Làm từ thiện có trách nhiệm

CHÂU NỮ 14/10/2019 14:16

Hoạt động từ thiện hiện nay rất đa dạng với nhiều chương trình, hình thức giúp đỡ bằng vật chất và cả tinh thần cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn: từ nồi cháo tình thương ở các bệnh viện đến bữa cơm giá rẻ, nước uống miễn phí ở vỉa hè; từ áo quần, sách vở đến thiết bị vui chơi, đồ dùng học tập cho học trò nghèo vùng cao; từ công trình dân sinh như cầu, đường giao thông cho đồng bào miền núi đến viện phí cho bệnh nhân nghèo. 

Công tác xã hội - nhân đạo - từ thiện cũng thu hút nhiều đối tượng, thành phần tham gia: từ người nội trợ đến cán bộ công chức; từ học sinh, sinh viên đến người lao động bình thường; tiểu thương đến doanh nhân.

Cũng chính vì hoạt động từ thiện đa dạng và thu hút nhiều người tham gia như vậy, nên từ thiện có trách nhiệm, có văn hóa là yêu cầu cần đặt ra đối với hoạt động này.

Hiện nay, khi sắp bước vào mùa đông, nhiều nhóm từ thiện ở Quảng Nam đang kêu gọi quyên góp quần áo (cả cũ và mới) cho đồng bào nghèo ở miền núi trong tỉnh. Nhiều cá nhân nhiệt tình đóng góp để chia sẻ với đồng bào. Tuy nhiên, trước đây, đã không ít lần, thay vì đóng góp quần áo cũ (còn dùng được), có người lại xem đây như là dịp để “thanh lý” hoặc “tống khứ” những thứ đã quá cũ, đã thành “rác”.  Các nhóm từ thiện, tuy quyên góp được khá nhiều vật dụng, nhưng lại phải lựa chọn, loại bỏ những thứ không thể dùng được, rất mất thời gian.

Về phía người tổ chức hoạt động từ thiện, khái niệm “làm từ thiện có trách nhiệm” còn có nghĩa là trao quà, tiền hoặc tặng phẩm đến tận tay đối tượng cần được trợ giúp với thái độ đúng mực trên tinh thần chia sẻ, yêu thương, cảm thông... chứ không phải ở thái độ ban phát. Chỉ khi người làm từ thiện ứng xử đúng mực, với thái độ ân cần và tấm lòng yêu thương, người được giúp đỡ mới không cảm thấy bị tổn thương và tủi thân khi mình bị ám ảnh bởi cảm giác bị rơi xuống đáy xã hội; mà ngược lại, sẽ thấy ấm lòng. “Của cho không bằng cách cho” là vì vậy. Trách nhiệm của người làm từ thiện còn ở chỗ cần tìm hiểu, trao đúng đối tượng và trao quà phù hợp. Trong cứu trợ bão lụt trước đây, từng có chuyện trao quà cho người không bị thiệt hại, cho người khá giả, đã gây nên sự phẫn nộ, bất bình không đáng có. Lại có trường hợp người lớn tuổi nhưng lại nhận được áo quần của người trẻ em; các cụ ông lại nhận được... nội y phụ nữ. Trong khi đó, trẻ em lại nhận được quần áo của người lớn.

Ngoài ra, “từ thiện có trách nhiệm” còn thể hiện ở chỗ bên cho không nên áp đặt các yêu cầu, điều kiện lên phía người nhận. Ví dụ, giúp học sinh nghèo thì không nên đặt điều kiện là nếu có thành tích tốt thì sẽ được giúp tiếp. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích, động viên để các em luôn cố gắng. Các phần quà vật chất cùng với lòng yêu thương, chia sẻ chân thành được trao đi sẽ giúp đối tượng được trợ giúp có động lực vượt khó, vươn lên.

Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, “từ” có nghĩa là “thương yêu”, còn “thiện” nghĩa là “tốt lành”. Vậy có thể hiểu, “từ thiện” nghĩa là “làm việc tốt từ lòng yêu thương (con người)”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm từ thiện có trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO