuê. Đủ say một bữa, đủ no vài bữa, cuộc đời trôi đi trong lay lắt nghèo…
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, ông Nguyễn Thanh Trang bộc bạch, rằng chế độ, chính sách luôn được ưu tiên cho thôn Tân Hiệp. Bởi thôn này 226 hộ, thì có tới 170 hộ nghèo. Riêng ngân hàng chính sách xã hội đã cho 152 hộ vay vốn với tổng số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Xã cũng đã cấp máy tuốt lúa, máy cắt cỏ cho một số hộ, nhưng rồi họ không bảo quản, làm hư hỏng. “Cán bộ đến từng nhà vận động, tuyên truyền bà con thay đổi thói quen lao động, bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa vườn tược. Nhưng một thời gian đâu lại vào đấy. Cùng là người Ca Dong, nhưng ở thôn khác, ban ngày chỉ có người già và trẻ con, họ lên rẫy, đi làm cả. Còn ở thôn này, đến khi hết gạo, hết tiền, họ mới chịu đi làm” - ông Trang nói. Chuyện dân bán đất, ông Trang cho hay, họ âm thầm bán từ hơn 10 năm trước, lúc đó xã chưa chia tách, còn thuộc thị trấn. Tâm lý ỷ lại thì có thật, vì chế độ chính sách cho hộ nghèo, cho đồng bào thiểu số, các đoàn từ thiện cũng hay thăm ghé, tặng quà, đâm ra họ cứ chờ. Vừa rồi, xã xin được 60 chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, sẽ ưu tiên dành nhiều suất cho thôn Tân Hiệp. “Chỉ có học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, biết dành dụm tiền bạc của cải, mới mong thay đổi được cuộc sống của bà con. Chúng tôi cũng đã giao việc cho các ngành, đoàn thể phối hợp để vận động, tập trung vào số thanh niên chưa có việc làm ở thôn này để hỗ trợ đưa họ đi học nghề, đi làm ở các công ty” - ông Trang chia sẻ.
Ông Trang cũng nhắc chuyện, muốn vận động dân làng học nghề để có công việc ổn định, chắc chắn phải “làm tâm lý” lại từ đầu cho họ, để họ từ bỏ thói quen trông chờ, kiếm được đồng nào “xào” đồng nấy lâu nay. Chúng tôi lại nhớ, khi nãy, vừa bước ra, chưa kịp làm giờ nào, Cường đã nói với ông Xứng: “Cho ứng mấy trăm đưa vợ con mua gạo đi”. Đã quen với điệp khúc ứng tiền của họ, ông Xứng cười, rút tiền đưa cho Cường. “Tay này nghèo mà chịu chơi lắm. Đợt trước tôi đưa cho hơn 2 triệu tiền công, chở về đến đầu làng, gặp ai cũng rút ra cho 5 chục. Về tới nhà, là chỉ còn đủ tiền mua rượu. Đi làm, tôi la miết giờ mới biết đem tiền về đưa bớt cho vợ con” - ông Xứng chỉ vào “tay chơi” Đinh Văn Cường nói. Mười ngày phát rẫy, “hành trang” trên tay Cường chỉ có hai bộ áo quần cũ nát, bước đi… Ngoài trời, vẫn mưa...
Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ