Cuộc đời như dòng thác. Một khi bước chân xuống đó là ta bị cuốn trôi đi. Hiếm có những phút giây bình yên để ta tĩnh tâm thưởng ngoạn trần gian, như những khi ta một mình nhâm nhi ly cà phê hay một chai bia nơi quán cóc. Chỉ những lúc đó, ta mới cảm nhận được cái thú của sự tĩnh lặng. Tôi cho rằng đến một tuổi nào đó, khi thấy chuyện bon chen với áo cơm đã dứt, chuyện chìm nổi với thế gian đã đủ, ta lại thèm được dừng chân để quay về sống tĩnh lặng với thiên nhiên. Mà để có thể sống tĩnh lặng đôi phút với thiên nhiên và lắng nghe được tiếng nói của cỏ cây thì cách đơn giản nhất là làm vườn.
Chăm sóc vườn rau. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Trong thời buổi đất chật người đông hiện nay, vui cảnh điền viên như các nhà thơ xưa trong cõi Đường thi là điều mộng ảo. Nhưng nếu may mắn, ta có thể tìm được một mảnh vườn. Nhỏ thôi, cũng được. Tôi thuộc những người may mắn đó, khi có được một mảnh vườn nhỏ. Ngoài một khoảnh nhỏ để cho cỏ dại mọc tự nhiên, phần còn lại để trồng ít hoa.
Khổng Tử có một câu nói chỉ chín chữ, nhưng tôi cho là câu kinh điển cực kỳ thâm thúy, có thể vận dụng cho mọi nền giáo dục cổ kim. “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc”. Con người buổi ban đầu, thiên tính cần để phát triển tự nhiên bằng thơ ca. Đó là Thi. Đến khi tình cảm đã đầy đặn, tâm hồn không còn khô cằn nữa, nếu con người cứ tiếp tục để cảm xúc phát triển một cách tự nhiên thì không khỏi dẫn đến chỗ phóng túng, bừa bãi, nên phải dùng khuôn phép để ràng buộc. Đó là Lễ. Dùng thơ ca, văn chương làm hứng khởi tâm tính con người là để vun đắp cái Tình. Dùng khuôn khổ lễ nghi ràng buộc hành động con người là để phát triển cái Lý. Khi con người đã có tình cảm phong phú, lại biết dùng lý trí để kiềm chế bản thân thì mới có thể đạt đến nhân cách hoàn chỉnh. Đó là Nhạc. Tùy theo thời đại, tùy theo nền văn hóa của từng đất nước mà cách vận dụng Thi, Lễ, Nhạc có thể khác nhau.
Hôm nay, rảnh, ra vườn xới đất, cắt cây tự nhiên nhớ lại câu nói ấy. Thấy thật lý thú. Lúc đầu, trong vườn cứ để mặc cỏ dại mọc um tùm, thuận theo lẽ tự nhiên, không cắt bỏ, không xén tỉa. Giống như một người sống tự do mà không bị điều chi kiềm chế. Đó là “hưng ư Thi” vậy. Nhưng để cỏ mọc đầy, nhìn có vẻ “tự nhiên” đấy, không phải nhọc công chăm bón, nhưng ngẫm ra không khỏi có đôi chút hoang phí. Chỉ cần dành một khoảng đất nhỏ cho cỏ dại. Phần còn lại để trồng hoa. Phần đất trồng hoa đó, phải dọn cỏ, xới đất, đánh luống cho đều. Đó là “lập ư Lễ” vậy.
Nhưng trồng được chậu hoa như ý cũng chẳng phải là điều đơn giản. Nào là xới đất, bón phân, chọn mùa thích hợp, tưới nước hằng ngày... Giống như một người quen sống theo cảm xúc tự nhiên, nay phải khép mình vào khuôn khổ. Ngẫm ra làm vườn cũng chẳng khác chi cầm bút. Chú tâm vào việc làm cỏ, bón phân, tưới nước... thì có khác gì chuyện nhà văn tập trung vào ngòi bút? Kiên nhẫn theo dõi sự phát triển của khóm hoa hàng ngày, có khi hàng tháng cho đến lúc hoa nở, điều đó có khác gì với một người cầm bút kiên trì với ý tưởng suốt năm này tháng nọ để hoàn thành tác phẩm? Khi ngồi thưởng thức những đóa hoa mà ta dày công chăm sóc đó, thử hỏi niềm vui ấy có khác gì với người viết sách hoàn thành tác phẩm?
Tuy không thể có được niềm hạnh phúc như “Người làm vườn” của Tagore, chăm sóc vườn hoa là để có dịp chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt trần của hoàng hậu, nhưng giữa cuộc sống xô bồ, tìm được sự tĩnh lặng nơi một góc vườn, cùng những đóa hoa, cũng là điều thú vị. Đó là cõi “Riêng một góc trời” để “Một mảnh tình riêng, ta với ta”.
Có điều, cả một khuôn viên mà trồng toàn hoa, dù là kỳ hoa dị thảo, vẫn gây cho ta cảm giác đơn điệu, nếu không có một đôi nét hoang dại của thiên nhiên. Cho nên trong vườn hoa nào cũng nên để một khoảng đất cho cỏ dại mọc tự nhiên.
Lâm Ngữ Đường, khi nghiên cứu về Dương Quý Phi, mới phát hiện ra một điều lý thú. Theo ông, nhan sắc Dương Quý Phi tuy đẹp nhưng cũng không có gì xuất sắc như được ca ngợi trong thơ văn, thậm chí bà còn hơi mập nữa là khác. Nhưng Đường Minh Hoàng yêu bà say đắm vì tính bà ương bướng, và đôi khi còn dám hỗn xược với vua! À, đó là cỏ dại trong vườn hoa đấy. Xem phim cổ trang Trung Quốc về đời Thanh, cứ nhìn cảnh cúi chào, cung tiễn, bình thân, cứ nghe nào là “nô tài”, “tạ hoàng thượng”... là đã muốn... bịnh rồi! Tất cả mọi người đếu sống và hành động rập khuôn như cái máy biết phát âm, đến là nhàm chán. Điều đó cũng chẳng khác gì một khuôn viên trồng toàn hoa theo quy hoạch(!).
Làm vườn, trồng hoa, để hoa thỉnh thoảng mọc chen với loài cỏ dại, tôi cho đó là cảnh giới hài hòa nhất để thưởng ngoạn thiên nhiên. Giống như “thành ư Nhạc”. Mà đúng là nhạc thật! Khi có chút hơi men, ôm cây guitar, ngồi hát với cỏ hoa chiều cùng bè bạn, không cần phải là giữa cảnh trời đất bao la, mà chỉ trong khu vườn nhỏ của ta, há đó là chẳng phải là những phút giây hạnh phúc nhất đời người hay sao?
LIÊU HÂN