Có thể nói, chưa bao giờ như lúc này, việc làm từ thiện trên không gian mạng lại dễ và đơn giản đến thế, mà cũng khó đến thế!
Dễ, bởi không cần tìm hiểu, xác minh về những hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần copy thông tin từ báo chí và rồi đưa lên mạng xã hội để kêu gọi sự đóng góp của những nhà hảo tâm. Cách đây ít lâu, có một người copy nguyên bài và ảnh (chỉ thay tên tác giả) một bài báo viết về trường hợp 2 cha con “người rắn” ở Núi Thành của một tờ báo đã đăng trước đó hơn 1 năm và gửi đăng trên một tờ báo ở TP.Hồ Chí Minh. Tất nhiên, khi tờ báo ở TP.Hồ Chí Minh đăng lại bài “xào” này, thì hoàn cảnh của nhân vật đã khác. Cha con “người rắn”, sau khi được kêu gọi trên một tờ báo trước đó đã được bạn đọc hỗ trợ 70 triệu đồng chữa bệnh, người con đã được đến trường chứ không còn “luẩn quẩn ở nhà” như thông tin trong bài “xào” này nữa... Gần đây, dư luận xôn xao về một trường hợp khác cũng làm từ thiện theo kiểu sao chép ấy. Cụ thể, một người có nickname là Vũ Thị Phương Anh đã copy một số bài viết trên Báo Dân trí và đưa lên facebook của mình để kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, thông tin về địa chỉ của đối tượng cần được giúp đỡ đã bị cắt bỏ, thay vào đó là số tài khoản cá nhân của mình để kêu gọi mọi người đóng góp. Thêm nữa, chủ nhân của facebook này cũng không công khai tổng số tiền cộng đồng ủng hộ cho mỗi hoàn cảnh; không trao hoặc trao không đủ số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các hoàn cảnh qua facebook của mình. Rất may là sau đó, Báo Dân Trí đã phát hiện sự việc, tiến hành làm việc với “nhà từ thiện” Vũ Thị Phương Anh và có bài viết: “Làm từ thiện trên mạng xã hội: làm cực dễ và... lừa cực dễ”. Bài viết được nhiều bạn đọc đồng tình, có bạn đọc “té ngửa” khi biết rằng, mình đã trao tiền nhầm địa chỉ.
Thông tin và hình ảnh các nhà hảo tâm giúp đỡ cho từng hoàn cảnh thương tâm cần được công khai. TRONG ẢNH: Anh Nguyễn Thành Giang đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trao tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ cho một hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: C.NỮ |
Chính vì tình trạng lừa đảo khi làm từ thiện trên mạng như vậy nên làm công tác từ thiện hiện nay cũng vô cùng khó. Lòng nhân ái của người Việt vẫn còn đó, nhưng lòng tin ít nhiều bị mất mát qua những việc như đã nêu. Không ít người làm từ thiện bằng tấm lòng chân thật, bằng cái tâm hoàn toàn trong sáng tỏ ra nản chí bởi họ không biết đâu là thật, đâu là giả. Một nhà báo phụ trách mảng từ thiện - xã hội chia sẻ, chị từng gặp trường hợp một người đeo băng gạc đỏ lòm nơi mắt phải đi xin tiền, nói là mới mổ mắt xong. Hôm sau gặp lại người này, chị thấy miếng băng gạc đã... bay sang mắt trái. Có trường hợp sau khi chị viết bài kêu gọi giúp đỡ cho hoàn cảnh rất thương tâm. Khi nhận được tiền giúp đỡ, người trong nhà tranh giành số tiền này rồi xảy ra mâu thuẫn. Gặp vài tình huống như vậy gặp trong quá trình gọi là... làm từ thiện khiến chị ngao ngán. Anh Nguyễn Thành Giang (Trường Xuân, Tam Kỳ) - một người tích cực kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội cho rằng, việc giả danh “nhà từ thiện” đã ảnh hưởng đến những người làm từ thiện chân chính. Tuy nhiên, số này không nhiều và khi phát hiện những nhà từ thiện giả, bạn đọc cần công khai danh tính cho nhiều người biết. Sự không rõ ràng trong nhận và trao tiền tiền từ thiện khiến nhiều người mất lòng tin nên anh Nguyễn Thành Giang luôn công khai cụ thể số tiền nhận được cho từng trường hợp và gửi thông tin, hình ảnh việc trao tiền đến cho các nhà hảo tâm dù rằng người ủng hộ không cần công khai. “Nếu mình làm từ thiện bằng cái tâm chân thành thì trước sau gì mọi người cũng hiểu” - anh Giang chia sẻ.
Phải chăng, làm từ thiện trong thời buổi thông tin đa dạng, nhiều chiều và hay bị... “nhiễu” như hiện nay, cần lòng tốt thôi chưa đủ mà còn cần cả sự tỉnh táo nữa?
CHÂU NỮ